Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

Em và hoa móng bò

Ảnh: Vnexpress.net

Từ hồi nhỏ, ngẩn ngơ thích những mùa hoa ban Tây Bắc trong văn chương. Lớn lên, nhiều lần đi qua những bản làng người Thái ở Hòa Bình, Sơn La, cũng mê mẩn màu ban trắng, tím. Rồi ngày nọ mới phát hiện ở Sài Gòn, Nha Trang cũng có hoa ban. Hồi đó trước nhà cô bạn trồng một cây, đẹp dã man. Bạn nói cây này bông đẹp nhưng mà tên gọi quê òm. Hỏi nó tên cây gì, bạn nói đó là hoa móng bò. Bạn cũng cóc biết đấy là hoa ban. Bây giờ thì đâu cũng có.


Cũng hồi nhỏ, thích quá chừng những câu hát về hương hoa sữa ở Hà Nội, thơm tho suốt phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, thơm vô thơ Nguyễn Phan Hách “mùi hoa sữa thơm trong áo em và mái tóc”, thơm vô tới nhạc Hồng Đăng. Chừng về Vinh, sân ga ken kín hoa sữa, bắt đầu ác cảm.


Rồi ra Hà Nội, thuê nhà đầu phố Kim Mã Thượng, cuối thu là đóng kín cửa vì bên cửa sổ căn gác có cây hoa sữa to đùng. Mùa hoa sữa thì dị ứng phấn hoa, cả người nổi mẩn ngứa. Mỗi mùa hoa sữa, ta trở thành bệnh nhân của bệnh viện da liễu, nhẹ nhẹ thì qua khoa ngoại bệnh viện 354 đầu Đốc Ngữ...


Chừng về quê, ngạc nhiên thấy ở cái làng Nhị Hà tận trên núi, bên một thôn đồng bào Rắc-lây có cây hoa sữa. Thằng bạn bảo cái cây này tên đã xấu mà mùi lại ở xa thương, gần khó ngửi. Hỏi tên cây gì, bạn nói nó tên cây mùa cua. Tên nghe quê quá chừng.


Đi công tác vô trại giam, 15 năm trước những đường dây sex tuor còn là loại tội phạm mới mẻ. Sực nhớ một em rất đẹp, tên là Bích Tuyền là má mì trong đường dây bị xử tù, thụ án trong trại này. Bèn hỏi quản giáo với hy vọng có một bài về người đẹp ở trong lao dạo này sao. Anh quản giáo nói cái cô ấy là hoa khôi của phân trại, nhưng trong hồ sơ tên quê lắm. Hỏi tên gì, anh nói tên Nguyễn Thị Lọt. Thì ra má em ngày xưa đẻ rớt em trong một buổi chống xuồng gỡ lưới trong bưng.


Thế giới phát triển với công nghê lăng xê có thể biến những cô gái quê mùa thành người mẫu sáng giá. Đèn đóm Sài Gòn có thể biến em Nguyễn Thị Lọt thành Bích Tuyền, thơ và nhạc có thể biến hoa mùa cua thành hoa sữa. Hoa ban mộng mơ và hoa móng bò cũng thế. Cái tên quê mùa thương mến ngày xưa đôi khi cũng cần đổi thay cho hợp thời, để phục vụ công việc, công chúng hay bản thân con người được đổi tên.


Chỉ mong trong mỗi người, cái ký ức nhà quê đừng mất hẳn. Bây giờ tự hỏi, mình vẫn yêu hương hoa sữa “tuổi mười lăm em lớn từng ngày, một buổi sáng em bỗng thành thiếu nữ”, vẫn ghét rừng hoa sữa ở ga Vinh, dọc phố Đà Nẵng, Quảng Bình. Nhưng vẫn nhớ cây mùa cua lẻ loi tỏa hương bên con dốc đầu làng Nhị Hà của ngày xa lắc.


xem phản hồi trên ngoisao.net

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

Nghịch lý Pleiku


Không thơ mộng như Đà lạt, không nhộn nhịp như Ban Mê, cũng không hoang dã như chính Pleiku xưa. Ba năm rồi mới trở lại.


Nhìn khắp thành phố chẳng thấy cây thông nào, đúng ra, có loe hoe vài gốc thông ở những con đường cũ, quanh những công sở cũ. Những con đường mới mở nắng chang chang. Buổi chiều quanh năm mùa đông nhưng trưa thì nắng muốn bể đầu.


Loanh quanh chán thì ra hồ Tơ Nưng (Ia Nueng), nó ngày càng xấu. Không hiểu làm sao mấy chục năm trước, thời học tiểu học ta lại thích cái biển hồ “hạt ngọc Tây Nguyên” này như thế.


Khách sạn rất to, nội thất tốn rất nhiều gỗ quý và rất...xấu, nhưng so với những khách sạn bốn sao khác thì giá phòng rất rẻ. Không hiểu nổi vì sao nó lại bốn sao, không hiểu nổi bốn sao mà giá lại rẻ bất ngờ.


Buổi tối không có chỗ đi chơi, ba đứa rủ nhau lên vũ trường. Tòan những đôi rất già. Đến nỗi nếu không có tiếng nhạc thì dễ lầm tưởng rằng họ đang tập dưỡng sinh chứ không phải khiêu vũ. Cũng có vài ba em vũ nữ trẻ nhưng ế khách nên cứ hai em một cặp nhảy với nhau, trông tồi tội.


Giọng con gái Peiku hay hay, và khó nhại. Giống một chút Đà Nẵng, một chút Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi nhưng rốt cuộc thì không giống hẳn nơi nào. Nửa sang nửa quê, nửa đanh đá nửa làm nũng. Nhưng chắc ở Pleiku, mấy cô hàng cà phê đẹp nhất nước


Pleiku là cái tên rất nghịch lý. Bởi nói chuyện với em gái trên này, gọi là Pleiku thì em không thắc mắc, nhưng nếu ta gọi xứ này là Plei...chim thì em sẽ bảo rằng ta nói bậy, dù cái từ sau nghe tao nhã hơn nhiều.


Nhiều lần đi Pleiku công tác, bận đến nỗi không có thời gian đi bộ. Giờ loanh quanh hai ngày Pleiku, rảnh đến nỗi không biết làm gì.


Ở Pleiku mà không nhận ra nó. Đi về, cứ tưởng như không phải mình vừa đến Pleiku.

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

Hãy cưới nữ phóng viên (Báo Pháp Luật TPHCM)

Trưa nay, đám cưới em Thanh Hải diễn ra ở khách sạn Tân Sơn Nhất.


Thanh Hải cưới sớm một buổi nên đã hụt một khoản thu nhập đáng kể.


Cơ quan vừa quyết định từ nay về sau, đối với đám cưới của nữ phóng viên, ngoài tiền mừng cưới của cá nhân bạn bè đồng nghiệp, công đoàn cơ quan sẽ tặng chú rể một xe honda Air blade mới, trị giá 32 triệu đồng.


Ban biên tập quyết định tặng mỗi chú rể 40% số tiền mua cặn hộ 3 phòng ngủ 125 m2 ở dự án River view ( mỗi căn trị giá 133.000 USD).


Chi hội nhà báo thưởng mỗi chú rể 10 triệu đồng.


Được biết những phần quà tặng nói trên nằm trong chương trình “thay ngàn lời biết ơn” của Báo (gồm BBT, chi hội nhà báo và công đoàn) đối với những ân nhân của cơ quan.


Quyết định trên được đưa ra sau khi đã cân nhắc các tiêu chuẩn của những ứng viên cô dâu là phóng viên của báo.


Đặc biệt, báo sẽ phối hợp với một tổ chức đoàn thể nào đó - chưa biết- để tặng huy chương “đàn ông dũng cảm” và kỷ niệm chương “chấm dứt sự cô đơn của em” cho các chú rể trong những đám cưới sau này.


Tuy nhiên, Bố cu Hưng không an tâm về hiệu quả chương trình này. Bởi theo thiển ý của Bố cu, xe Air Blade khó lòng cải thiện được tình hình. Phải tăng giá trị quà tặng lên bằng một Camry 3.0 thì may ra!

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2009

Ngồi đếm mùa đi.

Mùa xuân thì có gì vui?

Mùa xuân miền Nam là mùa ít cảm xúc nhất, cho dù ai nói chim hót hoa nở gì đi nữa. Xong mấy ngày tết, mùa xuân chẳng còn gì để chờ đợi. Ở miền Bắc còn lang thang lên núi hay đi trẩy hội chùa, trong này thì chỉ có đi hai bà là Bà Đen và Bà Chúa Xứ, nắng như điên. Nên có cung kính thì cũng ở xa mà vọng.


Mùa xuân là lo lắng cho một năm làm việc, học hành, là cày cuốc sau những ngày tết. Gọi là nghỉ tết nhưng bận rộn với đủ thứ nghĩa vụ: tiền mua sắm, tiền lì xì, thăm họ hàng, những trận nhậu không giờ giấc chẳng bao giờ đủ no, đi nhà ai cũng ăn một tí. Chẳng bao giờ đủ say, uống một ly và chúc tết xong thì phải chạy sô qua nhà khác... Nói chung không có nghỉ ngơi thư giãn.


Và sau những ngày tết là cắm mặt vào công việc, kế hoạch, họp hành. Những mục tiêu trong năm, đưa ra thật to trước tết bắt đầu được gia giảm cho vừa sức tới hồi co nhỏ còn chút xíu. Chẳng hạn đầu năm tính mua vi-la thì cuối năm tiền chỉ đủ mua va-li, tính mua xe hơi thì cuối năm mua được chiếc xe máy, tính qua Pháp chơi thì sau đó chỉ đi tới Lào, tính làm thủ tướng thì cuối năm được bầu làm tổ phó dân phố...


Mùa hè thì hứa hẹn những chuyến đi xa, lên Đà Lạt, đi Mũi Né. Thậm chí hễ em sinh viên nào du học bên Sing nói anh ơi em nhớ quá thì nói ờ anh cũng thế rồi bay qua. Tốn vài trăm USD dành dụm mà được cảm giác xuất ngoại, dù qua bển cũng chỉ ăn bắp luộc với ăn cơm dĩa, đi vòng vòng window shoping rồi ra đứng ngay cái tượng hải sư ngoài bến cảng nhờ thằng khác nó bấm cho một kiểu hình về khoe. Bạn bè trách bữa đó tao kêu mày đi lai rai sao không bắt máy, nói ờ bữa mày gọi tao đang ở nước ngoài, dạo này bận quá, bay tới bay lui mệt cả người. Hễ em nào ngồi bàn kế bên nghe lỏm, tưởng anh oách thật thì nhào vô rồi biết. Đi nước ngoài thì dù có nghèo cũng mua một chai dầu nóng. Ai hỏi để làm chi, nói để xoa bóp cổ tay với bả vai. Bị dốt tiếng Anh quá nên giao tiếp nó bị mỏi.


Nói chung thì mùa hè vậy cũng còn vui hơn mùa xuân.


Mùa thu thì vui thiệt, có thể ngắm lá vàng. Lá vàng ở Sài Gòn thì cuối thu đầu đông nó mới chịu rơi. Muốn xem lá vàng đúng mùa thu thì canh me mấy cái cây xanh trước những căn nhà mặt tiền có buôn bán. Bị choán chỗ nên gia chủ đem a xít với nhớt đổ vô gốc cây, lâu lâu cây nó héo và bắt đầu có lá vàng, có gió thì nó rụng, nhưng ra đứng ngó thì xe cán chết ráng chịu. Sau đó cây chết thì công ty cây xanh tới trồng cây khác.


Mùa thu thì có thể về Đồng Tháp Mười nhìn nước nổi, ít tốn tiền mà nhậu sướng vì quá chừng cá. Ra chợ thấy cá rô to cỡ bàn tay bèn mua về ăn, thấy nhạt thếch, hỏi ra thì biết cá rô xứ này rất sẵn, được nuôi bằng cám tổng hợp nên mùa nước nổi hay nước chìm nó cũng béo ú. Đi ăn lẩu bông súng với kèo nèo thấy bị chém cũng đừng ngạc nhiên. Chủ quán sẽ thưa thiệt rằng mấy cái bông súng này từ chợ đầu mối Thủ Đức đưa xuống nên nó mắc vậy là phải rồi.


Rồi sẽ tới mùa đông. Lá vàng bắt đầu rơi một cách lãng nhách bởi ở Hà Nội người ta đã co ro trong áo ấm. Nhưng ở Sài Gòn thì mùa này bạn có thể đi ... bơi. Bởi vì nắng mùa này không đủ cháy da nếu mặc đồ ngắn. Nhưng mùa này là mùa quyết toán công trình nên lô cốt gia tăng tiến độ, thương mến quá con đường nào cũng kẹt. Muốn đi bơi cuối buổi chiều thì đúng 12h trưa có thể ra khỏi nhà và chạy tà tà tới hoàng hôn là có mặt ở hồ bơi.


Thằng bạn đi Hồng Kông, trước khi lên máy bay trở về thì alo hẹn chiều nhậu, nói ờ để tao đi bơi xong rồi ra quán luôn. Chừng nó về tới Sài Gòn tắm rửa xong alo trở lại thì nói chờ tao bơi, vì lúc mày ở Hồng Kông tao đang trên đường đi, giờ mới đến hồ bơi không lẽ bỏ về.


Và cuối mùa đông, bạn sẽ bồi hồi ngậm ngùi một năm qua đã làm được gì, vila đã thành va li, ô tô đã là xe máy. Bạn sẽ thành tâm cầu nguyện mong một năm mới phát tài, năm mới yên vui hạnh phúc, bạn mơ về những cuộc tình lãng mạn với em sinh viên du học bên Sing, những cuộc nhậu với thằng bạn ở Hồng Kông mới về. Và bạn lại đợi đến mùa thu để đi ngắm lá vàng rơi ở những con đường có gốc cây bị đổ a xít.

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2009

Hôm nay, còn ai nhớ?

Hôm nay, tròn 30 năm ngày mở màn cuộc chiến tranh một tháng ở biên giới phía Bắc.


Sáng nay, phiên tòa đầu tiên xét xử bọn cầm đầu Khmer Đỏ khai mạc tại Phnom Penh


Tôi nhớ đến người anh con bác ruột mình. Một người lính của sư đoàn 341, Quân đoàn 4. 30 năm trước, anh sĩ quan về phép từ chiến trường K để cưới vợ. Hai ngày sau lễ cưới, hai sĩ quan Tỉnh đội Hà Tĩnh đến tận nhà đưa cho anh bức điện: "Trở vào đơn vị nhận nhiệm vụ". Anh xa vợ khi vẫn còn hơn mười ngày phép.


Một tháng sau chị trở thành goá phụ.


"Liệt sĩ Nguyễn Hùng Anh đã hy sinh tại mặt trận phía tây nam trong chiến dịch mùa khô năm 1980, được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của đơn vị!". Mười năm, với tờ giấy báo tử trong túi, tôi đi tìm mộ anh mình. Qua nhiều nghĩa trang liệt sĩ biên giới, hàng chục nghĩa trang các tỉnh phía Nam, phòng chính sách quân đoàn và sư đoàn để rồi không có thông tin gì về anh. Ngôi mộ anh trong nghĩa trang gia tộc cũng chỉ là mộ gió. Người chị đằng đẵng chờ chồng trong vô vọng.


Ở tuổi 40, chị lạy cha mẹ chồng để đi bước nữa. Chị khóc, cha mẹ chồng cũng khóc: Hai mươi năm ròng rã, chị phụng dưỡng cha mẹ chồng và chờ đợi vì tin anh sẽ trở về, chị nói chỉ tin rằng anh đã mất nếu ngày nào tìm được hài cốt của anh. Nhưng ngày đó không đến!


Ngày đến Siêm Riệp, tôi đứng trước đài tưởng niệm liệt sĩ quân tình nguyện do Quân đoàn 4, đơn vị của anh mình xây dựng. Năm ngàn liệt sĩ, không một dòng tên. Chết nhiều quá, những nhà sư Khmer đã làm lễ cầu siêu và hoả táng rồi đưa tro cốt vào ngôi tháp.


Tại nghĩa trang liệt sĩ Siêm Riệp, chỉ có những dòng tên của liệt sĩ Campuchia.

Thế hệ học trò chúng tôi, từ cấp một, những bài lịch sử luôn đi kèm với số liệu thương vong của mỗi bên. Dẫu có thể nó không hoàn toàn chính xác, nhưng nó nhắc thế hệ sau về sự hy sinh để giữ nước, và cái giá phải trả cho sự xâm lăng.


Lớn lên, dù cố tìm, tôi cũng không thể biết chính xác con số tổn thất hy sinh của chiến sĩ ta trong chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. Những nghĩa trang biên giới tôi qua, những hàng bia trắng ngợp trời nằm im lặng.


Dù chúng ta có nhắc hay không thì cha mẹ, vợ con của những chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh biên giới vẫn không thể nào quên cuộc chiến ấy, khi khói hương vẫn tỏa trên bàn thờ của mỗi gia đình. Nó nhắc nhớ những người thân vĩnh viễn không trở về, nằm lại ở biên cương khi giữ đất. Sự tôn vinh của đất nước đối với họ phải được ghi nhận không chỉ với tấm bằng tổ quốc ghi công, mà còn ở thái độ của dân tộc. Lịch sử cần phải được học không chỉ để tiếp nối, mà còn phải học để quá khứ đau buồn không lặp lại.


Hôm nay 17-2, 30 năm ngày chiến tranh biên giới phía bắc. Hôm nay tên đao phủ ở nhà tù Tuol Sleng ra tòa trong phiên tòa đâu tiên xử bọn diệt chủng Khmer Đỏ. Hôm nay, nhiều gia đình Việt thắp hương trong ngày giỗ người thân của mình.


Hôm nay, sau ly cà phê, đồng nghiệp của tôi đi làm tin về cúm gia cầm!

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

Càng yêu em, anh càng ghét ông Huỳnh Ngọc Sỹ


Anh cứ tưởng là tình yêu không liên quan đến ODA, dự án Môi trường nước và công ty Thanh niên Xung phong, nhưng một ngày anh phát hiện ra mối quan hệ hữu cơ giữa hai lĩnh vực này.

Hôm ấy, một ngày đông không có mưa bay chỉ có bụi đầy rơi xuống vai gầy giữa Sài Gòn nhiều nắng. Anh chở em đi dọc kênh Nhiêu Lộc, bên những hàng lô cốt của dự án môi trường nước. Cái xe cũ của anh dằn xóc liên tục vì phải chạy lên vỉa hè. Bụi bặm khiến mái tóc vừa gội của em cứng như lò xo bếp điện thời bao cấp. Bụi bám vào đôi mắt kính của em khiến nó mờ nhòe. Thế là em bực! Anh nói em à, hãy cố chịu đựng một chút vì muốn ngày mai sung sướng thì hôm nay phải chịu khổ. Mai này sẽ đường thông hè thoáng và không ngập nước, vì thế hôm nay cần dựng lô cốt để thi công.

Em hầm hừ: ai chả biết thế, nhưng anh xem cái bảng tiến độ dựng trước lô cốt đi. Họ ghi thời hạn hoàn thành, lẽ ra nó phải xong từ ba tháng trước. Anh xem thì thấy chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Đại lộ Đông tây và Môi trường nước.

Con đường dằn xóc, xe đi chậm như rùa, nắng khát khô cả cổ. Vì thế chúng mình đã có một ngày không thoải mái. Từ đó anh ghét Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban quản lý của cái dự án này.

Cái ngày mình hẹn hò nhau sẽ ra Văn Thánh chơi, vẫn là cái xe cũ của anh. Chạy đến gần cầu Văn Thánh thì nó nảy lên do mố cầu bị lún, em văng lên trên yên xe nửa thước rồi rơi xuống và bị đau bàn tọa. Ồn quá nên anh nghe không rõ, cứ tưởng em đau thần kinh tọa. Anh nói ừ tí nữa anh sẽ lấy dầu nóng xoa bóp cho em. Em mắng anh là đồ nham nhở vì đòi xoa bàn tọa, ai cho xoa bóp mà xoa bóp? Em nói anh chạy xe ẩu thế chứng tỏ là người không chu đáo cẩn thận. Anh lầm bầm oán đơn vị thi công cái cầu này. Đó là công ty do ông Sỹ làm giám đốc. Làm sao anh có thể bỏ qua cái đơn vị thi công tắc trách đã làm đau bàn tọa em yêu của anh, mà anh thì bất lực không giúp em bớt đau được. Vì thế anh càng ghét Huỳnh Ngọc Sỹ.

Và đường đi ra Văn Thánh trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, chúng mình như đi trên sóng biển vì con đường nó lún. Anh biết, đầu cầu người ta đã dựng lên một cái bảng xin lỗi nhân dân thành phố, báo chí gọi là con đường sorry, cây cầu sorry. Nhưng em nói em không phải dân thành phố nên em không được xin lỗi. Và như thế, buồn bực từ cái cầu và con đường, anh phải thay mặt người thành phố nhận lỗi với em. Mà anh nào có lỗi gì?

Và hỡi em gái người yêu cũ ở Long An của mười năm về trước. Em còn nhớ không? Ngày ấy anh hẹn em đi sinh nhật. Thúng hoa hồng anh chở sau yên xe đã bị dằn xóc và dập nát khi đi ngang đoạn đường Kinh Dương Vương thi công chậm trễ và ngập nước. Đến bến xe Miền Tây thì nó dập nát. Sau đó nước bắn tung tóe làm hoa nhão như cháo. Anh đến Tân An trễ khi tiệc sinh nhật đã tàn, một thằng cu dân sở tại đã chở em đi biền biệt trời mây trên xe của nó. Anh ngậm ngùi về thành phố, biết mình vừa để lại sau lưng một tình yêu trung bình bên dòng sông Vàm Cỏ. Anh về đọc báo và biết đợn vị thi công chậm trễ đường Kinh Dương Vương cũng là công ty Thanh niên Xung phong. Làm sao anh bỏ qua điều đó?

Thật sự thì anh không thể dùng suy đoán để đổ oan cho ai, anh không biết ông Sỹ liệu có nhận 820 ngàn USD của nhà thầu hay không. Sự công bằng trong con người anh không cho phép anh áp đặt điều xấu cho ai chỉ bằng cảm tính. Nhưng anh không thể bỏ qua sự tắc trách đã đẩy những tình yêu của anh vào đường hẻm, vào ngõ cụt, chết chìm trong những con đường ngập nước và ổ gà.

Anh biết đi về hướng nào để tìm kiếm tình yêu giữa thành phố 8 triệu dân này, khi mà tứ phía lô cốt trễ hạn giăng hàng? Những con đường đến với tình yêu đầy bụi nhắc nhở anh về ông Sỹ. Chính ông ấy và sự thi công lẫn quản lý tắc trách đã bụi hóa, ồn hóa, ngập nước dài hạn hóa những con đường tình lẽ ra lãng mạn đầy hoa nắng, những vỉa hè thông thoáng cho đôi lứa nắm tay nhau.

Mai là lễ tình nhân, nhưng anh thì ngồi đau đớn với hoài niệm về những mối tình tan vỡ do cầu lún, đường ngập nước, đầy ổ gà và lô cốt trễ hạn .

Càng yêu em, anh càng ghét ông Huỳnh Ngọc Sỹ!

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

Về tội danh của ông Huỳnh Ngọc Sỹ


Ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt vào thời điểm Nhật Bản cho biết sẽ xem xét nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam, vào ngày thứ ba trong chuyến thăm của Hoàng thái tử Nhật Bản Naruhito đến Việt Nam. Và khá lâu sau khi các quan chức PCI thừa nhận đã đưa hối lộ cho ông.

Các quan chức PCI bị tòa Nhật xử vì đã hối lộ ông Sỹ 820 ngàn USD. Tuy nhiên ông Sỹ bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn”, theo Điều 281 Bộ luật Hình sự, mức án cao nhất chỉ 15 năm tù giam. Trong khi đó, với tội nhận hối lộ- Điều 279- mức án cao nhất là tử hình.

Hai tội này dù có cấu thành khác nhau nhưng khá “gần” nhau. Hơn nữa các khoản hối lộ thường được ngụy trang nên việc chứng minh tội lợi dụng quyền hạn dễ hơn tội nhận hối lộ.

Vậy đây là vụ án đưa và nhận hối lộ hay lợi dung chức vụ? Dù có là vụ án hối lộ thì những chứng cứ (băng ghi âm, ghi hình, bút tích) để đấu tranh và buộc tội chưa chắc đã có, và nếu có sau ngần ấy năm, chưa chắc đã còn. Nhất là ở đây, sau một thời gian dài kể từ khi các quan chức PCI bị bắt, ông Sỹ thừa biết cái gì đang chờ mình.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Lê Hiếu Đằng quan ngại việc bắt ông Sỹ quá chậm có thể khiến những chứng cứ, tài liệu đã bị tẩu tán.

Tuy nhiên, theo luật, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng có thể thay đổi hoặc khởi tố bổ sung tội danh khác nếu có những căn cứ chứng minh. Khởi tố và bắt tạm giam chỉ là bước khởi đầu của quá trình tố tụng.

Việc khởi tố ông Sỹ không chỉ đơn giản là truy cứu người có dấu hiệu phạm tội. Nó còn cần thiết để chứng minh thái độ cương quyết chống tham nhũng. Sự chứng tỏ ấy cần cho cả ba phía: bên cho vay ODA, là Nhật Bản cần thấy sự minh bạch, người có trách nhiệm trả nợ ODA (nhân dân) và cần cho uy tín của nước sử dụng vốn ODA.

Ở khía cạnh khác, đây là vụ án khá điển hình về năng lực phát hiện và xử lý tham những. Nó được khởi tố sau khi Nhật Bản phát hiện và yêu cầu phối hợp điều tra, và rất lâu sau khi hành vi phạm tội xảy ra.

Trong khi chưa đủ điều kiện để tạo ra một môi trường mà quan chức “không cần tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng” như Singapore, thì cơ chế giúp phát hiện tham nhũng phải được quan tâm trước nhất.

Sau một thời gian dài khá im ắng, giờ đây các nhà báo theo dõi mảng nội chính lại có chuyện để bận rộn!

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2009

Tây Nguyên

Đầu Xuân, Bình Phước nắng như đổ lửa nhưng tới Đăk Nông thì se lạnh. Nắng cao nguyên bao giơ cũng thế, vàng như mật. Những rừng cao su đang thay lá, có những khu rừng trụi lá khi cánh rừng gần đó mơn mởn chồi non.


Mấy chục lần đi Tây Nguyên, lần nào cũng thích và lần nào cũng say. Công việc quá chừng nhiều nhưng cũng tranh thủ được một buổi đi chơi. Hơn chục năm trước, vô buôn Kô D'Hong uống rượu với già Ma Rin. Lần này lên Buôn Mê Thuột, vô buôn không gặp già nhưng cháu của già vít cần rượu bắt uống say ngất ngư. Rồi em hát: "Tây nguyên có cái nắng, có cái gió, có cái đó, em không cho.... người ơi!"

Thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông như một đại công trường vì tất cả các công trình hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện sau bốn năm tách tỉnh. Nhưng vẫn có đôi chỗ gợi nhớ Đà Lạt.

Điều khiến dư luận quan tâm nhất ở tỉnh này là những dự án khai thác Bô Xít và luyện Alumin. Người ta lo rằng không gian văn hóa bị xâm hại, các vấn đề môi trường từ bùn đỏ phát sinh trong quá trình chế biến.
Hội thảo tháng 10 năm ngoái tại Gia Nghĩa, vấn đề này được đề cập gay gắt. Tuy nhiên báo chí bấy giờ hầu như chỉ đưa tin về những tham luận phản đối trong ngày hội thảo đầu tiên và bỏ qua những ý kiến khác trong các buổi sau đó.

Nhưng dù sao thì dự án Nhân Cơ cũng đã được phê duyệt. TKV đã lập công ty khai thác và chế biến Alumin tại đây. Mặt bằng của một nhà máy 140 ha đang được hoàn thiện

Công nhân của công ty Đông Bắc- đơn vị trúng thầu đang tiếp tục khoan thăm dò địa chất nền của nơi sẽ đặt nhà máy chế biến.

Nhà máy thủy điện Đắk Tít, công suất 144 MW đang được thi công. Nước từ bốn cái hồ lớn đang chắn dòng sẽ đổ về đập đầu mối này. Dự kiến khi hoàn thành, nó sẽ vừa cung cấp nước cho tuyển rửa quặng và điện cho quá trình luyện Alumin.
Hàm lượng Alumin trong quặng Bô xít của Đăk Nông khá cao. Số quặng được đào lên trong quá trình chuẩn bị mặt bằng được gom lại một chỗ để tận dụng, nó sẽ được tuyển rửa, chế biến khi nhà máy hoàn thành.

Và sau khi tuyển rửa, nghiền và luyện trong nhiệt độ từ 180 đến 250 độ, nó sẽ ra Alumin như thế này. Sau đó thì điện phân thành nhôm.

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009

14-2: ngày để nhớ những...sai lầm


Valentine là ngày nhiều người thấy ngọt ngào, nhưng cũng nhiều người muốn quên bởi nó nhắc nhở bản thân về sự thất bại, sự sai lầm, sự đổi thay.

Bạn có bao nhiêu cuộc tình, bao nhiêu lần nói anh yêu em, em yêu anh, anh chỉ có mình em, em chỉ có anh là duy nhất...?. Sau lời nói đó, mỗi lần ngỏ lời tiếp theo là một lần chứng minh những lời trước là...sai. Nhiều người có trí nhớ tốt, trở nên rất cay đắng. Còn người nào hay quên thì hạnh phúc.

Ngày này cũng nhắc cho nhiều người biết rằng mình kém cỏi về nhận thức. Bởi họ thường nói: khi gặp em rồi anh mới biết thế nào là tình yêu. Nhưng sau đó họ gặp người khác và mới biết thế nào là tình yêu đích thực, rồi lại tiếp tục gặp người khác và lại tiếp tục đích thực. Cứ thế! Cái đó cũng chứng minh rằng nhận thức của con người không là bất biến, nó chỉ đúng với từng thời điểm.

14-2 nhắc người ta về sự đổi thay. Khi mới yêu người ta nói không biết thiếu em thì đời anh sẽ ra sao. Chỉ dăm năm sau lại nói trời ơi vì cô mà đời tôi khổ thế này. Ngày trước thì nói em như báu vật lạc mất từ kiếp nào anh mới tìm lại được. Giờ nói phụ nữ như cô bán cả mớ cũng không ai mua. Tình yêu khi đã mất đôi lúc sẽ kéo lùn văn hóa xuống để rồi họ xúc phạm nhau, cấu xé nhau nhức óc xóm giềng.

Nàng thổn thức gục đầu vào vai bạn giữa đêm trăng lạnh mà thề nguyền em yêu anh thì yêu cả thói hư tật xấu của anh. Nhưng chỉ sáu tháng sau nàng sẽ nói với bạn: bản lĩnh của anh ở đâu mà chỉ mỗi việc bỏ thuốc lá cũng không làm nổi. Tôi thật sai lầm khi chọn anh. Bạn là nhân vật được chọn giữa một rừng những kẻ hào hoa phong nhã và bạn hãnh diện? Rồi bạn sẽ thấy nàng suốt ngày tỏ ra cay đắng vì có mắt như mù, sao tôi có thể vớ phải anh kia chứ?

Một anh chàng ăn nói có duyên, có vẻ ngang tàng, nhiều tài vặt khiến nhiều cô gái phải lúc lắc trái tim theo mỗi bước đi? Đợi đấy, có thể chàng phải mang gương mặt dúm dó thảm hại sau vài cú va đập với đời sống, chẳng bao giờ dám nhìn vào mắt vợ và nhìn vào những hoa đơn tiền nhà, tiền gas, tiền điện, tiền học của con. Khi chàng tiếc nhớ hào hoa ngày cũ và nàng tiếc nhớ những năm tháng các đại gia vo ve xung quanh. Ấy là lúc thề nguyền bay tuốt luốt.

Bạn đang đong đưa vài cuộc tình thì hãy coi chừng ngày 14-2. Nếu nàng biết địa chỉ, số điện thoại cơ quan, lịch làm việc thì chỉ vài cái test nhỏ là nguy cơ bại lộ sẽ rõ. Để tránh bị lộ, bạn có thể xin nghỉ phép vào ngày ấy để dẫn cô A đi chơi và từ bưu điện nơi bạn du hí, gửi về cho cô B một thúng hoa hồng, nói với nàng dù đang đi công tác xa nhưng lòng anh chỉ hướng về em. Chỉ có thế mới mong thoát hiểm để mà đu đưa tiếp tục.

Đâu gần 20 năm trước, trong một đêm thơ sinh viên, Bố cu Hưng nghe một tay sinh viên Sư phạm ốm nhách tên là Lý Thành Tâm gập người đọc thơ: “Em là rêu còn ta là lăng tẩm/ em tốt tươi ta loang lổ không màu/ Cấu xe nhau để bám víu vào nhau” và hắn kết luận: “Em tồn tại với thời gian ta lần hồi đổ nát/ rệu rã rồi vẫn không muốn rời em”...

Ờ , khi nhận ra bản chất của nhau mà vẫn kiên trung như thế thì may ra mới hạnh phúc được, mới ngày nào cũng Valentine’s day.

Thực ra, dù nói thế nào thì vẫn có hàng tỷ người mong chờ đến ngày này, và hàng tỷ người lo lắng vì cái ngày này. Một ngày tác động tình cảm, tâm lý của hàng tỷ người thì dĩ nhiên đó phải là ngày quan trọng.

Vì thế, Valentine’s day cứ tồn tại mãi.

Xem phản hồi trên ngoisao.net

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

Ngã oạch vào mùa xuân


Trước tết, những bản kế hoạch dở dang đã được xếp lại nhường chỗ cho những trận nhậu. Ra giêng tháng rộng ngày dài hẵng làm, lo gì, ta nghĩ thế.

Và giờ đây phải ngồi gỡ từng mối trong những xấp tài liệu ấy. Ý tưởng này rối vào ý tưởng kia, tư liệu này xiên xọ qua tư liệu khác. Phờ phạc mấy ngày qua trong tiết tháng giêng.

Đống quần áo bẩn đầy trong máy giặt và giỏ đựng nhắc nhở ta về nghĩa vụ của mình. Phải bấm nút máy giặt trước khi đi làm và sau khi trở về, rồi phơi phóng...

Con Lu lấm lem sau những ngày tết gửi ở nhà hàng xóm. Lôi nó ra tắm khi máy giặt đang chạy, lại nhớ là phải nhấc điện thoại gọi thú y vì đã đến ngày chích ngừa ký sinh trùng.

Bật bếp nấu nước sôi súc chai lọ, lửa cháy đỏ quạch và leo lét. Hết gas rồi. Cửa hàng gần nhà nói anh chịu khó qua chở vì nhân viên vẫn còn ở quê ăn tết.

Vách tường phòng khách đầy vết hoen, mấy ông bạn đến nhà chơi tay dính tàn thuốc bôi đầy lên đó. Lệ mệ xà phòng và nước ra rửa. Riêng cái chỗ tường bị hắt rượu chát vào thì bó tay, như một tác phẩm nghệ thuật, nhưng không có khung.

Mệt đứ đừ, nhớ là chưa mail báo cáo công tác cho sếp. Mạng báo connect nhưng không vào được. Hỏi trung tâm hỗ trợ khách hàng thì được trả lời vì quá hạn đóng cước ADSL, nó cắt rồi.

Bảo hiểm gọi đóng tiền. Năm ngoái ăn tết xong vào là tới hạn lĩnh lương. Năm nay hết tết còn phải chờ 20 ngày mới tới kỳ lương. Tiêu hết rồi, lấy đâu ra mà đóng đây?

Vợ con đang đi chơi, nấu tạm cái gì mà ăn vậy. Thực phẩm đầy trong tủ nhưng đông đá hết, rau không còn một cọng. Lỗi là tại ta, vợ nhắc mua rau mà nói trữ làm gì, mấy ngày tết chợ bán đầy. Ờ, chợ bán nhưng ta không đi chợ. Hic!

Nấu mì gói vậy. Thằng em vợ nói tết anh đi nhậu, em ở nhà ăn hết mì gói rồi.

Tổ dân phố gọi đóng tiền tu sửa công viên, sờ ví không còn xu nào bèn alo cho vợ hỏi cái thẻ ATM còn tiền không. Vợ nói còn , mừng húm. Hỏi em để thẻ ở đâu, nói trong tủ, nhưng em đổi pass rồi. Nói đọc pass mới dùm anh, nói em quên rồi, em ghi trong cuốn sổ. Hỏi cuốn sổ để đâu, rằng em để ở văn phòng. Chờ 16 âm lịch em đi chơi về khai trương văn phòng rồi em lấy cho anh.

Trời đất sang xuân còn ta ngã oạch vào mùa xuân.