Một thông tin khác cho biết, cơ quan điều tra đã đề nghị xem xét trách nhiệm một số nhà báo đã thông tin về PMU18.
Điều gì đang xảy ra? Thử nhìn lại toàn cảnh vụ việc
1. Báo chí đã đi "dọn đường" cho tố tụng
Trong vụ PMU 18, khởi đầu từ việc phá một ổ cờ bạc của (một nhóm cảnh sát đánh bài ăn tiền), công an có cớ khám nhà một người trong số đó, là sĩ quan cục Cảnh sát giao thông, và là trùm cá độ. Tra máy tính người này, họ phát hiện có tên của một quan chức PMU 18 (sau này được xác định là Bùi Tiến Dũng) với số tiền đánh bạc- được “nhá” cho báo chí là lên đến con số hàng triệu đô la.
Bùi Tiến Dũng vào vòng ngắm và bắt đầu chạy thuốc. Dũng Huế nhận 30 ngàn đô la để chạy chọt cho Bùi Tiến Dũng. Dũng Huế có quan hệ thân thiết với tướng Cao Ngọc Oánh nên sau đó báo chí cũng được “nhem nhem” thông tin để đặt dấu hỏi về sự trong sạch của Tướng Oánh.
Vào thời điểm đó, một ghế Ủy viên Trung ương và ghế Thứ trưởng Công an gần như đã nằm trong tay tướng Oánh. Đùng một cái, người ta vận động ông Oánh làm đơn không đi dự đại hội đảng, chờ xác minh những điều dư luận nghi vấn. Cơ hội trở thành Ủy viên trung ương xem như mất trắng. Ông Oánh ngồi chơi xơi nước đến sau khi Đại hội Đảng xong, ông được “minh oan”, rằng không liên quan đến chạy án. Nhưng khi đó, cơ hội lên Thứ trưởng và cái ghế Ủy viên Trung ương đã rời khỏi tầm tay
Nguyễn Việt Tiến bị bắt, báo chí sôi nổi đặt đủ thứ vấn đề, gần như kết tội, và bây giờ, cơ quan điều tra bảo rằng không chứng minh được.
Phó Viện trưởng VKSND Tối Cao Hoàng Nghĩa Mai cho biết: “Khởi tố ông Tiến có cả vấn đề pháp lý và vấn đề dư luận”.Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Nguyễn Thị Thu Ba thì nhận định “Cơ quan tố tụng phải làm việc theo pháp luật. Nếu bị tác động của dư luận mà khởi tố ai đó, thì đấy là sai lầm!”
2. Nguồn gốc những thông tin trở thành “sức ép dư luận lên cơ quan tố tụng”?
Hàng chục phóng viên đã ngóng cổ chờ tin ở cổng cơ quan điều tra. Thông tin đưa đến các báo có những thứ chính xác pha trộn với những thứ chưa chính xác. Và các báo đăng tải giống nhau. Chứng tỏ nó được cung cấp từ một nguồn, nhỏ giọt, có ý đồ, gần như là dọn đường dư luận cho tố tụng, cung cấp dữ liệu cho những suy đoán liên quan đến cơ cấu nhân sự. Vào ngay cái thời điểm nhạy cảm nhất.
Trong vòng xoáy cạnh tranh thông tin, nhà báo đã “sập bẫy”
Các thông tin đều không được dẫn nguồn, theo luật, tài liệu trong quá trình điều tra là tài liệu mật. Vì lẽ đó, nhà báo đưa tin và phải tự chịu trách nhiệm.
Và bấy giờ, các nhà báo bị xem là: đưa tin không chính xác, làm dư luận hiểu sai vụ PMU18, làm nhân dân giảm sút niềm tin về việc xử lý vụ án kiểu “đầu voi đuôi chuột”.
Từ quý 2 năm ngoái, hàng chục nhà báo đã bị mời thẩm vấn. Và hiện nay, người ta đang đề nghị khởi tố ba người trong số đó
3. Điều gì sẽ diễn ra, nếu các nhà báo bị khởi tố?
- Giới truyền thông sẽ cảm thấy không an toàn và sẽ rụt cổ lại, tính chiến đấu sẽ giảm. Nhiệt tình phanh phui thông tin tiêu cực, săn tin độc quyền sẽ giảm sút. Sẽ có tâm lý nói theo những thông tin”chính thống”.
- Cả người cấp tin và người đưa tin từ nay sẽ e dè, quy chế cung cấp thông tin sẽ được kiểm soát rất chặt. Nó sẽ lệ thuộc vào ý chí của ai đó, muốn cho đăng hoặc ém nhẹm thông tin.
Nếu các đồng nghiệp bị khởi tố? Khi đó, nếu lãnh đạo các tờ báo, nhất là những tờ có phóng viên bị sa vào vòng tố tụng- quyết liệt và thương lính, bấy giờ sẽ là thời điểm để có một loạt bài điều tra: “Vì sao họ bị khởi tố?”. Với khả năng điều tra và phương tiện khá tốt, trước một vấn đề dư luận quan tâm, điều đó không quá tầm với. Nếu cuộc điều tra ấy diễn ra, nó sẽ bộc lộ được nghi vấn về sự lũng đoạn truyền thông trong vụ án này, tránh trở thành một tiền lệ.
Nhưng e rằng, khi đó thì hệ quả đã xảy ra rồi, các Tổng Biên Tập sẽ nhìn nhau mà không ai ngỏ lời để có một liên minh nhằm bảo vệ lính, bảo vệ sự độc lập của truyền thông. May ra chỉ những đồng nghiệp thương nhau đến thăm mà thôi.