Đúng một tuần nữa sếp Nam Đồng về hưu, sau 40 năm làm báo, tính luôn thời học báo chí trong rừng. Phòng sếp trống trơn, cả giá sách hàng ngàn cuốn, cả những cục đá đủ hình dạng mà sếp lượm trong những chuyến đi khắp nước và nước ngoài.
Trưa nay vào phòng thấy sếp đang ngồi đọc cuốn nhật ký ố vàng, chép tay. “Em đọc được không?”. Hỏi rồi lật trang đầu, viết năm 1986. Đó là ngày sếp nhận nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn báo Tuổi Trẻ từ tay anh Huỳnh Sơn Phước, cái chức mà sếp từ chối cả năm ròng: “Thấy Huỳnh Sơn Phước làm việc quên ngủ quên ăn, tối nào cũng ở nhà in cho đến khuya lo từng số báo, mình thấy xấu hổ. Không lẽ cũng là bạn bè đồng đội mà mình lại chỉ biết đứng ngoài làm khán giả, nhìn Phước làm rồi vỗ tay hoan hô?”.
Trang sau: một bài báo, bốn bài học.. rồi trang sau nữa... những bài học từ công việc của nghề tòa soạn được ghi chép xúc tích. Tỉ mỉ, chi tiết, dễ hiểu như một cuốn cẩm nang. Công nghệ có thể thay đổi, nhưng những bài học ấy đọc lại vẫn nguyên giá trị.
Mười ba năm trước, ngồi nghe sếp nói trong hội nghị cộng tác viên và bụm miệng cười. Tờ báo bấy giờ chỉ là tuần báo sáu ngàn rưỡi bản, nghe ông TBT mới về nói về một tờ nhật báo chuyên ngành trong tương lai mà nghĩ ổng nói dóc. Nhưng ông TBT có vẻ quê mùa, mập đen ấy đã làm được. Giờ ổng rời vị trí, nhiệm vụ của những người ở lại là giữ gìn và phát huy sự nghiệp này. Chắc các sếp trong BBT cũng đang thấy vai mình nặng.
Sếp về hưu, mang theo luôn cả cái tin phóng lớn từ báo An Giang: Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM xin lỗi chính quyền và nhân dân huyện Phú Tân. Một bài báo viết sai do suy diễn, sếp đích thân đi xin lỗi trước, về trị phóng viên sau. Báo An Giang đăng, sếp không buồn không giận đồng nghiệp, chỉ giận mình: một chữ viết ra cũng phải có trách nhiệm. Sếp treo trong phòng cho nhớ. Anh đồng nghiệp bị kỷ luật sáu tháng sau thì xóa án, nhưng cái tin ấy sếp lộng kiếng treo trước bàn làm việc, không bao giờ xóa án cho bản thân mình.
Bảy năm trước, đi chơi khuya, bênh bạn nên bị giang hồ nó đánh hội đồng, cả ba thằng đều gục. Mình bị mấy ống tuýp sắt vào đầu. Chẳng hiểu sao không gọi mấy thằng bạn giang hồ, cũng không gọi mấy anh hình sự quen biết. Gọi sếp xong thì ngất. Gần một giờ sáng, sếp vẫn bảo con trai chở đến, đưa cả đám đi bệnh viện Gia Định may vá băng bó, lo lắng đàng hoàng. Mười ngày sau vết thương lành, sếp lôi ra cạo một trận trọc đầu trắng gáy vì tội thiếu kiềm chế. Rồi sếp gọi vào phòng: Hãy chịu trách nhiệm về việc mình làm đi! Tao tới với mày giữa đêm khuya là vì tình anh em đồng nghiệp. Còn tao trị mày là bởi vì tao không chấp nhận một thằng lính lôi thôi. Tao không thể bênh khi mày sai quấy!
Bị thu thẻ nhà báo. Nản vô cùng. Nghĩ thôi thì chia tay nghề báo. Hai ngày không vô cơ quan, sếp nhắn vào phòng: Ngồi đó đi, hút thuốc đi. Không nói tiếng nào. Chừng rất lâu sau, ông trầm ngâm: Dĩ nhiên mày có sai sót, nhưng không phải do động cơ gì sai quấy. Cái đó ráng khắc phục, có gì mà nản. Ông kéo ra quán, rót đầy hai cốc bia, chửi thề: ĐM. Mới có một cái sẹo nhỏ xíu đã sướt mướt thì làm nên trò trống gì. Uống đi, nghỉ thêm vài ngày rồi vô làm việc cho đàng hoàng.
Sếp ra Hà Nội họp tổng kết ngành Tư Pháp. Hỏi: Công việc một tuần chừng này, nếu mày làm hết tốc lực thì bao giờ xong? Nói hai ngày. Ông nói ừ vậy làm cho xong đi, mai đi chơi với tao. Sáng đó ông đi thuê một chiếc honda về bảo đi Điện Biên. Trời đất, đi về một ngàn cây số, trời trên đó lạnh 4 độ sao đi honda? Đi vậy vừa ngắm cảnh, vừa tiết kiệm. Vậy mà đi thật! Qua rừng cỏ tranh trên đèo Pha Đin, gió ù ù, rất nắng và rất rét. Có cây hoa gạo nở đỏ rực. Dừng lại hút thuốc, hai thầy trò uống hết một chai rượu nhỏ. Sáng hôm sau qua đèo Sơn La, gọi một dĩa thịt bò xào má khén (một loại tiêu rừng). Sếp mang harmonica ra thổi. Thằng bé con chủ quán tròn xoe mắt nhìn. Thổi xong ông dúi vào tay nó: Ông cho cháu. Rồi lại đi.
Biết chừng nào mới có một chuyến đi như thế?
Vô trại xã hội viết phóng sự, làm giả tù nhân dăm bữa. Sếp bảo: tao gửi thằng cộng tác viên vô với mày. Ai? Con trai tao. Thằng kiến trúc sư mới ra trường bạch diện thư sinh vậy gửi theo làm chi. Trong đó dễ ăn đòn của đại bàng và nhiễm sida lắm. Nhưng sếp gửi thì phải nhận thôi. Hóa ra mình với thằng Bình trọc chưa chắc giang hồ bằng thằng bạch diện thư sinh kia. Sau này đi đâu cũng hay rủ nó. Nó trắng trẻo nhưng đai đen, còn mình không có miếng võ lận lưng.
Thời Viagra còn là của hiếm. Sếp khoe: thằng bạn đi Mỹ về cho tao ba viên, nhưng tao không dùng. Để đó lâu lâu lấy ra nhem cho tụi kia nó thèm. Nói sếp cho em đi. Em quen ông quan chức kia, có bộ tài liệu của hiếm. Ổng yếu mà mua thứ này ba lần đều gặp của giả. Nếu cho ổng mấy viên này có khi em dụ lấy được tài liệu.
Sếp không cho. Nửa đêm mở ví sếp lấy trộm. Sau đó thì lấy được bộ tài liệu của hiếm ấy thật. Sau nữa thì tự thú là đã ăn trộm thuốc.
Tưởng thế là xong, nào ngờ ổng về cơ quan, rủ cả đám con gái văn phòng lẫn tòa soạn đi ăn, nói nhỏ: “Chú nói tụi mày nghe cái này, biết rồi giữ kín nghen. Thằng Hiển chưa vợ mà yếu sinh lý. Tội nghiệp hết sức! Nó ăn cắp của tao mấy viên Viagra! tao biết nhưng lờ đi. Tụi bây cũng đừng nói ra, nó mặc cảm, tội nghiệp!”.
Nửa tháng sau chuyến công tác, vác balô về cơ quan, thấy tụi con gái đứa nào cũng nhìn mình bằng cặp mắt thương hại. Sếp ơi là sếp!
Giờ thì sếp sắp không phải la mắng suốt ngày nữa rồi. Chiều nay Ngọc Lan trình duyệt bìa báo Xuân. Ngắm nghía một hồi, sếp ghi mấy chữ: “Ngọc Lan, em chọn bìa nào cũng được, em là Tổng Biên Tập!”. Từ lâu sếp cũng không can thiệp chi phối nhiều, chỉ uốn nắn khi thấy trật. Hiểu là sếp đang chuyển giao từ từ để mọi người quen việc. Và cũng hiểu, sếp đang chuẩn bị tâm thế để quen với cảm giác không bận rộn, không mỗi ngày ngồi trước bàn làm việc lúc sáu rưỡi sáng với một đống báo mới và chuẩn bị cho cuộc giao ban hai tiếng sau đó.
Bữa họp, sếp Chương nói: Anh Năm về hưu nhẹ nhõm vì xong nghĩa vụ. Nhưng anh em thì tiếc vì chưa học hết nghề từ anh. Và sự quyết liệt say mê, lửa nghề thì không biết chừng nào mới được như anh! Mình hiểu, đó không phải câu nói lấy lòng. Đó là nỗi lo thật sự.
Nhiều người thương sếp, nhưng chắc cũng nhiều người giận. Có điều chắc chắn là chưa ai nói sếp là người không đàng hoàng. Thói hư tật xấu gì cũng được, nhưng không ai được động chạm về nhân cách. Hồi chuyên án Năm Cam, một tờ báo đưa tin sếp có phần hùn trong một nhà hàng của Năm Cam. Sếp nói: Cất tờ báo ấy đi, chờ tòa xử xong sẽ làm cho ra nhẽ! Rồi sự việc cũng sáng tỏ, tất cả là tin đồn bậy bạ và anh phóng viên nghe hơi nồi chõ đem đăng. Sau một hồi suy nghĩ, sếp bảo: Bỏ qua, chắc họ biết sai rồi.
Một năm trước, có lần sếp nói: cái gì cũng đến lúc phải thay đổi, không có cái gì tồn tại mãi. Sự thay đổi chính là quy luật. Đừng khắc vết trên mạn thuyền để tìm lại thanh gươm đánh rơi, vì khi anh nhảy xuống tìm thì thuyền đã trôi xa chỗ gươm rơi lâu rồi.
Ừ, thuyền cứ trôi, mênh mông trời rộng sông dài. Về rong chơi vui nhé, sếp!
Bố Cu Hưng's Blog