Là một nhà báo, Bố cu Hưng nể phục Tuổi Trẻ. Là bạn đọc, tôi yêu quý nó. Và chắc rất nhiều người cũng có tình cảm như thế. Vì vậy, dễ hiểu khi thời sự nhân sự của tờ báo này thu hút được sự quan tâm rộng rãi từ chính giới, báo giới và dư luận quần chúng.
Đó là nơi Bố cu Hưng đã vào nghề, ba năm cộng tác và một thời gian tập sự sau cuộc thi tuyển phóng viên hồi 1996.
Tuổi Trẻ thật sự là tờ báo trẻ về chất: Cộng sản, xông xáo, mạnh mẽ, sáng tạo, chuyên nghiệp và dũng cảm. Có câu chuyện rằng, nhà văn Thép Mới từng định nghĩa tờ báo này chỉ bốn từ: Đỏ, Trẻ, Sài Gòn. Và cho đến nay chưa có định nghĩa nào hay hơn. Nếu chỉ có Sài Gòn và chất Công sản thì là báo Sài Gòn Giải Phóng, nếu Đỏ, Trẻ mà không Sài Gòn thì ra Thanh Niên.
Đã có những giai đoạn, với những biến động nhân sự, có người nghĩ rằng tờ báo sẽ đi xuống, nhưng rồi nó vẫn đi lên, vẫn trẻ. Rất tiếc, đâu đó vẫn còn suy nghĩ chữ "trẻ" trong nick name của nó theo một chiều hướng khác, là trẻ về suy nghĩ.
Số báo hôm qua, tường thuật cuộc làm việc của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tuổi Trẻ trích lời ông: “Một tờ báo lớn nhất của cả nước không còn mặc được cái áo của Thành Đoàn trước đây, Tuổi Trẻ không chỉ viết về đối tượng tuổi trẻ, thanh niên, mà là tất cả đối tượng khác; không chỉ xã hội, đời sống mà là những vấn đề chính trị nữa. Nó vượt quá tầm của địa phương rồi"
Ông còn nói: Nếu có gì sai mà để Thành đoàn chịu trách nhiệm thì oan và tội nghiệp các đồng chí quá.
Thực ra, Tuổi Trẻ đã "mạnh" hơn Thành Đoàn, cả về sự ảnh hưởng cũng như tính chuyên nghiệp.Việc điều động ông Lê Văn Nuôi từ vị trí Bí thư Thành Đoàn về làm Tổng Biên Tập, là sự nghiễm nhiên thừa nhận vị trí "cao hơn Thành Đoàn" của tờ báo này. Bất luận các khái niệm về mặt tổ chức.
Dĩ nhiên, đấy lời của ông Kiệt
Nhưng không nói ra thì người đọc đều hiểu khi duyệt đăng bài này, lãnh đạo Tuổi Trẻ đã hết sức cân nhắc. Khuynh hướng tường thuật đã công khai thái độ của Tuổi Trẻ trước những dự kiến thay đổi nhân sự tờ báo.
Tổng biên tập Lê Hoàng nói: “BBC đã đưa tin, các blog đưa nhiều ý kiến. Họ nêu: đây có phải là việc làm giảm đi tính chiến đấu của tờ báo?”. Ông cho rằng báo Tuổi Trẻ đến nay tiếp tục khẳng định tính dấn thân của tờ báo. Nếu báo Đoàn mất đi tính dấn thân thì không còn tham gia sự phát triển, đấu tranh góp phần phản biện cho các vấn đề dân chủ, minh bạch, công khai. Và tính dấn thân đó cũng chính là chất đoàn.
Vấn đề đặt ra ở đây, là Thành Đoàn và tổ chức Đoàn nói chung phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, với vai trò thủ lĩnh thanh niên, chứ không phải là dùng những biện pháp tổ chứcđể chứng minh vai trò chủ quản.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét