Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

Sự bình dị của Bố cu

Nhân gian lúc này nhiều đứa xấu. Trời nóng thế này, thấy Bố cu Hưng ngồi trong phòng cả ngày, nó nói Bố cu Hưng thích ngồi phòng máy lạnh.


Thật sự BCH rất muốn dãi dầu gió nắng cho gần với nhân dân cần lao, BCH sẵn sàng từ giã cái phòng máy lạnh này trong một thời gian dài để phơi nắng cả ngày ngoài resort Mũi Né, lặn ngụp ngoài biển để thấu hiểu nỗi khổ của ngư dân. Sẵn sàng từ bỏ những bữa cơm trưa văn phòng đóng hộp để ăn những món dân dã như cua ghẹ hay tôm nướng với than củi, chấm muối hột ớt xanh, bên bờ biển, khói một tí cũng được.


Thấy BCH đi công tác bằng ô tô, chúng nó nói BCH thích hưởng thụ. Thật sự BCH sẵn sàng đi từ đây ra Hà Nội trên một chiếc thuyền buồm chạy chậm như rùa. Bố cu chịu khổ cỡ nào cũng được.


Nó nói BCH cả ngày chỉ lo ngủ, thật ra, Bố cu có khả năng thức bạc mặt trắng mắt ở quán bar. Chúng nó cứ nhìn hiện tượng mà xét bản chất nên sai tuốt.


Nó còn nói Bố cu thích ở nhà lầu. Cái này mới là bậy. Bây giờ ai đổi cho Bố cu một mảnh vườn ở quận 1, BCH đổi ngay. Ngày qua ngày nuôi gà, cuốc đất, trồng rau, sống cuộc sống điền viên an bần lạc đạo. Một mái lều tranh với vài ba công đất vườn ở phường Bến Thành, Bến Nghé hay Phạm Ngũ Lão cũng được. Mặc kệ ngoài kia xe cộ ngược xuôi. Mơ ước của Bố cu rất chi là bình dị.


Có đứa còn nói Bố cu thích sản phẩm công nghiệp, ăn đồ hộp cho giống tây. Trời ạ, oan ức vô cùng. Bố cu chỉ thích những loại thắt lưng, ví da, giày khâu bằng tay, cho dù nó chẳng giống ai, không có cái thứ hai trên thế giới. Khi xài những thứ đồ đó, Bố cu sẽ nhớ những mụn vá trên vai áo năm xưa mà bà ngoại và mẹ tỉ mẫn mỗi ngày.


Giá mà những kẻ hay thêu dệt ấy biết rằng Bố cu là người hoài cổ, không bao giờ học đòi. Cụ thể là chiều hôm qua Bố cu còn định đổi cái tivi màu hiệu Sony mới xài có mười năm lấy cái máy quay đĩa nhựa sản xuất năm 1946 với hơn trăm bộ đĩa, mà thằng kia không chịu. Dù Bố cu hứa không bắt nó bù tiền.


Cũng với tinh thần tiết kiệm ấy, Bố cu không bao giờ vứt đi những thứ đồ còn dùng được. Chén bát ăn cơm ở nhà nhiều chiếc đã cũ vì được sản xuất nhiều trăm năm trước, có nhiều chén dĩa từ thời Hạ, Chu, Thương, ... bố cu vẫn giữ. Bố cu để hẳn một tủ đồ cũ như thế ở phòng khách để hai đứa con mỗi ngày nhìn vào mà học cái đức tiết kiệm của bố nó.


Còn lòng từ tâm của bố cu thì bao la. Nhiều năm nghe nơi này nơi kia lũ lụt, bà con cực khổ, các em gái mới lớn phải bỏ quê lên thành phố kiếm cơm, Bố cu rất xúc động. Bầu bí còn thương nhau huống chi con người tóc đen máu đỏ da vàng. Cứ hết giờ làm là bố cu lặn lội tìm đến những nhà hàng nơi mấy em đó kiếm việc làm. Hỏi rằng có phải quê em vừa qua lũ lụt mất mùa không. Rồi bố cu cho mỗi em mấy trăm ngàn để gửi về quê, không quên hát một hai bài cho mấy em nghe để quên bớt cái buồn xa xứ. Bố cu tâm niệm mình làm từ thiện phải trao đúng địa chỉ, nên gửi hẳn cho các em nhờ chuyển cho ông bà già các em.


Vì vậy bây giờ nhìn lại, Bố cu thấy mình là người bình dị, tiết kiệm, yêu thương đồng loại. Hít khói Sài Gòn 20 năm mà cái gốc nhà quê vẫn giữ, như giữ những cái chén ăn cơm có niên đại nhiều thế kỷ. Và khi Bố cu ở giữa Sài Gòn mà vẫn mơ một mảnh vườn để trồng rau nuôi gà, thì hãy tin rằng hương đồng gió nội vẫn còn nguyên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét