Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2008

Tạm biệt anh Năm!

Anh Năm tại Bản Nước Xuyên, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, trong chuyến
công tác cuối cùng ở cương vị TBT, tối 25-12-2008. Ảnh: K'lu.

Con đường núi lầy lội. Chiều mùa đông hiu hắt. Những nương lúa cuối mùa. Những cánh cò lác đác. Sương đã giăng lạnh đầy…

Chiếc xe tải trồi lên hụp xuống. Mấy anh em trèo lên thùng xe chở hàng xuyên màn mưa núi…

Đã hàng chục chuyến đi cứu trợ như thế này rồi. Đã hàng chục chuyến đến với đồng bào miền Trung. Những bản làng xa xôi. Những gương mặt lầm lũi. Những thân phận hẩm hiu. Những mảnh đời bất hạnh…

Nhưng….

Chuyến đi hôm nay thật buồn. Anh nói qua điện thoại: “Đây là chuyến đi cứu trợ cuối cùng trên cương vị Tổng biên tập!”. Tự nhiên thấy chạnh lòng.

Ba năm trước, anh tới Nước Xuyên. Từ Gió Vực vô bản bằng xe máy. Bà con tiếp đón ân cần. Tổ chức một đêm uống rượu có cồng chiêng. Ra về, bà Ri tặng cho anh một chiếc khăn quàng thổ cẩm mà hôm nay anh mang theo.

Hình như cũng không khác chi ba năm trước. Bà con nhận gạo dưới mưa. Người già, người trẻ ôm vai anh bóp bóp nói “Anh trờ lại đây dân làng mừng lắm!”. Họ tới cả làng. Cả làng quây quần trên sàn nhà uống rượu. Chén rượu đầu tiên cho anh. Bà con Hơ Rê gọi đó là “ô lạc phép”. Rượu phép dành cho người khách quí nhất làng. Uống cạn.

Rồi rượu cần, rượu sắn bày ra. Người làng lần lượt làm nghi thức “ô lạc phép” với anh. Cồng chiêng nổi lên. Bộ chiêng quí của làng mỗi năm chỉ sử dụng một hai lần trong dịp lễ lạc. Các cụ già hát hồn nhiên. Một cụ ứng khẩu bài hát lý kể lại chuyến trở về của anh… Lửa đã nổi trên sân. Trai gái già trẻ đi vòng quanh nhảy múa dưới mưa, lem luốc bùn đất.

Đây là chuyến đi cứu trợ cuối cùng của anh với cương vị Tổng biên tập. Anh em Văn phòng miền Trung cũng chia tay anh tại đây… Kỷ niệm với anh, kể hoài không hết. Đành mượn chén rượu nghĩa tình của bà con Hơ Rê để tiễn biệt anh.

Chén rượu bùi ngùi…

Sau buổi phát học bổng, anh đứng lên nói lời cuối cùng với các thầy cô trường Ba Vì, nơi mà trong những năm qua anh đã vận động giúp cho các em học sinh vùng cao xóa mù tin học. “Nhân đây tôi cũng thông báo, chỉ còn mấy ngày nữa tôi sẽ về hưu. Nhưng tôi sẽ, bằng cách này hay cách khác, trở lại với các em và thầy cô”. Mong anh cũng sẽ trở lại với anh em phóng viên văn phòng miền Trung như vậy.

Buổi chiều Gió Vực mưa bay hiu hắt.

Tạm biệt anh Năm!

Xem thêm về chân dung anh Năm

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Về rong chơi vui nhé, Sếp!


Đúng một tuần nữa sếp Nam Đồng về hưu, sau 40 năm làm báo, tính luôn thời học báo chí trong rừng. Phòng sếp trống trơn, cả giá sách hàng ngàn cuốn, cả những cục đá đủ hình dạng mà sếp lượm trong những chuyến đi khắp nước và nước ngoài.

Trưa nay vào phòng thấy sếp đang ngồi đọc cuốn nhật ký ố vàng, chép tay. “Em đọc được không?”. Hỏi rồi lật trang đầu, viết năm 1986. Đó là ngày sếp nhận nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn báo Tuổi Trẻ từ tay anh Huỳnh Sơn Phước, cái chức mà sếp từ chối cả năm ròng: “Thấy Huỳnh Sơn Phước làm việc quên ngủ quên ăn, tối nào cũng ở nhà in cho đến khuya lo từng số báo, mình thấy xấu hổ. Không lẽ cũng là bạn bè đồng đội mà mình lại chỉ biết đứng ngoài làm khán giả, nhìn Phước làm rồi vỗ tay hoan hô?”.

Trang sau: một bài báo, bốn bài học.. rồi trang sau nữa... những bài học từ công việc của nghề tòa soạn được ghi chép xúc tích. Tỉ mỉ, chi tiết, dễ hiểu như một cuốn cẩm nang. Công nghệ có thể thay đổi, nhưng những bài học ấy đọc lại vẫn nguyên giá trị.

Mười ba năm trước, ngồi nghe sếp nói trong hội nghị cộng tác viên và bụm miệng cười. Tờ báo bấy giờ chỉ là tuần báo sáu ngàn rưỡi bản, nghe ông TBT mới về nói về một tờ nhật báo chuyên ngành trong tương lai mà nghĩ ổng nói dóc. Nhưng ông TBT có vẻ quê mùa, mập đen ấy đã làm được. Giờ ổng rời vị trí, nhiệm vụ của những người ở lại là giữ gìn và phát huy sự nghiệp này. Chắc các sếp trong BBT cũng đang thấy vai mình nặng.

Sếp về hưu, mang theo luôn cả cái tin phóng lớn từ báo An Giang: Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM xin lỗi chính quyền và nhân dân huyện Phú Tân. Một bài báo viết sai do suy diễn, sếp đích thân đi xin lỗi trước, về trị phóng viên sau. Báo An Giang đăng, sếp không buồn không giận đồng nghiệp, chỉ giận mình: một chữ viết ra cũng phải có trách nhiệm. Sếp treo trong phòng cho nhớ. Anh đồng nghiệp bị kỷ luật sáu tháng sau thì xóa án, nhưng cái tin ấy sếp lộng kiếng treo trước bàn làm việc, không bao giờ xóa án cho bản thân mình.

Bảy năm trước, đi chơi khuya, bênh bạn nên bị giang hồ nó đánh hội đồng, cả ba thằng đều gục. Mình bị mấy ống tuýp sắt vào đầu. Chẳng hiểu sao không gọi mấy thằng bạn giang hồ, cũng không gọi mấy anh hình sự quen biết. Gọi sếp xong thì ngất. Gần một giờ sáng, sếp vẫn bảo con trai chở đến, đưa cả đám đi bệnh viện Gia Định may vá băng bó, lo lắng đàng hoàng. Mười ngày sau vết thương lành, sếp lôi ra cạo một trận trọc đầu trắng gáy vì tội thiếu kiềm chế. Rồi sếp gọi vào phòng: Hãy chịu trách nhiệm về việc mình làm đi! Tao tới với mày giữa đêm khuya là vì tình anh em đồng nghiệp. Còn tao trị mày là bởi vì tao không chấp nhận một thằng lính lôi thôi. Tao không thể bênh khi mày sai quấy!

Bị thu thẻ nhà báo. Nản vô cùng. Nghĩ thôi thì chia tay nghề báo. Hai ngày không vô cơ quan, sếp nhắn vào phòng: Ngồi đó đi, hút thuốc đi. Không nói tiếng nào. Chừng rất lâu sau, ông trầm ngâm: Dĩ nhiên mày có sai sót, nhưng không phải do động cơ gì sai quấy. Cái đó ráng khắc phục, có gì mà nản. Ông kéo ra quán, rót đầy hai cốc bia, chửi thề: ĐM. Mới có một cái sẹo nhỏ xíu đã sướt mướt thì làm nên trò trống gì. Uống đi, nghỉ thêm vài ngày rồi vô làm việc cho đàng hoàng.

Sếp ra Hà Nội họp tổng kết ngành Tư Pháp. Hỏi: Công việc một tuần chừng này, nếu mày làm hết tốc lực thì bao giờ xong? Nói hai ngày. Ông nói ừ vậy làm cho xong đi, mai đi chơi với tao. Sáng đó ông đi thuê một chiếc honda về bảo đi Điện Biên. Trời đất, đi về một ngàn cây số, trời trên đó lạnh 4 độ sao đi honda? Đi vậy vừa ngắm cảnh, vừa tiết kiệm. Vậy mà đi thật! Qua rừng cỏ tranh trên đèo Pha Đin, gió ù ù, rất nắng và rất rét. Có cây hoa gạo nở đỏ rực. Dừng lại hút thuốc, hai thầy trò uống hết một chai rượu nhỏ. Sáng hôm sau qua đèo Sơn La, gọi một dĩa thịt bò xào má khén (một loại tiêu rừng). Sếp mang harmonica ra thổi. Thằng bé con chủ quán tròn xoe mắt nhìn. Thổi xong ông dúi vào tay nó: Ông cho cháu. Rồi lại đi.

Biết chừng nào mới có một chuyến đi như thế?

Vô trại xã hội viết phóng sự, làm giả tù nhân dăm bữa. Sếp bảo: tao gửi thằng cộng tác viên vô với mày. Ai? Con trai tao. Thằng kiến trúc sư mới ra trường bạch diện thư sinh vậy gửi theo làm chi. Trong đó dễ ăn đòn của đại bàng và nhiễm sida lắm. Nhưng sếp gửi thì phải nhận thôi. Hóa ra mình với thằng Bình trọc chưa chắc giang hồ bằng thằng bạch diện thư sinh kia. Sau này đi đâu cũng hay rủ nó. Nó trắng trẻo nhưng đai đen, còn mình không có miếng võ lận lưng.

Thời Viagra còn là của hiếm. Sếp khoe: thằng bạn đi Mỹ về cho tao ba viên, nhưng tao không dùng. Để đó lâu lâu lấy ra nhem cho tụi kia nó thèm. Nói sếp cho em đi. Em quen ông quan chức kia, có bộ tài liệu của hiếm. Ổng yếu mà mua thứ này ba lần đều gặp của giả. Nếu cho ổng mấy viên này có khi em dụ lấy được tài liệu.

Sếp không cho. Nửa đêm mở ví sếp lấy trộm. Sau đó thì lấy được bộ tài liệu của hiếm ấy thật. Sau nữa thì tự thú là đã ăn trộm thuốc.

Tưởng thế là xong, nào ngờ ổng về cơ quan, rủ cả đám con gái văn phòng lẫn tòa soạn đi ăn, nói nhỏ: “Chú nói tụi mày nghe cái này, biết rồi giữ kín nghen. Thằng Hiển chưa vợ mà yếu sinh lý. Tội nghiệp hết sức! Nó ăn cắp của tao mấy viên Viagra! tao biết nhưng lờ đi. Tụi bây cũng đừng nói ra, nó mặc cảm, tội nghiệp!”.

Nửa tháng sau chuyến công tác, vác balô về cơ quan, thấy tụi con gái đứa nào cũng nhìn mình bằng cặp mắt thương hại. Sếp ơi là sếp!

Giờ thì sếp sắp không phải la mắng suốt ngày nữa rồi. Chiều nay Ngọc Lan trình duyệt bìa báo Xuân. Ngắm nghía một hồi, sếp ghi mấy chữ: “Ngọc Lan, em chọn bìa nào cũng được, em là Tổng Biên Tập!”. Từ lâu sếp cũng không can thiệp chi phối nhiều, chỉ uốn nắn khi thấy trật. Hiểu là sếp đang chuyển giao từ từ để mọi người quen việc. Và cũng hiểu, sếp đang chuẩn bị tâm thế để quen với cảm giác không bận rộn, không mỗi ngày ngồi trước bàn làm việc lúc sáu rưỡi sáng với một đống báo mới và chuẩn bị cho cuộc giao ban hai tiếng sau đó.

Bữa họp, sếp Chương nói: Anh Năm về hưu nhẹ nhõm vì xong nghĩa vụ. Nhưng anh em thì tiếc vì chưa học hết nghề từ anh. Và sự quyết liệt say mê, lửa nghề thì không biết chừng nào mới được như anh! Mình hiểu, đó không phải câu nói lấy lòng. Đó là nỗi lo thật sự.

Nhiều người thương sếp, nhưng chắc cũng nhiều người giận. Có điều chắc chắn là chưa ai nói sếp là người không đàng hoàng. Thói hư tật xấu gì cũng được, nhưng không ai được động chạm về nhân cách. Hồi chuyên án Năm Cam, một tờ báo đưa tin sếp có phần hùn trong một nhà hàng của Năm Cam. Sếp nói: Cất tờ báo ấy đi, chờ tòa xử xong sẽ làm cho ra nhẽ! Rồi sự việc cũng sáng tỏ, tất cả là tin đồn bậy bạ và anh phóng viên nghe hơi nồi chõ đem đăng. Sau một hồi suy nghĩ, sếp bảo: Bỏ qua, chắc họ biết sai rồi.

Một năm trước, có lần sếp nói: cái gì cũng đến lúc phải thay đổi, không có cái gì tồn tại mãi. Sự thay đổi chính là quy luật. Đừng khắc vết trên mạn thuyền để tìm lại thanh gươm đánh rơi, vì khi anh nhảy xuống tìm thì thuyền đã trôi xa chỗ gươm rơi lâu rồi.

Ừ, thuyền cứ trôi, mênh mông trời rộng sông dài. Về rong chơi vui nhé, sếp!

Bố Cu Hưng's Blog

Hãy cứu con mắt Trẻ Thơ

Ảnh: Bé Gia Bảo

Nhà thơ, nhà báo Phan Chín (Quảng Nam), người hàng chục năm qua làm thơ chỉ toàn tình yêu và khoai lúa, quê hương. Một con người lành như đất, giờ đang gặp bi kịch

Con anh, bé Gia Bảo bị ung thư mắt (ung thư nguyên bào võng mạc). Năm 2006, cháu phải múc bỏ một con mắt và điều trị tám tháng trời ở bệnh viện ung bướu TPHCM. Sau đó đã hồi phục tốt, lanh lợi, thông minh và dễ thương.

Gần đây, Gia Bảo lại tái phát. Các bác sĩ cho biết cháu sẽ phải múc bỏ con mắt còn lại. Lối thoát duy nhất là một bệnh viện ở Úc và một bệnh viên ở Mỹ có thể điều trị ung thư mà không cần múc bỏ con mắt.

Nhưng đến giờ này, vợ chồng Phan Chín đã gần như khánh kiệt sau những ngày dài chạy chữa cho con. Anh khẩn thiết:

"Tôi tha thiết kêu gọi các giáo sư, bác sĩ y khoa, các nhà hảo tâm, thiện nguyện xin hãy giúp đỡ cho vợ chồng tôi hầu có phương thuốc nào khác có thể chữa được bệnh của con tôi mà không phải cắt bỏ con mắt còn lại? Tha thiết mong mọi người hãy giúp đỡ cho vợ chồng tôi về thông tin, về tài chính và cho chúng tôi những lời khuyên chân tình nhất”.

GỬI NGƯỜI CON GÁI MÙA XUÂN

thơ Phan Chín
Những cơn gió chạy từ thu sang đông
Sáng nay có dừng trước cửa nhà em báo tin xuân đến?
Anh đã gửi theo chút xanh lộc nõn
Em có cầm lên với biêng biếc tuổi mình?

Anh ở nơi này bốn phía mùa xuân
Với trái tim phập phồng chờ đợi
Nghĩ về em và băn khoăn tự hỏi
Ai là người khác anh đến nhà em xông đất xuân này?

Ai là người khác anh làm em luống cuống bàn tay
Mắt bối rối nhìn ra bờ nắng?
Như một lần ngày xưa
Anh và em hò hẹn
Để đến bây giờ còn ấm ngọt tháng giêng

Để đến bây giờ khi xuân ghé bên hiên
Anh hiểu rõ hơn thế nào là trống vắng
Anh chợt thèm nghe tiếng bước chân rón rén
Và tiếng gọi ngập ngừng tình tự gió giêng hai

Để anh hiểu vì sao nhiều khi ngày tháng chợt rất dài
Mà tình yêu cứ cợt đùa chớp mắt
Em có nhớ không những tháng ngày xa khuất
Xuân chưa kịp cầm tay, mùa hạ đã bên thềm…
------------
Lien lạc với Phan Chín qua địa chỉ: Phan Chín, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. ĐT: 0935.418081 hoặc e-mail: phanchianh@gmail.com.

Sông Hậu

Thì cũng như sông Tiền thôi. Đầu nguồn biên giới bên An Giang hay Đồng Tháp đâu cũng bạt ngàn đồng ruộng, đất trời khoáng đạt.

Mé sông Hậu cá tôm nhiều hơn nhưng trái cây không ngon bằng mé sông Tiền.

Dân sông Hậu hào sảng giang hồ nhưng nóng nảy, dân sông Tiền hiền hơn.

Con gái hai bên đẹp bằng nhau. Cần Thơ gạo trắng nước trong gái cũng đẹp, mà con sông Tiền Giang mảnh vườn Sa Đéc gái cũng xinh. Mình yêu cả hai bên. Thực ra sông Hồng , sông Thao, sông La, sông Đuống, sông Đồng Nai gì cũng yêu. Mình yêu nước nên không câu nệ con gái sông nào.

Mé bên sông Hậu có vài ngọn núi, sông Tiền thì không. Nhưng có núi hay không có núi thì cũng chẳng còn thú rừng. Có núi thì có chùa. Dù công bằng mà nói mấy ngọn núi miền tây so với miền Trung thì chỉ là... văn nghệ quần chúng so với chuyên nghiệp.

Dân hai bên uống rượu nhiều bằng nhau. Thích cải lương và phim Hồng Kông bằng nhau. Vì thế cái đài Vĩnh Long nằm giữa hai sông trở thành Đài có doanh số quảng cáo hàng năm cao nhất miền Tây. Lấy tiền đó nuôi thời sự nên Thời sự của nó cũng ok luôn. Hễ coi phim thi phải coi quảng cáo, mà hễ mê cải lương thì mê cả thời sự, cũng tốt.

Đại khái là cứ nghĩ lan man như vậy dọc đường đi , về hai con sông này. Mình nghĩ như thế khi say say bên bờ kè Nguyễn Du ở Long Xuyên. Mình không nhớ đã về khách sạn bằng cách nào. Nhưng mình thề là cả chuyến đi vừa qua không tiếp xúc hay nói chuyện với một em gái nào. Mà vẫn cảm thấy đời thật là đẹp!

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2008

Trời đẹp còn mình thì vô duyên

Trời đẹp quá! Vô duyên nhất là phải làm thời sự, trong khi lòng chỉ muốn ngồi với một em nào đó má hồng mắt biếc tóc mây ở quán cà phê.

Sáng, vô duyên nhất là phải ăn mặc chỉnh tề vô cơ quan khi mà chỉ muốn vác con lên vai đi dạo công viên ..

Chiều, vô duyên nhất là phải trực khi bạn nói chạy ra quán rắn ngoài Mỹ Thủy, chỗ gần gần phà Cát Lái, làm sương sương.

Tối, vô duyên nhất là phải trực xuất bản khi muốn ngồi trên cái ghế thật cao ở quầy bar mà nghe saxo.

Chủ Nhật mới cực kỳ vô duyên khi mà ông Chín đi làm công trình xa mới về, mang toàn mồi ngon, nổi lửa một lò than và sai con qua nhà kêu, nhưng Bố cu Hưng thì nổ máy xe đi làm.

Bạn alo nói lên Đà Lạt đi, dã quỳ nó đang đẹp, trời thật lạnh và thật xanh còn nắng thật vàng.

Thèm cái nhà nho nhỏ, có khu vườn, sáng vác cuốc vun mấy bụi hoa rồi ngồi uống nước trà. Chiều đào dưới gốc cây một hũ rượu ngâm lâu ngày, gọi thằng bạn đến uống cho liêu xiêu....

Nghĩ đến đây thì thấy mình đích thị đã phấn đấu mấy chục năm để làm một thằng vô duyên: Cứ ở quê thì có ngay cái nhà nhỏ, khu vườn nhỏ và một bầy con với cô vợ thôn nữ chứ khó gì.

Hóa ra, bỏ ra mười mấy năm ăn học và hơn chục năm nay cày cuốc, làm như trâu ở Sài Gòn để rồi có ngày ngồi mà thèm cái mình đã từ bỏ.

Vô duyên quá!

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

Trớt quớt!



Hôm qua treo blast: "Nắng loe hoe. Trời se lạnh. Thèm trở thành người làm vườn của một ngôi nhà nho nhỏ, để trồng hoa. Với điều kiện bà chủ nhà phải đẹp và không sống chung với chồng!"

....

Hôm nay nhận được quick comment của em PhuonNga: " Bà ngoại em có 1 vườn rau rất to, bà rất đẹp lão và ông em thì mất rùi.... =)) "!

Trớt quớt!

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

Khởi tố vụ án hối lộ ở PMU Đông Tây

Hôm nay, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ ở Ban quản lý dự án Đông Tây TPHCM.

Đó là điều được dư luận chờ đợi. Tuy nhiên, từ việc khởi tố vụ án đến khởi tố bị can trong vụ án này là một quãng đường phức tạp về mặt pháp lý. Công chúng còn phải tiếp tục chờ đợi một thời gian nữa để được chứng kiến công lý được thực thi. Việc nhanh hay chậm phụ thuộc cả vào thái độ và quan điểm pháp luật

Người Nhật chỉ xử công dân của họ, với lý do- như ông Sỹ từng trả lời phỏng vấn Pháp Luật TPHCM: Vì những người này vi phạm pháp luật nước Nhật.

Chúng ta đã khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, tức là đối tượng bị điều tra là cả người đưa và người nhận. Nhật và VN chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ. Vì vậy chắc không thể triệu bốn quan chức PCI kia từ Nhật qua để điều tra.

Mấy ông Nhật đưa hối lộ cũng đã vi phạm pháp luật VN, nhưng mỗi hành vi chỉ bị xử lý bởi một bản án, vì vậy tòa VN không có quyền tuyên án bốn ông kia khi mà tòa Nhật đã tuyên.

Về thẩm quyền, Cơ quan điều tra VN có quyền ủy thác cho phía Nhật điều tra phần đưa hối lộ hay không, và kết quả điều tra của Nhật có được xem là chứng cứ tại phiên tòa ở VN hay không, vẫn còn chỗ để cãi nhau.

Việc thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, theo luật VN, phải được tiến hành theo trình tự luật định, bởi những người có thẩm quyền.

Tuy nhiên, với thái độ tích cực nhất, việc thu thập chứng cứ trong vụ này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi cơquan điều tra VN. Bằng cách sử dụng những chứng cứ do bạn cung cấp như cơ sở để đấu tranh và chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý theo luật VN.

Bất luận luật quy định thế nào thế nào, điều người dân chờ đợi là một phiên tòa với bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội.

Lòng tin, đôi khi tồn tại độc lập với mọi loại khái niệm pháp lý

Visitor Map
Create your own visitor map!

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2008

Phó chủ tịch tỉnh chỉ đạo bắn một con trâu

Chiến sĩ ta đã hạ gục con trâu ác ôn

Trưa qua 6/12, một con trâu của ông Dụng Văn Giáp ( xã Vinh Thanh - Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đang ăn cỏ trên đồng thì bất ngờ lồng lên húc vào ngực ông Trần Cầm khiến ông Cầm chết tại chỗ.



Thiệt hại về phía địa phương: hai người chết, 5 người bị thường

Hai cha con ông Giáp cung bị con trâu này quay lại tấn công, khiến ông Giáp và đứa con 14 tuổi bị thương phải vào bệnh viện huyện Phú Vang cấp cứu. Sau đó, con trâu điên này tiếp tục lồng lộn chạy vào chợ và húc loạn xạ, khiến ông Nguyễn Công Quyệt (49 tuổi) bi thuong và chết tại bệnh viện Trung ương Huế.


Giây phút chiến thắng

Con trâu này tiếp tục chạy đến khu vực xã Vinh Xuân và Vinh An, húc những người đi đường khiến 3 người nữa bị thương nặng. Trước sự hung hãn của con trâu điên, Phó Chu tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Cao đã đi về địa phương trực tiếp chỉ đạo bắn hạ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và khả năng tác xạ siêu việt, đến 14 h30 cùng ngày, lực lượng thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Vang đã phối hợp với chính quyền địa phương bắn hạ con vật này để bảo vệ tính mạng người dân.

Với ba phát súng vào sọ não, con trâu đã chính thức chết.

Mẫu máu và thịt con trâu này được đưua đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân.

P/s: Lẽ ra Chủ tịch xã chỉ đạo xã đội thực hiện vụ bắn trâu là hợp lý nhất. Nhanh, kịp thời và không có gì khó khăn. Bắn trâu điên là cần thiết nhưng để lãnh đạo tỉnh phải xuống tận địa phương trực tiếp chỉ đạo thì hoạt động của chính quyền cơ sở phải xem lại!

Ảnh trong bài của Hà Linh, PV Pháp Luật TPHCM thường trú Thừa Thiên Huế

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2008

Nổ ở khách sạn Caravelle

Xe cứu hỏa, cứu thương có mặt ngay

Cách đây khoảng 30 phút, lúc 21h45, một vụ nổ đã xảy ra tại khách sạn Caravelle khiến một phần sảnh tầng trệt hư hỏng. Nhân chứng từ hiện trường báo qua điện thoại cho biết vội vữa và bụi mù bốc lên từ hiện trường, trần tầng trệt sập.

Dàn đèn ụp xuống

Người dân xung quanh đổ xô ra khỏi nhà ngay sau nghe tiếng nổ lớn phát ra từ đây và các khu nhà cạnh đó rung lên.

Caravelle là khách sạn năm sao ở Trung tâm TPHCM, tập trung rất đông khách nước ngoài. Tối nay nơi đây có một event của một đơn vị thuê địa điểm tổ chức.

Trước đây, đã từng có nhiều âm mưu đặt bom của các tổ chức phản động người Việt lưu vong nhắm vào khu vực trung tâm TP nhưng đều bị cơ quan công an bắt gọn.

Nhân chứng cho biết chưa có dấu hiệu nào về thương vong, công an có mặt gần như ngay tức khắc sau vụ nổ. Hiện trường vụ nổ đã bị phong tỏa.


Hiện trường bị phong tỏa, toàn bộkhách được di chuyển

Toàn bộ khách lưu trú tại Caravelle đã được di tản ngay sau khi vụ nổ xảy ra. Nhiều người chạy ra khỏi hiện trường với gương mặt thất thần, hốt hoảng. Phóng viên không thể vào hiện trường để ghi hình, nhân viên an ninh cho biết điều đó nhằm phục vụ cho công tác điều tra.

Nguyên nhân: chập điện. Hehe!

Ba cái mất từ vụ PCI

Hôm qua, tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cho biết các khoản vay ưu đãi vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã bị tạm dừng lại từ sau khi xảy ra vụ PCI. Nhật chưa thể công bố viện trợ mới cho tới khi ủy ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng giữa hai nước xem xét lại việc thực hiện vốn ODA của Nhật tại Việt Nam.


Theo ông, rất khó lấy lại sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản về việc thúc đẩy ODA cho Việt Nam.


Niềm tin trong trường hợp này đã có thể định lượng, cái giá của sự mất lòng tin từ vụ PCI là nhãn tiền.


Vấn đề không chỉ ở chỗ có hay không vụ hối lộ và số tiền hối lộ là bao nhiêu mà còn ở cách thức hành xử của chúng ta trước thông tin nghiêm trọng ấy. Từ tháng 6, vụ hối lộ đã được thông tin trên báo chí nước ngoài, sau đó là một số quan chức PCI nhận tội. Thế nhưng đến ngày 19-11, chính quyền mới đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Điều đó có thể khiến dư luận nghi ngờ về sự kiên quyết, mạnh tay với tham nhũng.


Lẽ ra việc tạm đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ phải được thực hiện sớm hơn. Bởi để một nhân vật tai tiếng - dù tai tiếng ấy chưa được kết luận - tiếp tục nắm giữ trọng trách một dự án sử dụng vốn ODA có thể khiến niềm tin bị sứt mẻ. Việc này dẫn đến ba cái mất.


Cái mất thứ nhất, hữu hình và đong đếm được, là việc Nhật Bản quyết định tạm dừng các khoản vay ưu đãi vốn ODA cho Việt nam


Cái mất thứ hai là vụ PCI đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước như lời Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến.


cái mất thứ ba. Ông Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ rằng ông đọc được thông tin về vụ PCI trên báo chí nước ngoài trong khi báo chí trong nước im lặng. Ông nói: “Tôi cho rằng với thông tin đó cần phải chất vấn để làm rõ quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý, tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ truyền đi thông điệp với nhân dân và đối tác nước ngoài về quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam”. Như vậy, việc chậm đưa thông tin quan điểm xử lý của Chính phủ đã làm lỡ mất một dịp truyền đi thông điệp này.

NGUYỄN ĐỨC HIỂN

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Thế giới này văn minh vì có em

Anh phát hiện điều đó sau một thời gian dài chiêm nghiệm và sám hối.

Trước, anh cảm thấy khó chịu, bực mình khi em trễ hẹn. Khi anh gọi điện nhắc, em cáu kỉnh nói rằng anh không có quyền kiểm soát thời gian của em. Anh chẳng biết làm gì trong hàng tiếng đồng hồ đợi em make up, chọn váy hay thay áo. Anh nhẫn nại như một gã xe ôm chờ em vào siêu thị, em dạo nửa buổi chỉ để mua một bịch bim bim, thời gian còn lại là window shopping và ghi nhớ những mẫu áo váy đợi ngày thỏa cơn nghiện mua sắm. Anh ngồi một mình đợi em khi em bận làm bà tám với những cô bạn của em...

Anh nghĩ rằng việc trễ hẹn để người khác phải đợi là hành vi kém văn minh. Và em là tấm gương điển hình của sự kém văn minh ấy.

Giờ thì anh đang ân hận và sám hối về những suy nghĩ sai trái của mình.

Trong khi chờ em trước cửa hàng thời trang, anh đã mua một tờ Sài Gòn Tiếp Thị đọc giết thời gian. Lập tức ba gã khác đậu xe cạnh anh cũng í ới gọi bà bán báo. Sau khi anh đọc hết tờ SGTT, em vẫn chưa ra, và anh trao đổi tờ báo của mình lấy tờ Công An Thành Phố của gã bên cạnh. Nhờ vậy anh biết thằng Tư đầu xóm vừa ra tù đã đi ăn trộm và bị công an bắt.

Hôm khác chờ em trong khi em đi sinh nhật bạn, anh đọc thuộc tờ Tuổi Trẻ với cả 56 trang quảng cáo và biết khu phố mình có hai căn nhà, bốn miếng đất rao bán. Buổi chiều có người hỏi mua đất, anh chỉ cho họ và người bán chia cho anh hai triệu tiền cò.

Hôm mình đi nghỉ ở resort, em thỏ thẻ rằng em muốn đi spa, chỉ nửa tiếng. Anh đợi em suốt một buổi sáng. Lần đầu tiên anh xem hết một cuộc đua xe hơi và một trận bóng đá. Anh phát hiện ra rằng Ronaldo và Ronaldinho là hai đứa khác nhau.

Bạn bè anh nhận xét anh bây giờ đã là một con người hoàn toàn khác. Am hiểu thông tin kinh tế, thể thao, rành chuyện phố phường lẫn thời sự quốc tế. Bạn bè em khen anh năng động và ho một cái cũng ra tiền.

Chờ đợi em là thời gian tuyệt vời để đọc sách báo và dung nạp kiến thức. Anh mang trong cốp xe những bộ sách kinh tế chính trị dày cộp. Chỉ một lần em đi chợ, anh đã biết tại sao Mỹ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật. Khi em ở phòng khám răng, cũng là lúc anh tự khai phá cái đầu u tối của mình vì sao người ta gọi chiến thắng của Obama là câu chuyện cổ tích về sự thay đổi, về sự vượt qua tính hữu hạn của truyền thống. Và khi em trở ra từ hiệu cắt tóc, anh hiểu vì sao một cái hắt xì của bà Rice cũng làm thay màu các bảng điện tử phố Wall...

Anh không còn là một gã nhà quê dốt nát về thời trang, anh đã có thể khen em mặc cái váy này, mang cái túi này thì quyến rũ còn hơn Angelina Jolie, dù tự thân biết mình khó sánh ngang Brad.

Người ta nói sự đợi chờ là một trong những thước đo tình yêu. Anh thì nghĩ hơn thế: Sự chờ đợi là một cơ hội để mở mang tri thức và hoàn thiện bản thân mình. Anh thấy tội nghiệp những gã đàn ông suốt ngày ca cẩm vì phải chờ đợi khi người phụ nữ của mình trễ hẹn. Chính họ chứ không ai khác đã bỏ qua những cơ hội bằng vàng để giỏi lên, giàu lên, lịch lãm và văn minh hơn. Chỉ vì họ không biết sử dụng thời gian chờ đợi ấy để khai thác kho báu văn minh nhân loại qua sách vở. Ca cẩm và khó chịu khi chờ đợi phụ nữ, đó không chỉ là hành vi lãng phí, là sự ngu muội, mà còn là sự vô ơn.

Chờ em sáng nay, anh đọc được một câu ngạn ngữ: Sự văn minh của một dân tộc được thể hiện qua lượng giấy mà dân tộc ấy sử dụng. Phải rồi, nếu không có những người phụ nữ triền miên trễ hẹn như em thì lấy đâu ra những đứa như anh ngồi chờ và mua báo đọc giết thời gian.

Không chỉ làm cho thiên hạ văn minh lên, em và những người phụ nữ như em còn là cứu tinh của nền báo chí và xuất bản.

Chân lý vĩ đại và đơn giản ấy, giờ anh mới nghiệm ra.

Phản hồi trên Ngoisao.net

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

Vài nhận định về báo chí Việt Nam

Ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trả lời Báo Tuổi trẻ số ra hôm qua 1-12-2008.

Đến nay, cả nước có 702 cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đại bộ phận báo, đài hiện nay đều được Nhà nước bao cấp, số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi chỉ khoảng mười đơn vị và cũng chỉ vài chục ấn phẩm báo chí, một vài đài phát thanh - truyền hình có độc giả, thính giả, khán giả thường xuyên. Đây là hậu quả của chính sách bao cấp, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền của.

Điều đáng lưu ý là cơ quan quản lý báo chí nhiều khi phản ứng chậm trước những vụ việc nhạy cảm, để báo chí nước ngoài chủ động đưa tin, hướng dẫn dư luận trong nước. Đơn cử mới đây là vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của Nhật hối lộ quan chức VN, trong khi báo chí nước ngoài đưa tin Tòa án quận Tokyo đã đưa vụ việc ra xét xử, có kết quả rõ ràng nhưng cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn gì cho báo chí trong nước đưa tin.

Bên cạnh đó, có một số sự kiện chậm được định hướng, để báo chí đưa tin rồi mới “thổi còi”, đột ngột dừng thông tin mà không có lời giải thích, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Hơn nữa, đến nay mới chỉ có cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm Luật báo chí bị xử phạt, còn tổ chức, cá nhân khác vi phạm luật này chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng mức.

Khoảng tháng 6-2008, khi có thông tin từ phía Nhật, một số báo trong nước đã đưa tin về vấn đề này, thậm chí còn nêu tên quan chức VN có liên quan đến việc nhận hối lộ của PCI. Sau đó bẵng đi một thời gian không thấy báo trong nước đưa tin nữa. Trước phiên chất vấn, tôi có đọc được thông tin mới về vụ này trên báo nước ngoài. Tôi cho rằng với thông tin đó cần phải chất vấn để làm rõ quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý, tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ truyền đi thông điệp với nhân dân và đối tác nước ngoài về quyết tâm chống tham nhũng của VN.

Không chỉ ở nước ta mà cả các nước trên thế giới đã có nhiều vụ việc tham nhũng lớn do dư luận quần chúng và báo chí phanh phui, giúp cơ quan chức năng xử lý… Tôi nghĩ rằng báo chí không những cung cấp thông tin về tham nhũng mà còn tạo sức ép về dư luận để chúng ta xử lý nhanh chóng hơn, chính xác hơn.

Điều 7 Luật báo chí hiện hành quy định rõ quyền được cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí nhưng quy định này của luật chưa được một số cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực chống tiêu cực, có lúc, có nơi không những tổ chức, cá nhân không sẵn sàng hợp tác với nhà báo theo luật định mà còn đe dọa, hành hung nhà báo, thu giữ phương tiện tác nghiệp của nhà báo. Do không được cung cấp tin từ nguồn tin chính thức, các phóng viên nhiều khi phải khai thác từ nhiều nguồn tin khác, khiến thông tin không đầy đủ và dễ sai sót.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành giữa năm 2007. Tuy nhiên, một số cơ quan chưa cử người phát ngôn hoặc có cử nhưng trong nhiều trường hợp người phát ngôn không kịp thời cập nhật thông tin hoặc không nắm rõ thông tin để cung cấp một cách cụ thể, chuẩn xác.

Một khó khăn nữa đối với các nhà báo khi tiếp cận thông tin là tình trạng đóng dấu “mật” tràn lan trên tài liệu của các cơ quan để tránh bị báo chí khai thác, khiến phóng viên tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

Nhà báo điều tra bọn lái súng

Các phóng viên Báo Pháp Luật TPHCM vừa điều tra và giúp lực lượng công an phá một băng buôn bán vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ.

Trong vai người nhà của một chủ trang trại tại Bình Phước cần mua súng hơi để tự vệ và săn thú , hai phóng viên Tâm Phúc và Trần Ngọc đã liên hệ với một thanh niên tên Tuấn, nhà ở đường Cao Thắng, Quận 10

Sau khi làm cho Tuấn tin tưởng, PV được Tuấn đưa về nhà và giới thiệu rành rọt công dụng của súng hơi, dùi cui, roi điện, còng tay...

Tuấn lôi ra hai khẩu súng ngắn cùng mớ đạn chì, đạn thép. Cầm khẩu súng nặng trịch, lạnh tanh, hướng dẫn cách lắp đạn, lên cò.


Tuấn tiếp tục dụ bán còng số tám có khắc chìm dòng chữ “Bộ Công an”. Viện lý do không phải là người quyết định, PV hẹn Tuấn sẽ đưa “ông chủ” tới mua.

Toàn bộ thông tin được PV báo cáo ngay ban biên tập. Đại diện Báo Pháp Luật TP.HCM đã đến cơ quan công an bàn bạc việc tổ chức phối hợp triệt phá ổ mua bán vũ khí này.

Một trinh sát PC14 trong vai “ông chủ trang trại” cùng phóng viên đến nhà Tuấn, được y đưa lên lầu và lôi ra trong tủ hai khẩu súng ngắn bắn đạn chì bằng khí nén CO2 hiệu Walther CP88 và CP89 (Đức). Tiếp đến, Tuấn chìa ra còng số tám có đóng mác của Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an (E16)... Giả vờ săm soi món hàng, trinh sát dùng ám hiệu cho đồng đội bên ngoài ập vào.


Quá bất ngờ, Tuấn không kịp trở tay và tái xanh cả mặt. Các trinh sát kiểm tra và phát hiện thêm chín tuýp CO2 cùng gần một ngàn viên đạn chì giấu trong tủ quần áo. Mẹ Tuấn vừa khóc vừa nói: “Bây giờ tôi mới hiểu tại sao nó cứ nằng nặc giữ chìa khóa ngăn tủ thờ để cất đồ dùng, không cho ai mở. Tôi nghe nó nói bán roi điện chứ không ngờ bán súng!".

Trinh sát tiếp tục lật chiếc giường ngủ của Tuấn và phát hiện dưới sàn cất vũ khí quân dụng gồm đạn AK, 10 viên đạn K59, và hai quả lựu đạn

Tuấn chỉ là một mắt xích trong đường dây. Theo yêu cầu của trinh sát, Tuấn bấm máy gọi Nguyễn Anh Đức và báo: “Có người cần mua hàng”. Đức hẹn đến nhà để trao đổi và y cũng bị tóm trước chứng cứ rành rành.Khi công an đang lấy lời khai của Tuấn thì bất ngờ, Bùi Trà Sơn mang hai roi điện, ba bình xịt hơi cay tới nhà Tuấn để nhờ bán. và bị bắt luôn.

Hiện cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra “đường dây xuyên Việt” chuyên cung cấp, mua bán công cụ hỗ trợ và vũ khí quân dụng.

Hiện hai phóng viên Tâm Phúc và Trần Ngọc đang chuẩn bị dẫn Bố cu Hưng và mọi người đi nhậu do vừa được đề xuất thưởng đậm sáng nay. Sắp tới còn được Công an TP thưởng tiếp nữa. Hehe!

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2008

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ VTV và Tổng đạo diễn Tùng Chi trả lời

Được biết, ngay sau khi có thông tin về bài viết trên blog của ông Nguyễn Anh Tuấn (Trường THPT Chuyên Bắc Giang) về chuyện “gian lận” trong buổi ghi hình cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tối 2/11/2008, ông đã làm việc nhiều lần với những người thực hiện buổi ghi hình ?

- Từ tối 19/11, sau khi biết chuyện (từ cộng đồng mạng, vì cho đến ngày đó tôi công tác ở ngoài Hà Nội nên chưa được báo cáo từ đơn vị), tôi đã tìm đọc bài viết của ông Nguyễn Anh Tuấn và khối lượng khá lớn các thông tin, ý kiến xung quanh bài viết đó trên Interrnet. Tôi nhận thấy đây là việc phải làm rõ ngay. Sau khi có hình dung khá rõ về dư luận, trong hai ngày qua, chúng tôi đã làm việc với các cán bộ làm chương trình, kể cả người phụ trách, người làm nội dung và người chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật của buổi ghi hình.Chúng tôi đã rà soát từng chi tiết các sự cố gây nghi ngờ trong buổi ghi hình đó để xác định nguyên nhân.

Cho đến giờ, các nguyên nhân được làm rõ là gì?

Các nghi vấn liên quan đến hai trường hợp trả lời câu hỏi của các thí sinh:

- Câu hỏi thứ nhất là trong phần Khởi động. Ở phần này trả lời đúng mỗi câu hỏi sẽ được 10 điểm. Riêng thí sinh Nguyễn Hoàng Hải có một câu hỏi không trả lời được, nhưng đã được cho cơ hội trả lời lại với một câu hỏi khác. Lý do là câu hỏi đầu đã trùng với câu hỏi được dùng rồi trong buổi ghi hình trước.Câu hỏi thay thế này thí sinh trả lời được, và do đó được 40/60 điểm. Nếu không được thay câu hỏi, điểm của thí sinh có thể chỉ là 30/60 điểm.

Về nguyên tắc, các câu hỏi dùng cho “Đường lên đỉnh Olympia” không được lặp lại để bảo đảm khách quan khi đánh giá kiến thức của thí sinh. Do vậy câu hỏi được dùng rồi – nhất là mới được dùng không lâu- không được có mặt trong các cuộc thi sau đó. Nguyên tắc này áp dụng không chỉ trong “Đường lên đỉnh Olympia”, mà còn trong nhiều trò chơi khác. Ví dụ trong “Ai là triệu phú", có một phần mềm tự động loại các câu hỏi dùng rồi ra khỏi ngân hàng các câu hỏi. Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” không có phần mềm hỗ trợ tương tự và phải lọc thủ công. Nhóm biên tập đã bỏ sót câu hỏi dùng rồi trong danh mục 86 câu hỏi sử dụng cho cuộc thi tối 2/11, và câu hỏi đó tình cờ rơi vào em Hoàng Hải. Đạo diễn đã quyết định thay câu hỏi bằng một câu hỏi khác có độ khó tương đương .

Đây là sai sót của nhóm làm chương trình. Sai sót đó là không chủ ý , nhưng khách quan mà nói, đã làm sai lệch 10 điểm có lợi cho thí sinh Hoàng Hải. Đây chỉ là vòng khởi động, 10 điểm trong cuộc thi hôm đó không có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của Hoàng Hải, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không gây ra ảnh hưởng nào đó đến kết quả thi. Vì ở đây còn có vấn đề tâm lý của thí sinh khác có thể bị ảnh hưởng.

- Câu hỏi thứ hai thuộc phần thi Vượt chướng ngại vật. Tại câu hỏi này sự cố đã nảy sinh khi trong lần bấm thứ nhất của các thí sinh, đạo diễn đã không xác định được ai là người có quyền trả lời đầu tiên. Sau đó buộc phải để các em bấm lại sau hiệu lệnh đếm ngược, nhưng cũng phải đến lần bấm thứ tư mới kết thúc . Đây là mối nghi ngờ lớn nhất của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, vì thầy cho rằng theo nguyên tắc, người bấm trước sẽ hiện tên lên màn hình, và không ai bấm sau được nối tín hiệu nữa, như vậy không thể có vấn đề phải bấm lại như vậy. Thầy Tuấn cho rằng có sự cố ý để Hoàng Hải được trả lời trước.

Về điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có sự nhầm lẫn: Đúng là hai năm trước đây, các thí sinh bấm nút thì chỉ có tín hiệu của người bấm đầu tiên được hiển thị, và đó là người được trả lời. Nhưng hiện nay luật chơi đã thay đổi được hai năm: Tín hiệu bấm của cả 4 thí sinh đều được truyền về máy chủ và hiển thị thành tên người bấm lên màn hình, đồng thời được ghi vào băng. Ai bấm trước thì tên người đó hiển thị trước, người bấm sau tên hiển thị thay thế tên trước. Trên màn hình sẽ dừng lại ở tên người bấm cuối cùng. Thay đổi này thực ra là để xác định trong một lần bấm thứ tự nhanh chậm của cả 4 thí sinh. Sau đó nếu người trả lời trước không đưa ra được câu trả lời đúng thì người kế tiếp được quyền trả lời.

Gặp câu hỏi nhiều thí sinh trả lời nhanh được, các tín hiệu bấm chồng lên nhau rất nhanh, bằng mắt thường khó xác định nổi. Do đó, đạo diễn thường phải dùng cách chạy ngược băng chậm từng khuôn hình để xác định tên nào hiện trước.

Sự cố đã xảy ra khi một thành viên của êkip làm chương trình do lỗi thao tác đã báo rằng chưa kịp ghi tín hiệu đồ họa vào băng, và nếu thế sẽ rất khó xác định ai bấm trước khi cả 4 thí sinh hầu như cùng một lúc bấm tín hiệu. Do đó đã buộc phải cho bấm lại theo hiệu lệnh của MC. Ở đây cũng có lỗi của MC khi tự ý nói “treo máy” (MC ở dưới studio và chưa kịp biết tường tận các chi tiết trên buồng đạo diễn).

Nếu có những nghi ngờ, tất cả những việc này có thể kiểm tra qua thực tế tham quan vận hành trên trường quay và xem băng gốc ghi hình cuộc chơi.

Nói tóm lại, các sự cố xảy ra xuất phát từ một số nguyên nhân mang tính kỹ thuật và sơ suất khâu chuẩn bị. Không có sự gian dối như ông Nguyễn Anh Tuấn viết.

Nhưng chúng tôi được biết, trong khi làm việc với nhóm làm chương trình, ông đã có những phê phán khá gay gắt ?

Có điều đó, nhưng không phải là về vấn đề liên quan đến thiên vị hay thiếu công bằng trong công việc của họ. Tôi biết những người chủ chốt của chương trình này không chỉ một năm. Họ là những người trung thực, nhiệt tâm, lăn lộn với công việc. Việc rà soát các sự cố cho thấy các nguyên do ở dạng khác. Chúng tôi đã thẳng thắn với nhau về những điểm sau:

- Tổ chức cuộc thi, phải tiến hành sao cho không có sự cố, hoặc nếu có thì ở mức hiếm hoi. Trong một chương trình mà có đến mấy thời điểm gặp sự cố thì đương nhiên công việc có lỗi, dẫu cho không phải là chuyện về đạo đức nghề nghiệp, mà là kỹ thuật tác nghiệp thì cũng có hậu quả không tốt.

- Cụ thể ra, thiết kế về kỹ thuật có vấn đề. Nó phục vụ đạo diễn, rõ ràng với đạo diễn, nhưng chưa có cách hiển thị kết quả rõ ràng, đơn giản, dễ theo dõi cho người tham gia chơi và người cổ vũ. Cần thiết kế lại để người ở Studio thấy rõ ràng kết quả như là người làm chương trình. Việc này cần có thời gian, nhưng phải tích cực làm.

- Khi có sự cố, cách xử lý, cách nói năng, giải thích chưa tốt, có những lúc giải thích chưa chính xác. Lẽ ra phải làm người chơi hiểu rõ, không căng thẳng, không ức chế. Nếu có sự cố kỹ thuật gây căng thẳng tâm lý cho người chơi thì cần bình đẳng thảo luận với thí sinh, với các thầy để thống nhất cách “làm lại từ đầu” thỏa đáng nhất. Như vậy mới là phẩm cấp chuyên nghiệp của người tổ chức trò chơi.

Nói tóm lại, điều mà tôi và các đồng nghiệp của tôi sau khi nghiêm túc tự kiểm điểm việc thực hiện cuộc thi tối 2/11, đã nhất trí là: Chúng ta không gian lận, hoàn toàn không một chút thiên vị ai, nhưng chúng ta đã để xảy ra sự cố, do cả lỗi đạo diễn, lỗi biên tập, lỗi của MC. Gian dối, thiên vị thì tất nhiên là làm sai lệch kết quả. Nhưng kể cả không có lỗi loại đó, mà lỗi có tính chất tác nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi. Cần kiên quyết nhìn nhận điều này, cần kiểm tra lại toàn bộ băng hình, họp với các cố vấn, hỏi ý kiến các trường, các em học sinh. Nếu do các sự cố đã xảy ra mà người thắng, người thua đều chưa thấy thoải mái, thì mục tiêu buổi chơi chưa đạt được. Trong trường hợp đó hãy kiên quyết hành động trên tinh thần cầu thị, kể cả tổ chức chơi lại buổi đó. Điều này không có nghĩa là tố cáo của ông Nguyễn Anh Tuấn về chuyện có “gian dối” là đúng, mà chỉ có nghĩa chúng ta sẵn sàng làm lại việc chúng ta đã làm chưa chu đáo vì mắc lỗi nghiệp vụ .

- Về các phê phán rất gay gắt của ông Nguyễn Anh Tuấn trên blog, ông có ý kiến gì?

Ở đây có hai vấn đề rất khác nhau.

Thứ nhất, như tôi nói, rõ ràng đã có sự cố. Mà có sự cố thì người ta có thể nghi ngờ. Các trường có học sinh dự cuộc thi, bản thân các em học sinh dự cuộc chơi, hay bất cứ ai khác đều có quyền chất vấn, đòi giải thích. Cao hơn nữa có thể khiếu nại, có thể nêu ý kiến của mình, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên các kênh thông tin khác. Sẽ là tốt hơn nếu ông Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp gặp người của chương trình tại Đài, gặp lãnh đạo đơn vị hoặc lãnh đạo Đài để làm rõ vấn đề. Chắc chắn chúng tôi sẽ rất chú ý lắng nghe ông hoặc bất cứ ai khác. Nhưng ông Tuấn không làm vậy mà đưa ra ý kiến trên blog cũng là quyền của ông Tuấn. Kể cả bây giờ, các bộ phận liên quan ở Đài sẵn sàng và muốn được trực tiếp làm việc với đại diện nhà trường, với ông Tuấn để cùng xem xét trên thực tế, thảo luận để làm rõ mọi nghi ngờ về chuyện có gian lận, cố ý thiên vị.

Thứ hai, các sự cố ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ra là có, nhưng trong các nhận định, kết luận, bình luận của ông Nguyễn Anh Tuấn trên blog (ông Tuấn đã xóa, nhưng ở môi trường Interrnet, bỏ điều mình viết đi không phải dễ như tờ giấy viết ra rồi vò xé vất đi là xong) có những cái không thể bỏ qua, mà cần có sự đối thoại nghiêm túc. Nó liên quan không chỉ đến danh dự của các cá nhân, mà danh dự của tập thể, của tổ chức, nó liên quan đến niềm tin của nhiều triệu học sinh về một sân chơi gần gũi với họ gần chục năm qua. Nó liên quan đến việc cộng đồng mạng- một sức mạnh dư luận ghê gớm- đã nhận được những thông tin và kết luận đúng hay không đúng từ ông đối với những người làm việc ở VTV. Chất vấn, yêu cầu phải xem xét các sự việc xảy ra là một chuyện, còn quy kết, lăng mạ lại là chuyện khác. Là một giáo viên, tôi nghĩ ông Nguyễn Anh Tuấn nên cùng chúng tôi xem xét nghiêm túc, thẳng thắn vấn đề này.

Nhưng trước hết, chúng tôi muốn ông Tuấn trực tiếp tham quan tại chỗ các quy trình kỹ thuật để kiểm định những thắc mắc, nghi ngờ cụ thể về các sự cố trong buổi ghi hình 2/11 ông đã nêu. Tức là theo khía cạnh thứ nhất nêu ở trên.

Xin cảm ơn ông!
Trích từ bài ông Nguyễn Anh Tuấn viết trên blog của ông Nguyễn Anh Tuấn(Trường THPT Chuyên Bắc Giang ):


Chương trình này quay để phát trong dịp Tết Nguyên Đán - Kỷ Sửu 2009, cho nên có sự giả dối ở đây là các cây hoa Đào và hoa Mai giả xếp quanh trường quay, thí sinh Hoàng Hải giả vờ là đang dịp… sinh nhật và nhiều điều giả dối còn… khốn nạn hơn thế!

Vòng khởi động, Chí Thiện và Hoàng Hiệp thi tốt đẹp, mỗi em được 40/60 điểm. Đến lượt “người Hà Nội” (NHN) thi thì đến câu thứ 4 em này không trả lời được, người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (VK) phán “Câu này đã phát rồi nên phải hỏi lại với câu hỏi khác…” - Một câu nói thật hết sức vô lý? Sau đó NHN cũng được 40/60 điểm…

Đến vòng thi ô chữ vượt chướng ngại vật thì sự khốn nạn đã lộ rõ…

VK nói “Các em bấm quá nhiều nên bị treo máy…” (?) Một câu nói rất vô lý, với một chương trình trí tuệ này không thể xảy ra điều đó, mà lại xảy ra ở trường quay của cái gọi là Đài THVN? Người ngu nhất cũng hiểu rằng nếu có một thí sinh đã bấm thì các thí sinh còn lại bấm cũng bằng… không .Phải chăng đây là sự cố ý của nhà Đài để làm những chuyện khuất tất?

Và cứ như vậy 3 lần anh chàng VK này nói như thế khi thấy trên màn hình là tên Hoàng Hiệp và Chí Thiện dừng lại? Anh ta còn dọa Hoàng Hiệp "Em có muốn thi hay dừng chơi, tôi nói là 5 giây bắt đầu mới được quyền bấm chứ…", một thái độ không thể chấp nhận được. Anh ta là cái quái gì mà cấm thí sinh dừng chơi?

Lần thứ 4 máy dừng lại ở chữ… Chí Thiện nhưng VK bảo Hoàng Hải đã bấm chuông (?). Chí Thiện thắc Mắc “Sao màn hình báo tên em mà anh lại bảo là Hoàng Hải”. VK trả lời không biết ngượng rằng “Tên em hiện lên là do em bấm… cuối cùng” (?) Người ngu nhất cũng hiểu rằng vậy là VK nói điêu, vì ban nãy anh ta bảo bấm nhiều treo máy và dọa thí sinh - điều không thể chấp nhận với một người dẫn chương trình, bây giờ bấm nhiều thì không treo máy (?) mà là… hiện tên người bấm cuối cùng. Vậy cứ cho là đúng đi thì làm quái gì mà biết được em nào bấm đầu tiên? Khốn nạn, khốn nạn hết chỗ nói! Hoàng Hải lại là người được xác định đã bấm trước:

Điều này thực sự đã gây hiểu lầm rất lớn về phía thí sinh Thiện và thầy Tuấn. Thực tế, hệ thống dựa trên nguyên tắc cả bốn đường tín hiệu người bấm nhanh hay chậm đều truyền đến phòng đạo diễn. Người chơi nào có tín hiệu trả lời trước, máy chủ sẽ nhận được và đồng thời sẽ hiển thị tên của người chơi đó trên đồ họa (tên người). Trong trường hợp hơn một người có tín hiệu trả lời Chướng Ngại Vật thì người nào trả lời đầu tiên sẽ hiện trước, người trả lời sau hiện sau và trên đồ họa sẽ dừng lại ở tên người gửi tín hiệu cuối cùng. Trong cuộc chơi 2/11/2008 Chí Thiện là người gửi tín hiệu cuối nên tên hiệu cuối cùng là của Chí Thiện.

Khi đó, thắc mắc của Chí Thiện đã được MC giải thích và cuộc thi tiếp tục cho đến khi hết chương trình và không có gì đáng tiếc khác xảy ra. Hiện, băng ghi hình gốc vẫn ghi nhận toàn bộ thứ tự tên xuất hiện.

Trong một cuộc tranh tài trí tuệ và căng thẳng như Đường lên đỉnh Olympia, từ trước đến nay, đã từng có rất nhiều lần tranh cãi, thậm chí là khiếu kiện liên quan đến Đường lên đỉnh Olympia. Tuy nhiên tất cả đều được tiến hành một cách công khai, bằng văn bản do người có thẩm quyền của trường có học sinh tham dự gửi đến và chúng tôi luôn trả lời trước công luận về các sự việc được nêu. Cuộc thi này khá phức tạp về chuẩn bị nội dung và về thao tác, phân định, nên nhóm làm chương trình không tránh khỏi các sơ suất. Chúng tôi thành thật xin lỗi người chơi cũng như tất cả mọi người vì những sai sót kỹ thuật hoặc sai sót về nội dung biên tập.

Đây là lần đầu tiên, trong và sau buổi ghi hình chương trình, ban cố vấn và những người thực hiện chương trình không nhận được bất kì phản ánh nào của các thí sinh, khán giả, các thầy cô giáo đại diện các trường mà một cá nhân dùng blog của mình để lăng mạ và vu cáo chương trình thiên vị, ăn “đôla” và xử ép thí sinh. Thậm chí, chỉ từ một sự việc bức xúc, thầy giáo Tuấn đã đưa ra những kết luận rất cực đoan về Đài Truyền hình Việt Nam. Tốc độ phát tán của bài viết này rất nhanh và tạo nên một luồng dư luận không tốt, thậm chí đã có nhiều diễn đàn kêu gọi tẩy chay chương trình, giới học sinh, giáo viên và khán giả rất hoang mang.

Ngay khi biết có bài viết này, nhóm biên tập đã liên lạc với hiệu trưởng trường chuyên Bắc Giang, thông báo việc thầy giáo Tuấn viết trên blog với lời văn lăng mạ chương trình, không đúng với thái độ cần có của một người dạy học. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường nếu như có bất cứ sự khiếu kiện nào, xin thông báo bằng văn bản để cùng bàn bạc. Thầy hiệu trưởng trả lời rằng không biết việc làm của thầy Tuấn nhưng xin lỗi chương trình và sẽ yêu cầu thầy Tuấn chính thức xin lỗi chương trình cũng như xóa bài trên blog.

Bất cứ ai đã đọc bài viết cũng như các câu viết thêm ở dạng văn vần sau bài viết của thầy Tuấn đều thấy từ những sự cố cụ thể trong một cuộc chơi tại trường quay S9, thầy Tuấn đã mở rộng các lời - thực chất là chửi rủa- ra một biên độ rất rộng. Xin đưa ví dụ cụ thể những câu đã được thầy Nguyễn Anh Tuấn viết ra:

Chúng tưởng là chúng rất to

Chương trình vô học cũng cho lên Đài

Người dân chỉ biết thở dài

Vì chúng là lũ nhà Đài ngu lâu.

Chúng làm vì có..”tiền đâu”

Chúng làm vì lý do đầu: Đô-la

Người dân xin hãy nghe nha

Chúng làm cũng chỉ, chẳng qua vì TIỀN !

................

Cuộc sống có lắm đảo điên

Quốc Hội mới họp triền miên thế này.

Mặc dù rất thất vọng và bị xúc phạm nặng nề từ thầy Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi vẫn mong muốn có cuộc gặp với thầy Tuấn và các thầy cô, các em học sinh của Trường chuyên Bắc Giang tại Đài để trên thực tế tại nơi làm chương trình rà soát lại các chi tiết, trình bày lại các tình huống có thể diễn ra về kỹ thuật, xác định nguyên nhân của các sự cố đã có, nhằm có kết luận đúng bản chất. Làm việc này là để có sự rõ ràng với các em học sinh cũng như khán giả của chương trình Đường lên đỉnh Olympia

Ban Thể thao, giải trí và thông tin kinh tế đã gửi công văn tới trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

T/M Nhóm làm chương trình
Tổng đạo diễn Nguyễn Tùng Chi.
Các kỹ sư : Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Tuấn Anh
Nguồn: vtv.vn

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

VTV nên lên tiếng

Ảnh minh họa, nguồn: vtn.vn

Ghi thêm: Hai ngày sau khi post entry này, VTV đã lên tiếng

Tôi còn nhớ năm 2000, ngay sau khi Trần Ngọc Minh (chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) giành vòng nguyệt quế đầu tiên, tôi và một đồng nghiệp về Vĩnh Long viết bài về em. Cả thị xã này nô nức như thể đội tuyển VN vừa vô địch would cup. Mấy năm sau, anh trai tôi có cậu học trò đoạt giải nhất vòng thi quý. Anh ấy gọi điện từ quê vào, cũng hét lên sướng như thế.

“Đường lên đỉnh Olympia” là một trong những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất VN về lượng khán giả và cả về uy tín, chất lượng. Có thể nói không một người xem truyền hình nào chưa từng xem nó. Đến mức thí sinh đi thi nghiễm nhiên được dư luận địa phương coi là niềm tự hào của tỉnh nhà. Đến mức các báo lớn đều cử phóng viên theo dõi trận chung kết và cử phóng viên về tận trường, tận nhà thí sinh thắng cuộc để phỏng vấn, viết bài. Đến mức mà người đội vòng nguyệt quế vinh quang như ngày xưa đỗ trạng nguyên còn người dẫn chương trình nghiễm nhiên là người của công chúng.

Thương hiệu và uy tín của cuộc chơi tri thức này đã gắn chặt với thương hiệu và uy tín của VTV.

Vì thế, cư dân mạng đã bất bình sau khi đọc bài viết "Sự thật về chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được cho là Copy từ blog thầy Tuấn - thầy giáo dạy toán trường PTTH Chuyên Bắc Giang. Trong bài, tác giả cho biết người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (cũng nguyên là thầy giáo dạy toán), đã công khai thiên vị. Theo đó Việt Khuê đã chèn ép thí sinh các đội Bình Thuận, Phú Yên, Bắc Giang để nâng đỡ cho thí sinh Hà Nội. Nhiều lần những thí sinh trên bấm nút trước nhưng không được trả lời với lý do là nhiều người cùng bấm thì máy treo. Khi Chí Thiện (Bình Thuận) bấm nút và hiện tên trên màn hình thì anh MC này trả lời "vì em bấm cuối cùng". Lý do trước mâu thuẫn với lý do sau và xâu chuỗi cho thấy sự thiện vị khó có thể chấp nhận.

Chưa một tờ báo nào lên tiếng, nhưng vào google và sử dụng chức năng tìm kiếm sẽ thấy hàng ngàn trang web đã đăng lại bài viết phản đối này.

Nhiều người vẫn cho rằng cái gì báo chưa đăng thì không sao. Tôi nghĩ đó là một cách nghĩ sai. Khán giả của "Đường lên đỉnh Olympia" đa số đồng thời là cư dân mạng. Nhiều sự kiện từ cuối năm 2007 cho đến nay đã cho thấy áp lực từ dư luận, thông qua internet là rất lớn. Một vụ việc rùm beng như thế, với một chương trình nổi tiếng như thế, của một cơ quan truyền thông lớn nhất nước, chắc chắn không thể là chuyện nhỏ. Nó đặt uy tín VTV trước nguy cơ sứt mẻ.

Sáng nay, có tin nhóm thực hiện chương trình Olympia cũng đã gửi công văn phản đối đi nhiều nơi. Tuy nhiên tôi ngạc nhiên rằng công văn phản đối trên- nếu có- sao không đăng hẳn lên website VTV?

Chưa biết nội dung bài viết trên đúng sai dến đâu, nhưng tôi nghĩ, VTV cần kiểm tra kỹ những phản ứng của dư luận trước khi quyết định phát sóng chương trình này (dự kiến phát trong dịp tết). Nếu thông tin trên sai, do người viết cay cú ăn thua đội mình, đội bạn thì kịp thời điều chỉnh dư luận và yêu cầu tác giả bài viết trên chịu trách nhiệm. Nếu bài viết ấy đúng thì cần xử lý người của Đài.

Cần kịp thời, rõ ràng và sòng phẳng, bởi khán giả có quyền đòi hỏi sự tôn trọng tương xứng từ VTV.


Bài viết có chi tiết chưa chính xác về thằng học trò của ông anh:
Thach_Lao_Gia (21/11/2008 12:02:12 PM): sửa lại dùm 1 chút .Thang DHT hoc tro ta chỉ vào đến cuộc thi tháng. Ta hét lên là khi nó lập kỷ lục mới (320 điểm) trong CUỘC THI TUẦN.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

Ngược sông Thu Bồn

Xuống máy bay, trời mưa như trút. Nhưng hôm sau ngược Quế Sơn thì trời mát, và hôm sau nữa xuống thuyền ngược sông Thu Bồn từ Trung Phước lên Hòn Kẽm thì nắng long lanh. Nắng đầu đông như mật vậy. Suốt mấy ngày bố cứ uống rượu và hát bolero với bạn, Hưng phá mồi và ngắm sông.

Phần 1: CU HƯNG ĐI GIANG HỒ (chụp bằng điện thoại)


Đi với Bố dĩ nhiên tớ rất khoái
Tớ mới là giang hồ tập sự nên lội ruộng sình không quen. Đi tắm nước nóng ở giữa đồng, phải có người cõng tớ ra xe.

Tớ đi chợ quê, chẳng mua gì ngoài một hộp kẹo to đùng để ăn trên đường đi

Đây là một dị nhân, có gương mặt giống ông Bùi Giáng. Bác ấy liệt hai chân nhưng làm bảo vệ chợ miền núi Trung Phước. Chú CÀ TANG từng viết bài Người đàn ông tật nguyền và chiếc xe lăn 101 đèn pha, đăng báo Tiền Phong. Ông ấy khoái quá dán hẳn sau ghế xe và mở còi hụ inh ỏi khi đi dẹp lòng lề đường.

Tớ có bạn mới, con gái của chú Hổ Phụ . Chị Hổ Tử rất dễ thương

Buổi sáng, tớ dậy từ mờ sương. Bố uống cà phê còn tớ nhìn ra bãi sông đầy sương giăng

Đói bụng quá, ra chợ quê ăn cháo lòng vậy. Bố tớ bảo muốn đi lang thang với bố thì không được kén ăn. Nhưng Bố nhân cơ hội lại làm một xị, hư quá.


Ngược sông Thu Bồn, tớ tranh thủ tác nghiệp.

Nói chung, tớ thấy đi chơi thế này khá thú vị

Phần 2: NGƯỢC LÊN THƯỢNG NGUỒN:

Đèo Le, có mái lều chênh vênh bên dòng suối thác róc rách. Phải mà có cô nào để hẹn mùa xuân cùng xây nhà bên suối.

Xưa Bùi Giáng chăn dê chỗ này, giờ về lại không thấy dê mà cũng chẳng thấy thi nhân.

Nhưng rượu ngon và bạn nhậu thì sẵn đấy. Bèn chui vô bếp làm món cháo gà và gà nướng lá chuối

Sáng đi thuyền ngược sông Thu Bồn, dọc đường là những bè gỗ mải miết về xuôi. Nhớ cái câu trong sách tập đọc: "Bè ta xuôi sông La/ Dẻ cau cùng táu mật...". Lâm tặc cũng có cái thi vị của đời lâm tặc chứ!

Những bến đò bình yên trong nắng đông. Bình yên như thể những cơn lũ kinh hoàng chưa từng qua đây.

Những ngôi làng khiêm tốn nép mình bên lũy tre. Đẹp và nghèo.

Bãi bờ đẹp như tranh vẽ

Cầu Nông Sơn, xây năm 2005, sau vụ đắm đò tang thương cướp đi sinh mạng của 18 em học sinh. Một cuộc vận động của báo Tuổi Trẻ, những tấm lòng người dân từ mọi miền, từ nước ngoài. Học trò Nông Sơn sẽ không bao giờ phải lo lắng khi đến trường mùa nước lớn nữa.

Cu Hưng cứ hỏi hoài, sao lại đắm đò, sao các bạn ấy lại chết...

Hổ Phụ Tử, dân Nông Sơn chính hiệu. Ngày xưa làm báo Người Lao Động, y có một bút ký xúc động về vụ đắm đò: Cà Tang Mây Trắng. Giờ làm báo Pháp Luật TPHCM, không thấy viết ký nữa.

Hòn Kẽm là hòn núi bên trái. Đoạn sông nằm giữa hai bờ đá gọi là Đá Dừng. "Trông lên Hòn Kẽm Đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!". Giờ này, những người dân Trung Phước, Đại Bình lặn lội đi trầm vẫn ngậm ngùi chiều chiều trên non xanh, nhìn núi rồi trông xuống quê nhà mà hát thế.

Post xong cái entry này thì thấy mình sến hơn cả bạn Nông Dân Gió Lào.

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Con trai, trốn học đi chơi nhé!

Mình sẽ ngồi đây nghêu ngao bolero

Con trai ạ, đầu đông quyến rũ quá đi. Bố muốn lêu lổng vài hôm nhưng đi một mình thì buồn. Ông Nam Đồng mập đen xấu xí, sếp của bố nói đi chơi xa phụ nữ thường mang theo thuốc chống say còn đàn ông thì bất dắc dĩ phải mang theo thuốc... chống vui, là vợ. Mẹ con vì thế, thêm lý do bận trông em, dĩ nhiên có toàn quyền... ở nhà.

Đi ở resort thì tốn kém quá. Bố nghĩ chốn ấy chỉ nên dành cho gia đình và bạn gái. Nơi ấy con chả có gì để khám phá ngoài việc thụ hưởng một mức sống cao hơn khả năng nhà mình. Quanh quẩn chỉ tắm biển rồi lên bờ. Nam nhi như bố con mình hẳn không nên thế.

Ít tiền và thời gian, nhưng bố mua được vé máy bay giá rẻ của Jestar. Mình sẽ đi ngược sông Thu, ăn cá nướng bên triền sông. Để sau này con có nghe “mai anh về nương dâu úa, giọng hát câu hò thôi hết đưa” thì còn biết con sông và tre ngà nó là cái giống gì.

Bố sẽ dạy trước cho con những bài học của tuần tới. Mình sẽ đi bụi đời vài hôm. Trốn học và có bố đồng lõa thì chắc con chả bao giờ từ chối. Phải không cu Hưng?

Mồi thì sẵn cá mua của vợ chồng ông Tám ngư dân, nướng lên và uống rượu

Hôm qua chat với thằng em , nói tao muốn ra ngồi ở sân nhà mày ngó ra thượng nguồn sông Thu, chỗ rặng tre bên triền cát. Mua một mớ cá tôm của ông Tám ngư dân, nướng lên rồi chấm muối hột giã ớt xanh. Nó nói : “Chết! Chết! Chết!” rồi chèm chẹp mấy tiếng khiến cái computer cũng thèm. Hỏi nhà mày có thịt rừng không, nó nói anh khỏi lo, bố vợ em là Chủ tịch xã, huy động nhanh lắm. Hỏi bố vợ mày lợi dụng chức vụ quyền hạn bắt du kích vác súng vô rừng săn thú hả. Nó nói không, chỉ là ổng quen với mấy ông bạn làm nghề bẫy thú. Vợ em làm mồi cũng ngon nhưng nếu anh về thì anh em mình tự biên tự diễn, không cho nó tham gia.

Vừa chat với bạn, nó nói ông ra đi, tôi rủ cả Cửu Vạn nữa, ba thằng làm một chuyến ngao du.

Để Sài Gòn lại sau lưng vài bữa đi.

Ghi chú: ảnh trong bài là của chú CÀ TANG, những nơi mình sẽ đến

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Trưởng ban Thông tin đánh ghen quốc tế


Cô MC xinh đẹp DJ Ano ( tức Suon Pheakdei) của Đài truyền hình TV3 (Cambodia) được cho rằng đang cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở TPHCM trong sự bảo vệ nghiêm ngặt

Có lẽ chức danh này sẽ được một số báo bổ nhiệm vào tuần tới, nhằm đón đầu thông tin. Tình hình là hiện nay mấy ông lớn và đại gia Campuchia bồ bịch nhiều quá. Hình như việc có bồ nhí là ca sĩ hoặc ngôi sao truyền hình đang là cái mốt của họ. Mà các bà lớn thì ghen kinh dị, hễ chuông reo là bắn mà chuông không reo cũng cứ bắn. Mà hễ bắn không chết thì dĩ nhiên nạn nhân- là người nổi tiếng và nhiều tiền-được đưa ra nước ngoài chữa trị. Nước ngoài ở đây thường là VN, nơi chỉ cách thủ đô Phnom Penh ít giờ xe hơi

Suon Pheakdei, một ngôi sao truyền hình được biết đến với tên gọi DJ Ano đã biến mất khỏi nơi làm việc là đài truyền hình TV3, Phnom Penh nhiều ngày nay. Điều này đã gây chấn động dư luận Thủ đô Nam Vang. Một vài tờ báo và tạp chí cho rằng cô đã bị thương trong một một cuộc tấn công vì ghen tuông, bởi vì cô là tình nhân của một nhân vật thế lực. Theo đó, cô chỉ có 20% sống sót do mất quá nhiều máu. Thông tin trên một số ấn bản tiếng Anh tại CPC cho biết cô bị tấn công bằng dao cạo (dao lam?), bị rạch chằng chịt trên mặt và cắt đi một số bộ phận xinh đẹp và nhạy cảm....Những nguồn tin này cho biết cô có thể đang được cấp cứu ở nước ngoài. Trong đó, khả năng nhiều nhất là tại TPHCM, Việt Nam.


Phóng viên Nguyễn Hà Cẩm Tú đang rón rén đến bên giường của Pov Panhapich tại BV Chợ Rẫy hồi năm ngoái ( Nguồn: Favorite Magazine - Campuchia )

Năm ngoái, Pov Panhapich, ca sĩ nhạc nhẹ CPC bị bắn gục trên xe hơi khi vừa dừng xe trước cổng một trường ngoại ngữ tại PhNom Penh, nơi cô đang theo học, phải đưa sang BV Chợ Rẫy cấp cứu. Hồi đó, nhiều phóng viên các báo đã tốn công với cô ca sĩ quê Trà Vinh này . Pháp Luật TPHCM có thông tin sớm nhất nhờ quen biết một anh cảnh sát CPC.

Sáng nay, phóng viên của nhiều tờ báo lại vào cuộc tìm hiểu cô MC xinh đẹp này giờ đang ở đâu. Báo ngày mai nêm một chút gừng và thịt nạc băm là có món canh cải ngon lành. Giữa mùa báo ế do mưa lũ, việc bổ nhiệm chức danh Trưởng ban thông tin đánh ghen quốc tế là điều cần thiết để đón đầu những tin thế này. Và khi các đại gia CPC nhiều sức khỏe, lắm tiền đô vẫn còn thích cặp kè ngôi sao thì vụ đánh ghen này chưa phải là cuối cùng!

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

Bầu cử ở Mỹ thì có liên quan đến gái không?

Ảnh: Trong số này có nhiều em xinh

Thật sự là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ rất liên quan đến gái.

Sẽ có nhiều cử tri bầu cho Obama vì anh chàng này trẻ và lịch lãm. Thích cái bữa tranh luận tay đôi, báo chí bình luận rằng một ông già đang cố tỏ ra trẻ trung bằng cà vạt đỏ và sôi nổi vung tay. Một anh trẻ chứng minh sự trầm tĩnh và già dặn, mang cà vạt xanh sẫm . Coi bộ lợi thế nghiêng về anh trẻ. Thế nào các em cũng xì xào: Anh già đang dùng nốt liều doping cuối cùng của cuộc đời. Còn anh trẻ đang ém quân, ảnh mà vùng lên thì ghê lắm đây.

Đó là chuyện bên Mỹ.
Chuyện sáng nay là lãnh sự quán Mỹ mời ăn sáng và theo dõi truyền hình trực tiếp bầu cử. Những anh trẻ dán mắt lên màn hình CNN, họ ồ lên khi Obama liên tục dẫn trước và vượt trước rồi giành thắng lợi ở New Mexico. Họ xuýt xoa lo lắng khi McCain thắng ở Louisiana .

Trong khi đó có nhiều anh xế chiều lẩn quẩn quanh những áo đỏ, váy đỏ, giày đỏ. Hành trang mang theo không phải mối quan tâm với Obama hay Mc Cain mà là một gia đình hạnh phúc và vài mối tình trắc trở đang dự kiến tăng thêm lên trong tương lai. Có anh beo béo, trăng trắng, mền mệt đi lại ngoài sảnh điểm danh các em xinh. Rất ngộ.

Nhưng kết quả thì hình như giống bên Mỹ. Chiến thắng thuộc về những anh trẻ, có thể không mang cà vạt sẫm màu nhưng vẫn đang ém quân đợi vùng lên.

Thế đã, cho nó hồi hộp. Kết quả chung cuộc chắc có nhanh, không phải chờ tới tháng sau. Nhưng mà ai có nấy biết. Hehe!

(Này Kwan, entry này không phải là nói về Kwan đâu! Đừng thấy áo đỏ mà tương tư và nhận vơ nhé!)

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2008

Gửi em ở cạnh sông Hồng


Đánh bắt cá trên đường phố Hà Nội sáng nay. Ảnh : Vietnamnet

Em ạ, trưa nay anh nghe tin sau ba tháng Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, giờ đến lượt hồ Bảy Mẫu nhập với hồ Ba Mẫu thành hồ 10 mẫu, sau 33 giờ mưa thối đất thối cát.


Thật tình là anh rất muốn gửi cho em một chiếc ghe chèo hay chiếc xuồng ba lá miền Nam. Em đội nón lá và mặc áo bà ba, khua nhẹ mái dầm trên phố, thỉnh thoảng một thằng cha nào đó chạy tắc ráng băng qua làm chiếc thuyền em tròng trành. Em có thể đi vớt những dề lục bình tím mải miết trôi trên đường Nguyễn Chí Thanh. Nam Bắc sẽ giao hòa trong những ngày mưa lịch sử của thủ đô văn hiến.


Anh đã đặt hàng một cái xuồng như thế, của một tiệm mộc bên dòng Vàm Cỏ Tây. Anh sung sướng nghĩ đến những thằng đại gia lâu nay tán tỉnh em và chở em đi cà phê bằng Lexus, bây giờ ghen tỵ với chiếc xuồng anh gửi. Con Lexus của nó thì đang nổi bồng bềnh trong tầng hầm The Manor, đợi hết những ngày mưa đưa thì ra tiệm giặt mui nệm.


Em sẽ có những ngày thú vị chèo thuyền lên Lý Thường Kiệt mà nhâm nhi cà phê Phố, buổi sáng, em chèo đến phở Thìn ở Lò Đúc. Rời quán phở, em hãnh diện cặp mạn thuyền vào một tiệm Spa và đưa dây mũi cho nhân viên bảo vệ rồi khỏa đôi chân ngà ngọc của em cho sạch rác . Sau đó bước lên lầu nằm thư giãn trong mùi tinh dầu oải hương.


Anh thương dáng em chèo xuồng đi dự hội nghị . Em nhớ đến sớm để có chỗ buộc thuyền em nhé? Vào những ngày này, em nên để theo trên xuồng một vài cái ruột xe bơm căng. Khi đến thăm nhà bạn trong ngõ nhỏ phố nhỏ, hãy buộc xuồng cần thận rồi bơi phao vào ngõ.


Những ngày này, nếu ở chung cư, em hãy đừng quên luyện tập cho dáng người thon thả. Mỗi chiều hãy mặc bikini xuống sân, anh yêu dáng em vẫy vùng trong làn nước chung cư. Mây trời có xanh và nắng có vàng sau những ngày mưa? Nhưng cẩn thận em nhé, anh không tin là dòng nước ngập ở thủ đô có chất dưỡng da, chỉ tin nó có nhiều vi trùng và xác chuột.


Em hãy thỏa sức với niềm đam mê thể thao cảm giác mạnh, săn bắn chẳng hạn. Anh nghĩ lũ chuột từ cống rãnh sẽ trèo lên những khu cao ốc. Anh có thể gửi cho em một khẩu súng hơi. Anh thích thú với suy nghĩ em mạnh mẽ với khẩu súng trong tay và chức vụ tổ trưởng tổ săn chuột cống vừa được khu phố bổ nhiệm.


Rồi đây CSGT Đường bộ sẽ sát nhập với CSGT Đường thủy khi mà những con đường thủ đô hóa những dòng kênh. Buổi chiều em đi làm về ngang qua Văn Miếu sẽ thấy những cụ già ngồi thư thả buông cần kiếm con rô, con diếc.


Anh sẽ gửi cho em cả một tay lưới bén. Đêm đêm em có thể ra góc đường Bưởi với phố Đội Cấn và giăng lưới. Mưa thế này, cá Hồ Tây sẽ tràn lên tha hồ cho em bắt. Sông Tô Lịch thúi inh mấy chục năm nay từ nay sẽ cuộn sóng. Sẽ là những dề rau muống tươi xanh như cái thời Nguyễn Bính ngồi bờ sông ấy mà viết Cô hàng xén, Lỡ bước sang ngang từ những năm 40 của thế kỷ trước.


Nếu em về Sơn Tây, em ạ, đừng chèo xuồng theo quốc lộ 32, coi chừng nước cuốn em ra sông Đáy. Có đi Bắc Ninh cũng chớ dại chèo xuồng theo ngả bờ đê mà nước nó cuốn em xuống sông Đuống. Và em đừng đi Hải Phòng em nhé, anh nghĩ những con sóng đường 5 sẽ nhấn chìm em của anh.


Giờ này ngoài ấy đang vào vụ đánh bắt cá phải không em? Anh yêu những làng nghề cá vừa mọc lên giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Nếu chúng mình cưới nhau, anh sẽ cố vay ngân hàng để thành lập một công ty đánh bắt. Với đội tàu hùng hậu, sản phẩm của chúng ta sẽ bán khắp siêu thị trong nước và vươn vòi xuất khẩu sang EU. Chúng ta thừa lãng mạn nhưng cũng phải thực tế và táo bạo trọng kinh doanh em ạ. Tình yêu không thể bền vững nếu chúng mình thiếu đói.


Nếu em từng về Bến Tre, em sẽ thương những con đò dọc sông Hàm Luông cuộn đỏ phù sa. Hôm nay anh đọc báo và thương những con đò dọc phố Thành Công như thế. Mỗi chuyến đò đầu phố cuối phố là 20 ngàn đồng. Anh đọc thấy trong đó sự sáng tạo và vượt khó, nhạy bén trong kinh doanh của người dân thủ đô thời hội nhập.


Anh đã từng yêu Hà Nội nắng vàng phấp phới áo lụa Hà Đông, anh thêm yêu Hà Nội mùa nước nổi. Mai này về thủ đô, tình yêu chúng mình sẽ ghi dấu những ngày chèo thuyền giăng lưới, bên những căn nhà sàn soi bóng dòng sông phố. Đã thương em chân dài váy ngắn, giờ nhớ thêm dáng em lui cui làm cá bên sàn nước.


Anh sẽ về Mộc Hóa mua một ít giống tràm đưa ra ngoài ấy, chúng mình sẽ trồng một rừng tràm trên sân Quần Ngựa. Rồi anh ra Nam Thăng Long thuê đất, mình rải một ít giống sú vẹt và nuôi tôm quảng canh. Anh vui sướng và tự hào nghĩ rằng mai này mỗi lần đi xa, chúng mình sẽ thuê ca nô ra Nội Bài. Ca nô xe sóng lao đi giữa rừng sú vẹt, rừng đước, vuông tôm... Và trên máy bay anh sẽ mỉm cười hẹn trở về khi dưới cánh bay là mái nhà thân thương, có em đợi anh giữa mùa hương tràm bát ngát


Anh yêu Hà Nội và yêu em, yêu những cao ốc nghiêng mình bên dòng nước mưa trộn nước cống rãnh, sông hồ.