Một văn thư hội tụ chữ ký của nhiều nguyên lãnh đạo cao cấp, chuyên gia kinh tế vừa được gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất đề nghị dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên. Quốc hội, một lần nữa được kêu gọi "thể hiện thái độ rõ ràng".
>Sự cố bùn đỏ Hungary là cảnh báo với bô xít Tây Nguyên
Công trường tại dự án Nhân Cơ, Đăc Nông. Ảnh: SGTT. |
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế như Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, Giáo sư Hoàng Tụy... cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác, đã ký vào văn thư kiến nghị này. Nội dung khẩn thiết yêu cầu các vị lãnh đạo cao nhất ra quyết định ngừng việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý.
Bên cạnh đó, trong thư còn có kiến nghị tạm hủy dự án đang đàm phán với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông và đình chỉ việc triển khai toàn bộ dự án hiện thời liên quan đến khai thác bô xít ở Tây Nguyên.
Những người cùng ký tên vào lá thư này còn đề nghị lập nhóm nghiên cứu độc lập để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô xít Tây Nguyên. "Kết quả nghiên cứu cần được trình bày trước Quốc hội, đồng thời đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước để đưa ra quyết định".
Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary ngày 4/10 với nhiều hậu quả nặng nề cho nước này là nguyên nhân quan trọng khiến khiến nhiều nhân vật có tiếng tăm kể trên cùng ký vào thư kiến nghị. Theo bức thư này, sự cố bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.
Sau khi có bức thư kiến nghị nói trên, đại biểu Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị về vấn đề cũng liên quan đến bô xít Tây Nguyên. Ông Quốc cho rằng, Chủ tịch Quốc hội "cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân về vấn đề bô xít Tây Nguyên; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng".
Trao đổi với VnExpress.net, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông không có kiến thức chuyên môn về vấn đề bô xít Tây Nguyên nên không vội vã đề nghị ngừng ngay dự án. "Việc dừng hay tiếp tục phải dựa trên các quyết định, đánh giá mang tính khoa học, nhưng đây là một vấn đề cần phải bàn ngay tại Quốc hội để có được sự lựa chọn tối ưu", đại biểu này nói.
Khu vực sẽ được xây dựng hồ chứa bùn đỏ sau này. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Trong khi đó, trả lời báo chí tại Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên trong dự án bô xít là "an toàn". Tuy nhiên, do chưa vận hành, và để an toàn về mặt lý thuyết, Việt Nam sẽ "tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài về hệ số an toàn để xem xét kỹ lại 2 hồ bùn đỏ".
Về mô hình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định cẩn thận và sang khảo sát tại Brasil và Australia. Khu vực bùn đỏ của 2 nước này đã trồng cây được 20 năm, cây trên bùn đỏ sống tốt. Việt Nam đang làm theo mô hình của Brasil và Australia chứ không phải của Hungary.
Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường quốc gia cho hay, mức độ an toàn cho hồ bùn đỏ đã được hội đồng thẩm định quốc gia tăng lên gấp đôi. Khu động đất ở Tây Nguyên dự kiến tối đa là cấp 7 nhưng hồ đã được thiết kế an toàn cho cấp 9.