Hôm nay, tròn 30 năm ngày mở màn cuộc chiến tranh một tháng ở biên giới phía Bắc.
Sáng nay, phiên tòa đầu tiên xét xử bọn cầm đầu Khmer Đỏ khai mạc tại Phnom Penh
Tôi nhớ đến người anh con bác ruột mình. Một người lính của sư đoàn 341, Quân đoàn 4. 30 năm trước, anh sĩ quan về phép từ chiến trường K để cưới vợ. Hai ngày sau lễ cưới, hai sĩ quan Tỉnh đội Hà Tĩnh đến tận nhà đưa cho anh bức điện: "Trở vào đơn vị nhận nhiệm vụ". Anh xa vợ khi vẫn còn hơn mười ngày phép.
Một tháng sau chị trở thành goá phụ.
"Liệt sĩ Nguyễn Hùng Anh đã hy sinh tại mặt trận phía tây nam trong chiến dịch mùa khô năm 1980, được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của đơn vị!". Mười năm, với tờ giấy báo tử trong túi, tôi đi tìm mộ anh mình. Qua nhiều nghĩa trang liệt sĩ biên giới, hàng chục nghĩa trang các tỉnh phía Nam, phòng chính sách quân đoàn và sư đoàn để rồi không có thông tin gì về anh. Ngôi mộ anh trong nghĩa trang gia tộc cũng chỉ là mộ gió. Người chị đằng đẵng chờ chồng trong vô vọng.
Ở tuổi 40, chị lạy cha mẹ chồng để đi bước nữa. Chị khóc, cha mẹ chồng cũng khóc: Hai mươi năm ròng rã, chị phụng dưỡng cha mẹ chồng và chờ đợi vì tin anh sẽ trở về, chị nói chỉ tin rằng anh đã mất nếu ngày nào tìm được hài cốt của anh. Nhưng ngày đó không đến!
Ngày đến Siêm Riệp, tôi đứng trước đài tưởng niệm liệt sĩ quân tình nguyện do Quân đoàn 4, đơn vị của anh mình xây dựng. Năm ngàn liệt sĩ, không một dòng tên. Chết nhiều quá, những nhà sư Khmer đã làm lễ cầu siêu và hoả táng rồi đưa tro cốt vào ngôi tháp.
Thế hệ học trò chúng tôi, từ cấp một, những bài lịch sử luôn đi kèm với số liệu thương vong của mỗi bên. Dẫu có thể nó không hoàn toàn chính xác, nhưng nó nhắc thế hệ sau về sự hy sinh để giữ nước, và cái giá phải trả cho sự xâm lăng.
Lớn lên, dù cố tìm, tôi cũng không thể biết chính xác con số tổn thất hy sinh của chiến sĩ ta trong chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. Những nghĩa trang biên giới tôi qua, những hàng bia trắng ngợp trời nằm im lặng.
Dù chúng ta có nhắc hay không thì cha mẹ, vợ con của những chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh biên giới vẫn không thể nào quên cuộc chiến ấy, khi khói hương vẫn tỏa trên bàn thờ của mỗi gia đình. Nó nhắc nhớ những người thân vĩnh viễn không trở về, nằm lại ở biên cương khi giữ đất. Sự tôn vinh của đất nước đối với họ phải được ghi nhận không chỉ với tấm bằng tổ quốc ghi công, mà còn ở thái độ của dân tộc. Lịch sử cần phải được học không chỉ để tiếp nối, mà còn phải học để quá khứ đau buồn không lặp lại.
Hôm nay 17-2, 30 năm ngày chiến tranh biên giới phía bắc. Hôm nay tên đao phủ ở nhà tù Tuol Sleng ra tòa trong phiên tòa đâu tiên xử bọn diệt chủng Khmer Đỏ. Hôm nay, nhiều gia đình Việt thắp hương trong ngày giỗ người thân của mình.
Hôm nay, sau ly cà phê, đồng nghiệp của tôi đi làm tin về cúm gia cầm!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét