Ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trả lời Báo Tuổi trẻ số ra hôm qua 1-12-2008.
Đến nay, cả nước có 702 cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đại bộ phận báo, đài hiện nay đều được Nhà nước bao cấp, số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi chỉ khoảng mười đơn vị và cũng chỉ vài chục ấn phẩm báo chí, một vài đài phát thanh - truyền hình có độc giả, thính giả, khán giả thường xuyên. Đây là hậu quả của chính sách bao cấp, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền của.
Điều đáng lưu ý là cơ quan quản lý báo chí nhiều khi phản ứng chậm trước những vụ việc nhạy cảm, để báo chí nước ngoài chủ động đưa tin, hướng dẫn dư luận trong nước. Đơn cử mới đây là vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của Nhật hối lộ quan chức VN, trong khi báo chí nước ngoài đưa tin Tòa án quận Tokyo đã đưa vụ việc ra xét xử, có kết quả rõ ràng nhưng cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn gì cho báo chí trong nước đưa tin.
Bên cạnh đó, có một số sự kiện chậm được định hướng, để báo chí đưa tin rồi mới “thổi còi”, đột ngột dừng thông tin mà không có lời giải thích, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Hơn nữa, đến nay mới chỉ có cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm Luật báo chí bị xử phạt, còn tổ chức, cá nhân khác vi phạm luật này chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng mức.
Khoảng tháng 6-2008, khi có thông tin từ phía Nhật, một số báo trong nước đã đưa tin về vấn đề này, thậm chí còn nêu tên quan chức VN có liên quan đến việc nhận hối lộ của PCI. Sau đó bẵng đi một thời gian không thấy báo trong nước đưa tin nữa. Trước phiên chất vấn, tôi có đọc được thông tin mới về vụ này trên báo nước ngoài. Tôi cho rằng với thông tin đó cần phải chất vấn để làm rõ quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý, tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ truyền đi thông điệp với nhân dân và đối tác nước ngoài về quyết tâm chống tham nhũng của VN.
Không chỉ ở nước ta mà cả các nước trên thế giới đã có nhiều vụ việc tham nhũng lớn do dư luận quần chúng và báo chí phanh phui, giúp cơ quan chức năng xử lý… Tôi nghĩ rằng báo chí không những cung cấp thông tin về tham nhũng mà còn tạo sức ép về dư luận để chúng ta xử lý nhanh chóng hơn, chính xác hơn.
Điều 7 Luật báo chí hiện hành quy định rõ quyền được cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí nhưng quy định này của luật chưa được một số cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực chống tiêu cực, có lúc, có nơi không những tổ chức, cá nhân không sẵn sàng hợp tác với nhà báo theo luật định mà còn đe dọa, hành hung nhà báo, thu giữ phương tiện tác nghiệp của nhà báo. Do không được cung cấp tin từ nguồn tin chính thức, các phóng viên nhiều khi phải khai thác từ nhiều nguồn tin khác, khiến thông tin không đầy đủ và dễ sai sót.
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành giữa năm 2007. Tuy nhiên, một số cơ quan chưa cử người phát ngôn hoặc có cử nhưng trong nhiều trường hợp người phát ngôn không kịp thời cập nhật thông tin hoặc không nắm rõ thông tin để cung cấp một cách cụ thể, chuẩn xác.
Một khó khăn nữa đối với các nhà báo khi tiếp cận thông tin là tình trạng đóng dấu “mật” tràn lan trên tài liệu của các cơ quan để tránh bị báo chí khai thác, khiến phóng viên tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét