Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2009

Bảnh như Obama (lời cu Hưng)

Tớ thấy báo chí dạo này hết cái để đăng, những cái chuyện Obama làm được thì tớ cũng làm được, có gì đáng đăng báo? Chỉ là tớ chưa làm được tổng thống thôi, vì còn bé quá. Nhưng chờ tớ lớn đã, biết đâu đấy!

Còn những chuyện dưới đây thì các cậu thấy tớ có thua ông ấy tẹo nào không nhé.

1. Hồi nhỏ ông ấy được công kênh, nhưng ông ngoại của Obama chắc chắn yếu hơn bố tớ. Bố tớ còn công kênh tớ cả một buổi chiều trên đồi cát.


2. Đi xe đạp một mình có gì là khó? Ngay khi còn học mẫu giáo, tớ thậm chí còn chở bạn gái đi chơi mỗi buổi chiều.

3. Nhưng chúng tớ (tớ và Obama) giống nhau ở chỗ ăn uống rất đơn giản, sữa chua, bánh nướng và nước hoa quả là xong bữa. Chỉ ghét một chuyện là nếu ăn sáng ở nhà hàng, chúng tớ luôn bị những tay săn ảnh quấy rầy.

4. Hồi bé chúng tớ đều được cưng như nhau

5. Bơi là sở trường của cả hai chúng tớ

6. Sơn tường là chuyện vặt, vẽ tranh mới là chuyện lớn.

7. Thổi nến thì ai cũng làm được, chỉ cần có bánh sinh nhật và nến

8. Thật ra cách vẫy tay với công chúng thế này, tớ đã rành từ hồi còn ở truồng. Nhưng tớ biết rằng nếu chỉ vẫy tay không thôi thì không thể tạo nên sự thay đổi cho thế giới hay cuộc đời mình.

Vậy đấy, nên các cậu cứ tin rằng nếu cố gắng, chúng ta đều có thể làm tổng thống. Cái khó nhất là nước mình không có chức tổng thống thôi!

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2009

Thư Xuân Bố cu Hưng gửi các em gái

Sài Gòn ngày 30-1-2009 (tức mùng Năm Tết Kỷ Sửu)

Các em gái thân mến!

Trong không khí hân hoan mừng xuân mới Kỷ Sửu, Bố cu rất vui khi được tin rằng năm qua các em đều cố gắng chăm chỉ học hành, làm việc và làm đẹp. Tuy nhiên vẫn còn một số em chưa ngoan. Hoặc chẳng chịu làm gì, hoặc chỉ làm đẹp và làm...gì đó mà không chịu học hành, làm việc. Mong rằng năm mới các em sẽ cố gắng chăm chỉ để đều giỏi giang, xinh đẹp và có tiền. Có như thế, các em mới có thể chăm sóc gia đình, báo hiếu cha mẹ và thỉnh thoảng share tiền cà phê với Bố cu.

Các em gái yêu quý!

Năm 2009 đã đến cùng với những dự báo là một năm có nhiều khó khăn về kinh tế, nhiều thách thức về thị trường. Vì vậy ngay từ bây giờ các em phải xác định cho mình một lối sống và lao động đúng đắn.

Thu nhập có thể suy giảm, một số em có thể thất nghiệp, trong khi giá son phấn, mỹ phẩm và thời trang không có dấu hiệu chững lại. Vì vậy các em nên thi đua tiết kiệm, tiêu xài hợp lý. Các em gái nông thôn nên làm đẹp bằng thảo dược, cây nhà lá vườn như chanh sả bồ kết, rẻ mà không dị ứng. Các em gái ở thành phố đừng tha về nhà cả đống dùng không hết, cái nào cần mới mua.

Riêng các em bị thất nghiệp do thiếu tay nghề, mất việc khi doanh nghiệp cắt giảm lao động thì hãy cố gắng hoặc tìm việc mới, hoặc về quê phụ ba mẹ tăng gia sản xuất và học nghề. Không nên ở lại thành phố vì chi phí tốn kém, nhàn cư vi bất thiện rồi túng thiếu và sa ngã.

Được như thế, không những Bố cu yên tâm mà ba mẹ các em cũng vui lòng.

Với những em sắp hoặc muốn có chồng, cố gắng tìm hiểu cẩn thận từ gia cảnh đến hầu bao và nghề nghiệp người yêu. Tức là nên chọn con nhà có giáo dục (dù chỉ là giáo dục đến bậc tiểu học, giáo dục thường xuyên...). Tìm hiểu xem chồng chưa cưới có nghề nghiệp đàng hoàng không, có bị công ty sa thải không. Như thế thì dẫu không tìm được chỗ nương dựa, các em cũng có quyền tin rằng mình không cưới chồng để...nuôi chồng.

Với các em đã từng có chồng, cố gắng rút ra một số bài học kinh nghiệm sâu sắc về tình yêu, cuộc đời để mai sau có thể tái tạo một gia đình mới đàng hoàng hơn, to đẹp và đầm ấm hơn.

Với các em đang có chồng, hãy cố gắng gìn giữ hạnh phúc. Tuy nhiên nếu chồng quá tệ, nên can đảm và thận trọng nghĩ đến chuyện ly dị.

Với các em không có hy vọng có chồng, thì phải thật tự tin và lạc quan. Từ kinh nghiệm của nước Mỹ các em phải rút ra bài học cho mình. Sự kiện ngày 11-9-2001 đã chứng minh nước Mỹ không hề bất khả xâm phạm. Còn chiến thắng của Obama vừa qua đã cho chúng ta thấy rõ cái gì cũng có thể xảy ra, kể cả những điều kỳ diệu nhất. Miễn là chúng ta có niềm tin.

Nếu các em quá xấu, hãy tự tin rằng còn có người khác xấu hơn.

Nếu các em nghĩ rằng mình xấu nhất, hãy tự tin rằng thế nào cũng tìm được một đứa xấu bằng mình để cưới.

Với các em không muốn lấy chồng: bằng những gì đã biết, Bố cu nhắn gửi rằng điều các em đang nghĩ là sai lầm lớn nhất mà một người phụ nữ có thể mắc phải !

Với niềm tin ấy, Bố cu tin rằng tất cả các em sẽ bước vào một năm mới với những cảm xúc lớn nhất, những hy vọng mãnh liệt nhất và sẽ thành đạt ở mức cao nhất có thể.

Hôn các em thắm thiết.

Bố cu Hưng

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009

Tết ở cù lao

Tết SG vắng hoe, xong ngày mùng một, mùng hai cả nhà về ngoại.

Thích nhất là những lối đi quanh co trong vườn, đất bồi phù sa mát mịn dưới chân, những lối đi men theo bờ dừa nước mát rượi.
Mương dẫn nước từ sông vào, đang lúc nước ròng.

Buổi sáng mặt trời vừa lên, chưa thấy ánh nắng trong vườn, nhưng nắng đã nhuộm vàng những ngọn dừa cao.
Cả trăm gốc mai trước sân, quanh vườn, búp nhiều nhưng mùng ba mới nở lác đác, dù cả nhà đã lảy lá mấy ngày trời. Ngoại nói vài hôm nữa thì chỉ thấy một màu vàng rực quanh nhà. Nhưng tiếc quá, ngày đó thì cả nhà mình phải đi làm, đi học hết rồi, làm sao mà về ngắm.

Bưởi chín đầy cành bên hiên nhà.

Cam thì mới hái bán nhưng cũng còn sót lại vài cành trái chín.

Bờ rào dâm bụt đơm bông.

Những con mương trong vườn, đào để lấy đất bồi vườn, vài tháng thì phù sa lại lấp đầy . Ngoại tát mương bắt tôm nhưng để dành cho anh em cu Hưng một khúc mương nhỏ.

Trên đời này không gì dễ bằng bắt tôm càng xanh, hồi xưa mỗi lần muốn nhậu, ngoại rủ mấy ông hàng xóm ra sông lặn một hồi là có tôm nướng. Giờ già, không lặn nữa thì bắt tôm trong vườn. Chờ nước ròng, tháo cạn nước, lội một hồi là lũ tôm trồi râu lên thở, cứ túm râu mà bỏ vào rổ.

Sau mười lăm phút ở khúc mương nhỏ thì bắt được chừng này tôm.

Hưng xí phần con lớn nhất, nhưng không dám bắt vì sợ nó kẹp. Cậu ta nhờ bố bắt dùm.

Nhưng tiếc rẻ chưa muốn xử lý ngay nên thả vào chậu để cho nó bơi.

Cậu ba thảy trước mấy con vào bếp than, bà ngoại thì làm gà.

Sau một cuộc điện thoại thì bố có đối thủ là ông Tư tới nghinh chiến. Ông Tư cười rất tươi sau lưng bác tài xe ôm.

Mồi đã sẵn sàng. Rượu đế Phú Lễ uống tới đâu biết tới đó.

Rồi say mất. Chiều bố về thành phố một mình để mai đi làm, ngang qua bến đò đầu chợ cù lao, thấy nhớ hai thằng cu và long thì vẫn đang thèm tết quê.

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng buồn quá chừng.

Đường về vắng hoe. Người ta còn bận ăn tết và say suốt mấy ngày xuân.

Qua cầu Rạch Miễu. Quê nằm sau lưng, cù lao nằm sau lưng.

Hai nhóc ở chơi với ngoại đến hết Tết nhé. Bố về trước để mai lại cày cuốc rồi!

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2009

Năm mới

Năm mới!

Mai chi chít nụ nhưng mấy đợt rét nên nở muộn, ba cội mai nở cách quãng. Tết sẽ dài hơn, xuân dài hơn và vui nhiều hơn.

Chiều 24 xong việc, tối lên xe về quê. Trên đường về nhà ghé ngang nhà cũ. Chiều tôi đi chợ mai, vác về một cành. Cái gốc to xù xì đã mục, mấy cành khẳng khiu trồi len, nhưng bông rất tươi.


Đưa cu Hưng đi thăm mộ bà cố, hai bố con thắp hương cho bà, cho cả thằng bạn cùng lớp, nằm cách bà có mấy bước.
Tàu vào SG muôn mấy tiếng, cả nhà vạ vật đến quá nửa đêm ở sân ga chờ tàu.

Chiều tất niên, bữa cơm cuối năm xong châm bình trà, nhớ lại một năm nhiều biến cố. Nhớ nhiều thứ, mong ước thì đơn giản: sức khỏe và bình an cho mình và những người thương yêu, công việc nhiều niềm vui hơn...

Giao thừa, điện thoại nghẽn mạch, pháo hoa tưng bừng. Khấn gia tiên, đốt một lư trầm, gửi và đọc tin nhắn.
Sang xuân rồi. Bắt đầu một ngày mới, một năm mới....

Hy vọng nhiều, chăm chỉ làm việc...

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2009

Phà xưa, nước dừa và ấp văn hóa

Tết này, cu Hưng và cu Nghĩa về quê ngoại sẽ không đi qua phà Rạch Miễu nữa. Cây cầu dây văng sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian chờ phà, thời gian qua sông. Cu Hưng sẽ hỏi con phà ngày xưa đâu. Ừ thì nó sẽ đến một vùng sông nước nào đó để đưa khách, chỉ còn lại cái bến từ Mỹ Tho qua Tân Thạch.


Mỗi cuối tuần đưa Hưng về quê, ngang phà, thế nào cũng gặp một xe đón dâu. Nghe kể Bố ngày xưa đi đón mẹ cũng trên một chuyến phà như thế, Hưng cười hỏi thiệt hôn. Nhớ hồi Hưng ba tuổi, lật allbum hình cưới, coi cho đã, tự nhiên khóc váng lên: "Đám cưới bố mẹ, bố mẹ rủ nhau đi mà không mang Hưng theo. Không có cái hình nào của Hưng trong đám cưới hết!". Ờ, khóc nữa đi. Nếu hồi đó mà có mày, thỉ chỉ có đám thú phạt chớ làm sao có đám cưới.


Ngang phà cả trăm bận, nhưng chuyến phà cuối cùng, mình không về để chia tay nó. Đất nước này có hàng trăm bến phà, nhưng Rạch Miếu đặc biệt ở chỗ nó nối Bến Tre với phần còn lại của thế giới. Bến Tre là ba cái cù lao bị chia cắt bởi các nhánh sông, không dính với đất liên chỗ nào hết. Phà Rạch Miếu phá cái thế đảo ngàn năm ấy.


Với lại, bến phà này đặc biệt ở chỗ, nó là con phà dẫn về quê ngoại cu Hưng, nơi có vườn dừa cu Hưng đã sống những năm mới ra đời. Ở đó nhièu tôm càng xanh, nhiều tép bạc đất (làm tôm khô ngon cực).


Sáng mai, những chuyến phà Rạch Miễu thành ký ức. Những đứa trẻ sau này lớn lên sẽ không còn cảm giác chờ đợi sang sông. Có thẻ người dân xứ dừa khi nhắc chuiyện trong quá khứ sẽ nói câu: "Xưa như phà Rạch Miễu"... Hoặc nhắc cái gì của hôm nay trở về trước, sẽ nói: "Chuyện đó xảy ra hồi còn phà Rạch Miễu..."


Còn Bố cu sẽ nói với tụi nhóc rằng: Tao mất đời trai từ hồi con phà Rạch Miễu đang còn.

Hổng tin coi nè


Hồi đó đẹp trai hết sức, nhưng mặt nổi mụn. Nghe bác sĩ nói mụn thì uống nước dừa vô sẽ đẹp trai nên dẫn một đoàn về Bến Tre tìm nước dừa.



Rồi bị cô chủ vườn dừa dụ: anh mà lấy em, em cho uống nước dừa cả ngày, cho ăn cơm dừa nữa. Ngờ đâu dụ xong rồi bắt xách nước tưới dừa cả ngày, mà mặt vẫn nổi mụn. Nước dừa thì thỉnh thoảng uống, nhưng mấy ông chú, mấy ông dượng vợ bắt uống rượu cả ngày.


Vì thế, năm năm sau thì biến thành ông chủ vườn dừa, trong một buổi sáng cuối thu như vầy nè


Thằng Tiến Hùng cầm khay trầu rươụ làm chú rể phụ, vừa đi vưà cằn nhằn: "Bộ muốn có nước dừa uống thường xuyên thì phải đi bộ hai cây số vầy hả mày?". Còn thằng K'lu và mấy đứa phù rể đã dược dặn phải bưng quả nhưng mỏi chân mỏi tay quá nên đội hết lên đầu.

Có đoạn xe đón dâu bị một chú tài xế xe lu uống rượu sần sần chặn lại, chắn ngang đường. Thằng Diệp mập đã tính chạy ra chơi mấy chưởng nhưng chú rể đẹp trai ngăn lại, đưa cho chú tài xế xe lu mấy chục ngàn để đi làm tiếp công cuộc uống rượu đang dang dở. Chú cười rất tươi và chúc trăm năm hạnh phúc

Nhưng không vì nước dừa mà bỏ qua các tiêu chí khác của vợ và quê vợ. Bằng chứng là năm năm sau, khi ấp Hưng Long đã được công nhận Ấp Văn Hóa, Bố cu mới đồng ý rước dâu

Thằng Tiến Hùng nghe kể lại, khoái quá, cười tươi như chính nó được đi cưới vợ

Kwan nghe xong cũng gật gù: "Phải rồi, cưới vợ là ơphải cưới con gái ấp văn hóa". Hôm đó kwan say quá trời

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

Sáng mai cúng ông Táo

Cây mai trên sân thượng ra bông đầu tiên

Nhà vắng hoe, cu Hưng và cu Nghĩa theo mẹ về quê thăm nội từ sáng. Một mình ở lại tiếp tục đi làm và dọn nhà, giặt rèm cửa. Nghĩa vụ thiêng liêng là cúng ông Táo vào ngày mai.


Ở quê thường cúng tiễn ông Táo ngày 22 tết, nhưng từ khi vào Sài Gòn lại cũng ngày 23. Từ đó suy ra rằng ở Sài Gòn thì đi lên trời gần hơn miền Trung một ngày đường.


Hồi đó, năm nào BCH cũng cúng ông Táo dùm mẹ. Năm năm Đại học ở SG khi nào cũng về nhà trước ngày tiễn ông Táo. Mười mấy năm nay đi làm, chưa năm nào về đúng ngày 22 tết. Rồi gần chục năm nay, luôn vắng mặt trong những bữa cơm giao thừa ở quê. Một cái tết đi hai ba nơi. Về nội, về ngoại, ở SG. Cuối cùng những ngày nghỉ là những ngày phải di chuyển liên tục.


Định đi mua cá chép, nhưng rồi chỉ đốt vàng mã, đồ ông Táo, cúng bánh khô hoặc xôi chè. Nếu cho ông Táo đi bằng phương tiện cá chép, e rằng thả từ kênh Nhiêu Lộc, chưa ra tới sông Sài Gòn thì cá đã chết vì ô nhiễm, làm sao ông lên trời?


Cũng bảy năm rồi chưa về quê tảo mộ bà, chưa về dưới ngoại quét mộ. Mộ ở miền tây thường chôn trong đất nhà, tảo mộ chỉ là dọn cỏ, quét vôi. Cả xóm làm chung một ngày. Trưa trưa, sẽ thấy nhiều ông chân nam đá chân chiêu băng qua ranh đất, mương vườn, từ nhà này qua nhà kia nhậu. Say tới hết tết.


Mai ở nhà bắt đầu ra nụ. Sáng sớm châm bình trà ngó ra hiên nhà trời lạnh, nhìn mấy cành mai cũng thấy thích. Huệ tây dâm trong chậu cũng bắt đầu lên mầm. Lạnh vầy, có khi sắp hết tết mới có bông chơi.

Tết đến rồi....

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

Không phải Bố cu nhé!

Sáng nay nhận SMS hỏi cái blog này có phải của Bố cu không. Bèn vô xem và nói rất không phải.


Vô xem thử thì thấy người làm blog cũng không nhân danh mình để làm gì sai. Nhưng họ chỉ post mấy chục bài. Bài và hình ảnh thiếu rất nhiều, không cập nhật. Chẳng biết là ai làm với mục đích gì. lại còn đặt cho nó cái tên "nhật báo Đức Hiển", nghe rổn rảng quá. Bố cu có làm báo trên blog đâu, dăm ngày mới viết một entry, mấy ngày mới thay blast một lần.


Nhưng dù sao thì cũng xin nói rõ đây không phải là blog của Bố cu Hưng, Bố cu không có password của Blog ấy. Nói trước để không chịu trách nhiệm về nội dung của blog này.


Nó đây, nhưng nó không phải là Bố cu Hưng nhé!

http://bocuhungblog.blogspot.com/


Thứ Ba, 13 tháng 1, 2009

Rụng rời nhận trát ngân hàng

Sáng vô Tòa soạn, nhận được cái công văn hỏa tốc của ngân hàng Á Châu. Không biết là vụ gì nên lấy làm lo lắng. Ta chưa bao giờ nợ nần với ACB, chẳng nhẽ mẹ cu Hưng mắc nợ nên cuối năm ngân hàng gửi giấy đòi tiền. Mà nếu thế sao không gửi giấy về nhà? Bụng đánh lô tô, bà xã mà mang giấy tờ nhà đi thế chấp thì phen này gay go.


Hay là mời họp? Cả đời cũng chưa viết chữ nào về kinh tế, ngân hàng hay chứng khoán, nên chẳng có liên quan gì để họ mời họp báo. Chắc có nhầm lẫn chi đây.

Nhưng chắc là khẩn cấp lắm nên ngân hàng mới gửi công văn hỏa tốc. Thôi thì cứ bóc ra đại. Nhỡ có gì chắc phải nhờ Kwan, nghe đâu Kwan có bạn làm to bên ấy.

Bóc ra, hú hồn. Là thư mời chiều nay đi nghe nhạc sến.

Chương trình do kwan làm MC

Nhạc sến hỏa tốc!

P/s: Đọc xong bèn lấy làm hân hoan, vì tuổi thọ người Việt nam đã được cải thiện đáng kể, ở vào hàng nhất thế giới. Bởi MC được giới thiệu là TRẺ TRUNG VUI NHỘN, nay đã tuổi U...quá chừng mươi. Kwan mà trẻ thì VN đâu có ai già!