Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2008

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ VTV và Tổng đạo diễn Tùng Chi trả lời

Được biết, ngay sau khi có thông tin về bài viết trên blog của ông Nguyễn Anh Tuấn (Trường THPT Chuyên Bắc Giang) về chuyện “gian lận” trong buổi ghi hình cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tối 2/11/2008, ông đã làm việc nhiều lần với những người thực hiện buổi ghi hình ?

- Từ tối 19/11, sau khi biết chuyện (từ cộng đồng mạng, vì cho đến ngày đó tôi công tác ở ngoài Hà Nội nên chưa được báo cáo từ đơn vị), tôi đã tìm đọc bài viết của ông Nguyễn Anh Tuấn và khối lượng khá lớn các thông tin, ý kiến xung quanh bài viết đó trên Interrnet. Tôi nhận thấy đây là việc phải làm rõ ngay. Sau khi có hình dung khá rõ về dư luận, trong hai ngày qua, chúng tôi đã làm việc với các cán bộ làm chương trình, kể cả người phụ trách, người làm nội dung và người chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật của buổi ghi hình.Chúng tôi đã rà soát từng chi tiết các sự cố gây nghi ngờ trong buổi ghi hình đó để xác định nguyên nhân.

Cho đến giờ, các nguyên nhân được làm rõ là gì?

Các nghi vấn liên quan đến hai trường hợp trả lời câu hỏi của các thí sinh:

- Câu hỏi thứ nhất là trong phần Khởi động. Ở phần này trả lời đúng mỗi câu hỏi sẽ được 10 điểm. Riêng thí sinh Nguyễn Hoàng Hải có một câu hỏi không trả lời được, nhưng đã được cho cơ hội trả lời lại với một câu hỏi khác. Lý do là câu hỏi đầu đã trùng với câu hỏi được dùng rồi trong buổi ghi hình trước.Câu hỏi thay thế này thí sinh trả lời được, và do đó được 40/60 điểm. Nếu không được thay câu hỏi, điểm của thí sinh có thể chỉ là 30/60 điểm.

Về nguyên tắc, các câu hỏi dùng cho “Đường lên đỉnh Olympia” không được lặp lại để bảo đảm khách quan khi đánh giá kiến thức của thí sinh. Do vậy câu hỏi được dùng rồi – nhất là mới được dùng không lâu- không được có mặt trong các cuộc thi sau đó. Nguyên tắc này áp dụng không chỉ trong “Đường lên đỉnh Olympia”, mà còn trong nhiều trò chơi khác. Ví dụ trong “Ai là triệu phú", có một phần mềm tự động loại các câu hỏi dùng rồi ra khỏi ngân hàng các câu hỏi. Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” không có phần mềm hỗ trợ tương tự và phải lọc thủ công. Nhóm biên tập đã bỏ sót câu hỏi dùng rồi trong danh mục 86 câu hỏi sử dụng cho cuộc thi tối 2/11, và câu hỏi đó tình cờ rơi vào em Hoàng Hải. Đạo diễn đã quyết định thay câu hỏi bằng một câu hỏi khác có độ khó tương đương .

Đây là sai sót của nhóm làm chương trình. Sai sót đó là không chủ ý , nhưng khách quan mà nói, đã làm sai lệch 10 điểm có lợi cho thí sinh Hoàng Hải. Đây chỉ là vòng khởi động, 10 điểm trong cuộc thi hôm đó không có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của Hoàng Hải, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không gây ra ảnh hưởng nào đó đến kết quả thi. Vì ở đây còn có vấn đề tâm lý của thí sinh khác có thể bị ảnh hưởng.

- Câu hỏi thứ hai thuộc phần thi Vượt chướng ngại vật. Tại câu hỏi này sự cố đã nảy sinh khi trong lần bấm thứ nhất của các thí sinh, đạo diễn đã không xác định được ai là người có quyền trả lời đầu tiên. Sau đó buộc phải để các em bấm lại sau hiệu lệnh đếm ngược, nhưng cũng phải đến lần bấm thứ tư mới kết thúc . Đây là mối nghi ngờ lớn nhất của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, vì thầy cho rằng theo nguyên tắc, người bấm trước sẽ hiện tên lên màn hình, và không ai bấm sau được nối tín hiệu nữa, như vậy không thể có vấn đề phải bấm lại như vậy. Thầy Tuấn cho rằng có sự cố ý để Hoàng Hải được trả lời trước.

Về điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có sự nhầm lẫn: Đúng là hai năm trước đây, các thí sinh bấm nút thì chỉ có tín hiệu của người bấm đầu tiên được hiển thị, và đó là người được trả lời. Nhưng hiện nay luật chơi đã thay đổi được hai năm: Tín hiệu bấm của cả 4 thí sinh đều được truyền về máy chủ và hiển thị thành tên người bấm lên màn hình, đồng thời được ghi vào băng. Ai bấm trước thì tên người đó hiển thị trước, người bấm sau tên hiển thị thay thế tên trước. Trên màn hình sẽ dừng lại ở tên người bấm cuối cùng. Thay đổi này thực ra là để xác định trong một lần bấm thứ tự nhanh chậm của cả 4 thí sinh. Sau đó nếu người trả lời trước không đưa ra được câu trả lời đúng thì người kế tiếp được quyền trả lời.

Gặp câu hỏi nhiều thí sinh trả lời nhanh được, các tín hiệu bấm chồng lên nhau rất nhanh, bằng mắt thường khó xác định nổi. Do đó, đạo diễn thường phải dùng cách chạy ngược băng chậm từng khuôn hình để xác định tên nào hiện trước.

Sự cố đã xảy ra khi một thành viên của êkip làm chương trình do lỗi thao tác đã báo rằng chưa kịp ghi tín hiệu đồ họa vào băng, và nếu thế sẽ rất khó xác định ai bấm trước khi cả 4 thí sinh hầu như cùng một lúc bấm tín hiệu. Do đó đã buộc phải cho bấm lại theo hiệu lệnh của MC. Ở đây cũng có lỗi của MC khi tự ý nói “treo máy” (MC ở dưới studio và chưa kịp biết tường tận các chi tiết trên buồng đạo diễn).

Nếu có những nghi ngờ, tất cả những việc này có thể kiểm tra qua thực tế tham quan vận hành trên trường quay và xem băng gốc ghi hình cuộc chơi.

Nói tóm lại, các sự cố xảy ra xuất phát từ một số nguyên nhân mang tính kỹ thuật và sơ suất khâu chuẩn bị. Không có sự gian dối như ông Nguyễn Anh Tuấn viết.

Nhưng chúng tôi được biết, trong khi làm việc với nhóm làm chương trình, ông đã có những phê phán khá gay gắt ?

Có điều đó, nhưng không phải là về vấn đề liên quan đến thiên vị hay thiếu công bằng trong công việc của họ. Tôi biết những người chủ chốt của chương trình này không chỉ một năm. Họ là những người trung thực, nhiệt tâm, lăn lộn với công việc. Việc rà soát các sự cố cho thấy các nguyên do ở dạng khác. Chúng tôi đã thẳng thắn với nhau về những điểm sau:

- Tổ chức cuộc thi, phải tiến hành sao cho không có sự cố, hoặc nếu có thì ở mức hiếm hoi. Trong một chương trình mà có đến mấy thời điểm gặp sự cố thì đương nhiên công việc có lỗi, dẫu cho không phải là chuyện về đạo đức nghề nghiệp, mà là kỹ thuật tác nghiệp thì cũng có hậu quả không tốt.

- Cụ thể ra, thiết kế về kỹ thuật có vấn đề. Nó phục vụ đạo diễn, rõ ràng với đạo diễn, nhưng chưa có cách hiển thị kết quả rõ ràng, đơn giản, dễ theo dõi cho người tham gia chơi và người cổ vũ. Cần thiết kế lại để người ở Studio thấy rõ ràng kết quả như là người làm chương trình. Việc này cần có thời gian, nhưng phải tích cực làm.

- Khi có sự cố, cách xử lý, cách nói năng, giải thích chưa tốt, có những lúc giải thích chưa chính xác. Lẽ ra phải làm người chơi hiểu rõ, không căng thẳng, không ức chế. Nếu có sự cố kỹ thuật gây căng thẳng tâm lý cho người chơi thì cần bình đẳng thảo luận với thí sinh, với các thầy để thống nhất cách “làm lại từ đầu” thỏa đáng nhất. Như vậy mới là phẩm cấp chuyên nghiệp của người tổ chức trò chơi.

Nói tóm lại, điều mà tôi và các đồng nghiệp của tôi sau khi nghiêm túc tự kiểm điểm việc thực hiện cuộc thi tối 2/11, đã nhất trí là: Chúng ta không gian lận, hoàn toàn không một chút thiên vị ai, nhưng chúng ta đã để xảy ra sự cố, do cả lỗi đạo diễn, lỗi biên tập, lỗi của MC. Gian dối, thiên vị thì tất nhiên là làm sai lệch kết quả. Nhưng kể cả không có lỗi loại đó, mà lỗi có tính chất tác nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi. Cần kiên quyết nhìn nhận điều này, cần kiểm tra lại toàn bộ băng hình, họp với các cố vấn, hỏi ý kiến các trường, các em học sinh. Nếu do các sự cố đã xảy ra mà người thắng, người thua đều chưa thấy thoải mái, thì mục tiêu buổi chơi chưa đạt được. Trong trường hợp đó hãy kiên quyết hành động trên tinh thần cầu thị, kể cả tổ chức chơi lại buổi đó. Điều này không có nghĩa là tố cáo của ông Nguyễn Anh Tuấn về chuyện có “gian dối” là đúng, mà chỉ có nghĩa chúng ta sẵn sàng làm lại việc chúng ta đã làm chưa chu đáo vì mắc lỗi nghiệp vụ .

- Về các phê phán rất gay gắt của ông Nguyễn Anh Tuấn trên blog, ông có ý kiến gì?

Ở đây có hai vấn đề rất khác nhau.

Thứ nhất, như tôi nói, rõ ràng đã có sự cố. Mà có sự cố thì người ta có thể nghi ngờ. Các trường có học sinh dự cuộc thi, bản thân các em học sinh dự cuộc chơi, hay bất cứ ai khác đều có quyền chất vấn, đòi giải thích. Cao hơn nữa có thể khiếu nại, có thể nêu ý kiến của mình, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên các kênh thông tin khác. Sẽ là tốt hơn nếu ông Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp gặp người của chương trình tại Đài, gặp lãnh đạo đơn vị hoặc lãnh đạo Đài để làm rõ vấn đề. Chắc chắn chúng tôi sẽ rất chú ý lắng nghe ông hoặc bất cứ ai khác. Nhưng ông Tuấn không làm vậy mà đưa ra ý kiến trên blog cũng là quyền của ông Tuấn. Kể cả bây giờ, các bộ phận liên quan ở Đài sẵn sàng và muốn được trực tiếp làm việc với đại diện nhà trường, với ông Tuấn để cùng xem xét trên thực tế, thảo luận để làm rõ mọi nghi ngờ về chuyện có gian lận, cố ý thiên vị.

Thứ hai, các sự cố ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ra là có, nhưng trong các nhận định, kết luận, bình luận của ông Nguyễn Anh Tuấn trên blog (ông Tuấn đã xóa, nhưng ở môi trường Interrnet, bỏ điều mình viết đi không phải dễ như tờ giấy viết ra rồi vò xé vất đi là xong) có những cái không thể bỏ qua, mà cần có sự đối thoại nghiêm túc. Nó liên quan không chỉ đến danh dự của các cá nhân, mà danh dự của tập thể, của tổ chức, nó liên quan đến niềm tin của nhiều triệu học sinh về một sân chơi gần gũi với họ gần chục năm qua. Nó liên quan đến việc cộng đồng mạng- một sức mạnh dư luận ghê gớm- đã nhận được những thông tin và kết luận đúng hay không đúng từ ông đối với những người làm việc ở VTV. Chất vấn, yêu cầu phải xem xét các sự việc xảy ra là một chuyện, còn quy kết, lăng mạ lại là chuyện khác. Là một giáo viên, tôi nghĩ ông Nguyễn Anh Tuấn nên cùng chúng tôi xem xét nghiêm túc, thẳng thắn vấn đề này.

Nhưng trước hết, chúng tôi muốn ông Tuấn trực tiếp tham quan tại chỗ các quy trình kỹ thuật để kiểm định những thắc mắc, nghi ngờ cụ thể về các sự cố trong buổi ghi hình 2/11 ông đã nêu. Tức là theo khía cạnh thứ nhất nêu ở trên.

Xin cảm ơn ông!
Trích từ bài ông Nguyễn Anh Tuấn viết trên blog của ông Nguyễn Anh Tuấn(Trường THPT Chuyên Bắc Giang ):


Chương trình này quay để phát trong dịp Tết Nguyên Đán - Kỷ Sửu 2009, cho nên có sự giả dối ở đây là các cây hoa Đào và hoa Mai giả xếp quanh trường quay, thí sinh Hoàng Hải giả vờ là đang dịp… sinh nhật và nhiều điều giả dối còn… khốn nạn hơn thế!

Vòng khởi động, Chí Thiện và Hoàng Hiệp thi tốt đẹp, mỗi em được 40/60 điểm. Đến lượt “người Hà Nội” (NHN) thi thì đến câu thứ 4 em này không trả lời được, người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (VK) phán “Câu này đã phát rồi nên phải hỏi lại với câu hỏi khác…” - Một câu nói thật hết sức vô lý? Sau đó NHN cũng được 40/60 điểm…

Đến vòng thi ô chữ vượt chướng ngại vật thì sự khốn nạn đã lộ rõ…

VK nói “Các em bấm quá nhiều nên bị treo máy…” (?) Một câu nói rất vô lý, với một chương trình trí tuệ này không thể xảy ra điều đó, mà lại xảy ra ở trường quay của cái gọi là Đài THVN? Người ngu nhất cũng hiểu rằng nếu có một thí sinh đã bấm thì các thí sinh còn lại bấm cũng bằng… không .Phải chăng đây là sự cố ý của nhà Đài để làm những chuyện khuất tất?

Và cứ như vậy 3 lần anh chàng VK này nói như thế khi thấy trên màn hình là tên Hoàng Hiệp và Chí Thiện dừng lại? Anh ta còn dọa Hoàng Hiệp "Em có muốn thi hay dừng chơi, tôi nói là 5 giây bắt đầu mới được quyền bấm chứ…", một thái độ không thể chấp nhận được. Anh ta là cái quái gì mà cấm thí sinh dừng chơi?

Lần thứ 4 máy dừng lại ở chữ… Chí Thiện nhưng VK bảo Hoàng Hải đã bấm chuông (?). Chí Thiện thắc Mắc “Sao màn hình báo tên em mà anh lại bảo là Hoàng Hải”. VK trả lời không biết ngượng rằng “Tên em hiện lên là do em bấm… cuối cùng” (?) Người ngu nhất cũng hiểu rằng vậy là VK nói điêu, vì ban nãy anh ta bảo bấm nhiều treo máy và dọa thí sinh - điều không thể chấp nhận với một người dẫn chương trình, bây giờ bấm nhiều thì không treo máy (?) mà là… hiện tên người bấm cuối cùng. Vậy cứ cho là đúng đi thì làm quái gì mà biết được em nào bấm đầu tiên? Khốn nạn, khốn nạn hết chỗ nói! Hoàng Hải lại là người được xác định đã bấm trước:

Điều này thực sự đã gây hiểu lầm rất lớn về phía thí sinh Thiện và thầy Tuấn. Thực tế, hệ thống dựa trên nguyên tắc cả bốn đường tín hiệu người bấm nhanh hay chậm đều truyền đến phòng đạo diễn. Người chơi nào có tín hiệu trả lời trước, máy chủ sẽ nhận được và đồng thời sẽ hiển thị tên của người chơi đó trên đồ họa (tên người). Trong trường hợp hơn một người có tín hiệu trả lời Chướng Ngại Vật thì người nào trả lời đầu tiên sẽ hiện trước, người trả lời sau hiện sau và trên đồ họa sẽ dừng lại ở tên người gửi tín hiệu cuối cùng. Trong cuộc chơi 2/11/2008 Chí Thiện là người gửi tín hiệu cuối nên tên hiệu cuối cùng là của Chí Thiện.

Khi đó, thắc mắc của Chí Thiện đã được MC giải thích và cuộc thi tiếp tục cho đến khi hết chương trình và không có gì đáng tiếc khác xảy ra. Hiện, băng ghi hình gốc vẫn ghi nhận toàn bộ thứ tự tên xuất hiện.

Trong một cuộc tranh tài trí tuệ và căng thẳng như Đường lên đỉnh Olympia, từ trước đến nay, đã từng có rất nhiều lần tranh cãi, thậm chí là khiếu kiện liên quan đến Đường lên đỉnh Olympia. Tuy nhiên tất cả đều được tiến hành một cách công khai, bằng văn bản do người có thẩm quyền của trường có học sinh tham dự gửi đến và chúng tôi luôn trả lời trước công luận về các sự việc được nêu. Cuộc thi này khá phức tạp về chuẩn bị nội dung và về thao tác, phân định, nên nhóm làm chương trình không tránh khỏi các sơ suất. Chúng tôi thành thật xin lỗi người chơi cũng như tất cả mọi người vì những sai sót kỹ thuật hoặc sai sót về nội dung biên tập.

Đây là lần đầu tiên, trong và sau buổi ghi hình chương trình, ban cố vấn và những người thực hiện chương trình không nhận được bất kì phản ánh nào của các thí sinh, khán giả, các thầy cô giáo đại diện các trường mà một cá nhân dùng blog của mình để lăng mạ và vu cáo chương trình thiên vị, ăn “đôla” và xử ép thí sinh. Thậm chí, chỉ từ một sự việc bức xúc, thầy giáo Tuấn đã đưa ra những kết luận rất cực đoan về Đài Truyền hình Việt Nam. Tốc độ phát tán của bài viết này rất nhanh và tạo nên một luồng dư luận không tốt, thậm chí đã có nhiều diễn đàn kêu gọi tẩy chay chương trình, giới học sinh, giáo viên và khán giả rất hoang mang.

Ngay khi biết có bài viết này, nhóm biên tập đã liên lạc với hiệu trưởng trường chuyên Bắc Giang, thông báo việc thầy giáo Tuấn viết trên blog với lời văn lăng mạ chương trình, không đúng với thái độ cần có của một người dạy học. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường nếu như có bất cứ sự khiếu kiện nào, xin thông báo bằng văn bản để cùng bàn bạc. Thầy hiệu trưởng trả lời rằng không biết việc làm của thầy Tuấn nhưng xin lỗi chương trình và sẽ yêu cầu thầy Tuấn chính thức xin lỗi chương trình cũng như xóa bài trên blog.

Bất cứ ai đã đọc bài viết cũng như các câu viết thêm ở dạng văn vần sau bài viết của thầy Tuấn đều thấy từ những sự cố cụ thể trong một cuộc chơi tại trường quay S9, thầy Tuấn đã mở rộng các lời - thực chất là chửi rủa- ra một biên độ rất rộng. Xin đưa ví dụ cụ thể những câu đã được thầy Nguyễn Anh Tuấn viết ra:

Chúng tưởng là chúng rất to

Chương trình vô học cũng cho lên Đài

Người dân chỉ biết thở dài

Vì chúng là lũ nhà Đài ngu lâu.

Chúng làm vì có..”tiền đâu”

Chúng làm vì lý do đầu: Đô-la

Người dân xin hãy nghe nha

Chúng làm cũng chỉ, chẳng qua vì TIỀN !

................

Cuộc sống có lắm đảo điên

Quốc Hội mới họp triền miên thế này.

Mặc dù rất thất vọng và bị xúc phạm nặng nề từ thầy Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi vẫn mong muốn có cuộc gặp với thầy Tuấn và các thầy cô, các em học sinh của Trường chuyên Bắc Giang tại Đài để trên thực tế tại nơi làm chương trình rà soát lại các chi tiết, trình bày lại các tình huống có thể diễn ra về kỹ thuật, xác định nguyên nhân của các sự cố đã có, nhằm có kết luận đúng bản chất. Làm việc này là để có sự rõ ràng với các em học sinh cũng như khán giả của chương trình Đường lên đỉnh Olympia

Ban Thể thao, giải trí và thông tin kinh tế đã gửi công văn tới trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

T/M Nhóm làm chương trình
Tổng đạo diễn Nguyễn Tùng Chi.
Các kỹ sư : Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Tuấn Anh
Nguồn: vtv.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét