Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

Về tội danh của ông Huỳnh Ngọc Sỹ


Ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt vào thời điểm Nhật Bản cho biết sẽ xem xét nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam, vào ngày thứ ba trong chuyến thăm của Hoàng thái tử Nhật Bản Naruhito đến Việt Nam. Và khá lâu sau khi các quan chức PCI thừa nhận đã đưa hối lộ cho ông.

Các quan chức PCI bị tòa Nhật xử vì đã hối lộ ông Sỹ 820 ngàn USD. Tuy nhiên ông Sỹ bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn”, theo Điều 281 Bộ luật Hình sự, mức án cao nhất chỉ 15 năm tù giam. Trong khi đó, với tội nhận hối lộ- Điều 279- mức án cao nhất là tử hình.

Hai tội này dù có cấu thành khác nhau nhưng khá “gần” nhau. Hơn nữa các khoản hối lộ thường được ngụy trang nên việc chứng minh tội lợi dụng quyền hạn dễ hơn tội nhận hối lộ.

Vậy đây là vụ án đưa và nhận hối lộ hay lợi dung chức vụ? Dù có là vụ án hối lộ thì những chứng cứ (băng ghi âm, ghi hình, bút tích) để đấu tranh và buộc tội chưa chắc đã có, và nếu có sau ngần ấy năm, chưa chắc đã còn. Nhất là ở đây, sau một thời gian dài kể từ khi các quan chức PCI bị bắt, ông Sỹ thừa biết cái gì đang chờ mình.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Lê Hiếu Đằng quan ngại việc bắt ông Sỹ quá chậm có thể khiến những chứng cứ, tài liệu đã bị tẩu tán.

Tuy nhiên, theo luật, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng có thể thay đổi hoặc khởi tố bổ sung tội danh khác nếu có những căn cứ chứng minh. Khởi tố và bắt tạm giam chỉ là bước khởi đầu của quá trình tố tụng.

Việc khởi tố ông Sỹ không chỉ đơn giản là truy cứu người có dấu hiệu phạm tội. Nó còn cần thiết để chứng minh thái độ cương quyết chống tham nhũng. Sự chứng tỏ ấy cần cho cả ba phía: bên cho vay ODA, là Nhật Bản cần thấy sự minh bạch, người có trách nhiệm trả nợ ODA (nhân dân) và cần cho uy tín của nước sử dụng vốn ODA.

Ở khía cạnh khác, đây là vụ án khá điển hình về năng lực phát hiện và xử lý tham những. Nó được khởi tố sau khi Nhật Bản phát hiện và yêu cầu phối hợp điều tra, và rất lâu sau khi hành vi phạm tội xảy ra.

Trong khi chưa đủ điều kiện để tạo ra một môi trường mà quan chức “không cần tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng” như Singapore, thì cơ chế giúp phát hiện tham nhũng phải được quan tâm trước nhất.

Sau một thời gian dài khá im ắng, giờ đây các nhà báo theo dõi mảng nội chính lại có chuyện để bận rộn!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét