Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

'Việt Nam không giàu lên nhờ khai thác bô xít'

Trao đổi với VnExpress.net, nguyên Thứ tưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng sự cố bùn đỏ ở Hungary khiến những người phản đối dự án bô xít Tây Nguyên càng "nóng ruột" hơn.

- Là một trong những nhân sĩ ký đơn xin dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, trước hết cần đặt ra câu hỏi, không khai thác bô xít ở Tây Nguyên, Việt Nam có chết không? Câu trả lời là không. Việt Nam chưa giàu về kinh tế nhưng cũng không nghèo đến mức phải bán vội bán vàng mọi thứ tài nguyên mới sống được. Khi còn là một quốc gia nghèo, việc khai thác khoáng sản thô để bán cứu đói cho người dân thì không có gì đáng trách. Nay chúng ta đã là một nước có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có vốn, tài chính quốc gia không quá hạn hẹp đến mức phải cư xử với bô xít như vậy.

Thêm vào đó, vấn đề môi trường là một thách thức lớn. Khi khai thác cần có một không gian rất rộng, chúng ta phải bỏ đi hệ sinh thái ở Tây Nguyên để chứa bùn đỏ. Với một khối lượng bùn đỏ nằm chênh vênh ở trên Tây Nguyên là quá nguy hiểm. Nếu hồ chứa bùn đỏ bị vỡ sẽ dẫn đến việc rò rỉ hoặc thấm vào nước ngầm gây ra thảm họa môi trường rất lớn.

Ảnh: nguyễn Hoàng Lan
Bô xít Tây Nguyên không phải là vấn đề sinh tử của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Lan.

- Việc gửi một bản kiến nghị dừng trong khi dự án đã được triển khai là điều gần như không khả thi. Vì sao ông và các nhân sĩ không gửi đơn sớm hơn?

- Khi dự án lập báo cáo khả thi đã có nhiều ý kiến phản đối nên tôi không lên tiếng. Nhưng sự cố bùn đỏ xảy ra ở Hungary như một lời cảnh báo đối với Việt Nam. Chính sự cố này làm cho nhiều người cảm thấy "nóng ruột" hơn khi Việt Nam cũng đang khai thác bô xít. Thảm họa Hungary nhắc chúng ta rằng nếu không cẩn thận, Việt Nam có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đây là những kiến nghị rất tâm huyết mang tính chất xây dựng. Quyết định nghe theo hay không phụ thuộc vào các nhà quản lý. Tôi cho rằng, việc nói cho các nhà quản lý đầy đủ thông tin để ra quyết định đúng đắn là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả những người có thiện tâm với đất nước.

- Tại sao ông kiến nghị cần lập nhóm nghiên cứu độc lập để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô xít Tây Nguyên trong khi TKV đã đưa ra các luận cứ đầy đủ về dự án này?

- Tôi cho rằng, nếu chỉ tin vào TKV và một số đơn vị của Nhà nước thì đôi khi đánh giá có phần phiến diện. Điều này có thể dẫn tới những quyết định vội vàng, ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội.

Khi làm dự án, TKV được ngân sách đầu tư rất nhiều và đó là một cái lợi của doanh nghiệp. Chúng ta thấy rằng, vấn đề là đứng trên góc độ nào để nhìn cái lợi. Đứng trên góc độ doanh nghiệp hay đứng trên quyền lợi của dân tộc là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Chỉ khi có những khảo sát, tư vấn khoa học độc lập thì sức thuyết phục mới cao và khách quan.

- Khi xây dựng nhà máy đạm ở Cà Mau và nhà máy lọc dầu Dung Quất, rất nhiều người phản đối, nhưng đến nay các sản phẩm của hai nhà máy này đã được khẳng định trên thị trường. Ông nghĩ sao về một kịch bản tương tự sẽ xảy ra đối với dự án bô xít?

- Tôi cho rằng, đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Trước đây có ý kiến phản biện rằng đặt nhà máy lọc dầu ở Dung Quất là quá xa so với nguồn dầu, cũng như nhà máy khí điện đạm Cà Mau ở quá xa đường ống dẫn khí. Việc đặt đường ống xa làm cho giá thành vận chuyển cao hơn.

Nhưng tôi xin lưu ý cả hai trường hợp trên đều không ảnh hướng lớn đến môi trường tới mức sống còn như vấn đề bùn đỏ của dự án bô xít Tây Nguyên. Vấn đề môi trường của nhà máy lọc dầu và khí điện đạm chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được. Còn dự án bô xít, lo ngại nhất vẫn là bùn đỏ và có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn khi gặp sự cố. Ngay cả khi không có sự cố, bùn đỏ cũng có thể thấm vào nguồn nước ảnh hưởng đến môi trường.

- Ông nghĩ sao khi TKV và Bộ Tài nguyên Môi trường đều khẳng định dự án an toàn vì có thể chịu được động đất cấp 9 và xử lý bùn đỏ bằng cách chôn lấp rồi hoàn thổ?

- Chỉ có thể chôn lấp bùn đỏ nhưng không thể hoàn thổ được. Ngay cả chôn lấp, bùn đỏ có thể rò rỉ vào mạch nước ngầm. Động đất chỉ là một lý do làm vỡ đập hay hồ chứa bùn đỏ. Vật liệu làm đập có chất lượng không tốt có thể dẫn đến nguyên nhân làm vỡ đập và từ chỗ xung yếu nhất có thể xé toang ra gây hiểm họa lớn. Nguy hiểm hơn ở chỗ nếu vỡ hồ, thì không phải chỉ Tây Nguyên mà toàn bộ Nam Trung Bộ và Đồng Nai đều bị ảnh hưởng.

- Nếu Chính phủ lắng nghe và quyết định dừng dự án, ông nghĩ sao về những thiệt hại dự án phải gánh chịu khi đã bỏ ra hơn 400 triệu USD để đầu tư?

- 400 triệu USD không nói lên điều gì cả, vấn đề là tương lai chúng ta sẽ thế nào. Nếu triển khai dự án bô xít, thiệt hại có thể lên tới 1 tỷ USD và thậm chí là không thể tính được bởi nó ảnh hưởng tới môi trường sống còn của con người. Đừng nghĩ rằng, dự án đầu tư rồi thì xót ruột quá. Trước đây Trung Quốc rất chủ quan với đập Tam Hiệp thì bây giờ quốc gia này đã lĩnh đủ. Chúng ta đừng tính đến ngày hôm nay mà hãy nhìn xa hơn.

- Những người muốn triển khai dự án khẳng định, bô xít ở Tây Nguyên có trữ lượng thuộc hàng nhất nhì thế giới. Khai thác bô xít có thể làm giàu cho dân. Ông nghĩ sao?

- Không có dầu khí, Việt Nam có thể nghèo. Nhưng không có bô xít, Việt Nam không nghèo đi. Sản xuất ra alumina với khối lượng một vài triệu tấn một năm là quá nhỏ so với so với thị trường trên thế giới. Và hiện nay, nhôm cũng là một thứ vật liệu rẻ chứ không quá đắt. Nó không phải là khoáng sản có giá trị tăng cao.

Vậy thì hà cớ gì chúng ta lại đào lên trong khi vấn đề bô xít không phải là vấn đề sinh tử để dân tộc này tồn vong? Theo tôi, chúng ta đừng loanh quanh chấp nhận một tiên đề duy nhất là dứt khoát phải khai thác bô xít. Không ai nói Việt Nam có bô xít thì mới giàu, tôi tin chắc vậy. Chúng ta hãy chờ đợi khi công nghệ sạch hơn để không thải ra bùn đỏ và tôi tin rằng, con cháu chúng ta có thể làm tốt hơn thế hệ cha ông chúng rất nhiều. Tây Nguyên là vùng sinh thái gắn với đồng bào dân tộc. Chúng ta hãy để cho đồng bào dân tộc sống với tự nhiên của mình, đừng bắt họ phải gánh chịu hậu quả.

Trao đổi với VnExpress.net, Đại diện của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, tập đoàn đánh giá cao và xin ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhân sĩ về việc dừng triển khai dự án bô xít. TKV đang lên kế hoạch liên hệ và cử phái đoàn sang Hungary để tìm hiểu về cách xử lý sự cố cũng như khảo sát điều kiện địa hình bên đó. Ngoài ra, TKV cũng đang chào thầu để thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá lại toàn bộ dự án.

Hoàng Lan


0 nhận xét:

Đăng nhận xét