Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2007

SƯỚNG

Trời ui. Hôm nay may mắn được nói chuyện với một em rất chi là xinh đẹp. Khuôn mặt trái xoan này. Da trắng mịn màng này. Mắt tròn xoe này. Nói chung là đẹp đến từng... cen ti mét!


Vui hơn nữa là cuộc trò chuyện kéo dài đến quá nửa đêm. Cả hai cùng cười khúc khích và rủ nhau leo lên giường.

Sướng cái là giường chật nên không thể nằm bên cạnh nhau như bình thường.

Dĩ nhiên là tôi phải để cô em này... nằm dưới roài.

Còn tôi dĩ nhiên là nằm trên.

Cái giường cứ rung rung, lắc lắc.

Thi thoảng lại phát ra âm thanh nghe rất chi là lãng mạn.

Ngoài trời thì mưa...

Sướng!

Tha hồ mà tưởng tượng nhé.

Tôi đang ở trên tàu hoả.

He he. Tôi nằm tầng 2, còn cô gái nằm tầng 1.

Tàu chạy thì gì mà chả lắc.

Hic.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2007

Những chuyến đi của một thời

Thượng nguồn sông Đăck B'la, Kon Tum

Những chuyến đi ấy bắt đầu từ năm nhất Đại học.

Đi, đơn giản chỉ để đến và biết một nơi chưa biết.

Hồi đó, tức 15 năm trước, đi là cả một vấn đề. Túi không tiền, vùng đất mới chưa có bạn, không chỗ tá túc, chỉ đủ tiền xe sau khi đã vay mượn lòng vòng. Có chuyến đi phải mượn tiền của 20 đứa bạn, mỗi đứa 2 ngàn.

Lần đầu tiên, thót lên một chiếc Ford cổ lỗ sĩ trước cửa trường Luật, đi Bình Dương.

Chuyến sau, đi Đà Lạt. Tối ngủ kí túc xá, say rượu, nghe một cha sinh viên già đọc thơ. Hỏi ra mới biết y là Thanh Dương Hồng, rồi Đào Đức Tuấn, Nguyễn Ánh Tuấn (nay đã mất). Tính ở một ngày, nhưng mãi ba ngày sau mới về đến SG. Phần vì bạn bè rủ rê, phần nữa câu giờ để cho thằng Ngọc Lâm đi vay tiền cho ta về xe.

Những em bé Jarai ở xã YaXia, Sa Thầy, một chiều đông

Chiều tối nọ, rủ Thăng Long đi rừng. Hai thằng bắt xe đến Dầu Giây rồi chuyển xe khác. Không xe nào dừng, rừng cao su vắng hoe. Đưa ba lô cho Long, ta hiên ngang giữa đường (vì cóc còn cách nào khác), dang tay. Một xe chở rau thắng gấp, bác tài xuống tính nện cho một trận nhưng rồi thấy hai thằng sinh viên coi bộ cũng hiền lành, cho quá giang miễn phí lên La Ngà.

Ải Chi Lăng, Lạng Sơn, cùng với Phạm Hiếu

Lại rủ Phan Bá Thọ lên rừng La Ngà. Giữa hoang vu rừng Thanh Sơn, khu đệm của Nam Cát Tiên. Khuya chợt nghe tiếng sáo gọi bạn của một chú trai người Dao (di cư từ Ba Chẽ, Quảng Ninh). Bên căn nhà gỗ, một thiếu phụ ru con dưới trăng. Nàng có vẻ cô đơn, khi về tiễn hai thằng ra, nàng bảo: "Chồng em đi rừng nửa tháng mới về!". Nàng người Kinh, khá xinh. Tối về khu tập thể lâm trường, lôi rượu ra uống, Thọ càu nhàu bằng cái giọng đặc Quảng: "Mi vừa đánh mất một cơ hội". Mãi ba năm sau ta mới biết hết cái ý của hắn. Nhưng cơ hội có bao giờ trở lại.

Đường vào "vương quốc ma tuý" Na Ư, huyện Điện Biên Đông, Lai Châu

Những lần đi sau đó và sau đó nữa, hành trang đã có thêm chiếc máy ảnh Zenit. Những chuyến đi sau cũng rủng rẻng hơn vì mỗi chuyến đi có thêm vài bài báo.


Và bây giờ, ngoài ô cửa là màn mây, đơn điệu.

Mười năm nay, đi nhiều, nhưng hình như cảm xúc đã không nhiều như xưa. Những chuyến đi bây giờ chỉ chăm chăm vào công việc, đặt lịch phỏng vấn, mail bài rồi bay về. Ngày xưa hăm hở ngó nhìn, nay chỉ tranh thủ ngủ trên xe, trên chuyến bay. Đi xa, dằn giỏ một cuốn sách giết thời gian, ít nhìn ra cửa xe hơn trước.
Mình đang lớn lên hay nhỏ lại?

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2007

HÔN NHAU Ở ĐÂU CHO ... LÃNG MẠN


Hôm nọ nghe cô bạn kể, dạo này giới trẻ ngồi trong ô tô, tắt/ bật, tắt/ bật điều hoà để tạo nên một màn sương mờ - đủ để người ngoài không nhìn thấy - sau đó thoải con gà mái "doing" mọi thứ. Như thế mới gọi là siêu lãng mạng. Hì, mình đêk có ô tô. Nhiều người cũng đêk có ô tô. Lèm thé nèo bi giờ?


Lại nữa, trên báo mấy hum nay rêu rao chuyện các đôi tình nhân bị cướp trong công viên, các chỗ vắng người qua lại. Thậm chí một nữ thí sinh của Sao mai điểm hẹn bị đâm chết, người iu thì bị trọng thương. Oái, vào chỗ tối - em sợ lém!


Sợ thì sợ nhưng nhu cầu "KISS" nhau của giới trẻ vẫn có. Mà không phải ai cũng đủ can đảm "thực hành" dưới cột đèn cao áp hay ở ngoài đường. Có một chỗ khá an toàn, "nãng " mạn, đó là bên bờ Hồ Tây (đoạn đường Thanh Niên) nhưng có phải lúc nào cũng chen chân được đâu.


Quên mất là còn một chỗ nữa khá "lành mạnh" là khuôn viên của Đại học QG Hà Nội. Chỗ này là "bình thông nhau" của 3 trường: DDHSP + ĐHNN +DDHQG. Khuôn viên rộng mênh... xờ mông. Tuy nhiên, nếu sau 9 h mà còn "xì xụp" ở những chỗ tối thì sẽ bị lực lượng bảo vệ xua như xua gà. Thế thì còn gì là cảm xúc nữa.


Theo một "tay chơi vừa vừa" (hổng phải cỡ bự) thì anh ta thường vào cà phê... chuồng (tưởng trâu bò, heo mới cần chuồng chứ nhỉ?). Kakka. Hình như là trên đường Đê La Thành có một cái quán bửn bửn tên là H.G gì đó. Vài anh em kể rằng, vào đây vừa chật, vừa... hôi. Ngồi chuồng này thì cứ nghe "lách cách" (hông phải tiếng cốc chén thì chắc là tiếng thắt lưng) từ phòng bên cạnh. Rùi ở đường Trần Hưng Đạo, phía sau Hồ Tây (cái đường gì đi qua Thời báo Ngân hàng í) cũng có.


Hi hi. Chuối đêk chịu được. Hum nay định làm cái việc được coi là "hướng dẫn tiêu dùng" cho pà con nhưng chẳng biết gì mấy. Khổ. Cháu vốn ngoan ngoãn, cố gắng (gọi tắt là "ngoan cố") nên chỉ bít có vậy. Mong các bác đóng góp...

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2007

KINH DOANH "LÒNG TỐT"


Nên giúp đỡ những người không còn khả năng lao động

* Cách đây mấy năm, ngay tại cây xăng Trần Hưng Đạo (Hà Nội), có một ông già trông vẻ mặt rất đau khổ đi một cái xe máy Future ngửa tay xin tôi mấy nghìn để đổ xăng. Không chần chừ, tôi móc ví cho ông ấy 10 nghìn đồng (hồi đó xăng 6nghìn/lít). Người đàn ông này cảm ơn, còn tôi, vui vì làm được một việc tốt.


Sau đó chừng hai năm, ngay tại Cung văn hoá Việt Xô (đường Trần Hưng Đạo), một người đàn ông dắt xe máy, cũng ngửa tay xin tiền khiến tôi ngờ ngợ. Nhìn kỹ, cũng là xe Future, cũng là vẻ mặt đau khổ ấy. Nếu không gặp lại cảnh này, chắc chắn tôi cũng không còn nhớ mình đã cho ai đó 10 nghìn đồng. Rất buồn nhưng tôi vẫn phải nói rằng: "Cách đây 2 năm tôi đã cho ông 10 nghìn..."


Mới đây thôi, cũng người đàn ông ấy, tại đường Lý Thường Kiệt, ông ta định chìa tay ra nhưng nhìn thấy mặt tôi nên quay sang một người phụ nữ khác...


* Ngay tại bờ hồ, rồi đường thi thoảng ở đường Tràng Thi, có một người phụ nữ luống tuổi ăn vận khá "model" cũng thường xuất hiện với câu nói quen thuộc: "U bị lạc. Con cho u xin mấy nghìn đi xe về nhà được không...". Tôi cũng đã gặp bà ta mấy lần.


* Ngày trước, đọc báo thấy ở Nga có người đi ô tô, chuyên ăn xin ở các cây xăng. Những tưởng chuyện chỉ xảy ra ở Nga vào thời kỳ kinh tế còn khó khăn. Không ngờ, việc này đã du nhập về Việt Nam và "thích nghi" nhanh đến thế.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2007

Những câu thơ ngày 20 tuổi

Khật khưỡng với Vương Huy lúc 2 giờ sáng ở Phan Thiết. Ảnh: MINH TRƯỜNG

15 năm trước, lũ chúng ta 20 tuổi.
15 năm trước, đứa nào cũng nghĩ mình là vĩ nhân
15 năm trước, đứa nào cũng trong trẻo
Nhưng 15 năm trước, hiểu theo nghĩa của những kẻ chăm chỉ, tụi mình đứa nào cũng bê tha. Phan Bá Thọ, Vương Huy, Đàm Hà Phú, giờ ngồi đếm lại không biết đứa nào uống rượu khá hơn đứa nào. Chỉ có hai thằng ham vui mà ít uống là Tiến Hùng và Minh Trường.


Đức Hiển, Song Phạm, Nguyễn Danh Lam, Ly Hoàng Ly, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Hải Thy, Nguyễn hữu Hồng Minh tại lễ trao giải thơ Bút Mới lần 2 của Báo Tuổi Trẻ, 1996

Tất cả đều điên khùng, trong sáng, dễ thương. Tất cả đều làm thơ, đều thức đến hai giờ sáng và thức dậy lúc hai giờ chiều.
Nhưng rồi có vài thằng bỏ thơ đi làm báo.

Dưới đây là những câu thơ của ngày chúng ta 20 tuổi.
Nhớ và chép lại.


Thơ ngày về
VƯƠNG HUY

Những tàn tro của một thời vong tưởng
Gió xuân thì mãi cuốn đến hôm nay
mẩu quá khứ bay trong mùa lầm lỡ
Làm cơn mưa giăng kín góc tim gầy


Ta trở về men lối cũ hoa bay
Nhặt dấu chân của loài người rơi vãi
Buông dấu chấm xuống trang đời con gái
Em trở thành nỗi nhớ của thơ tôi


Cây đa nào mà chẳng đứng mồ côi
Dù bến nước có trải lòng đón lá
Trên giấy trắng nghìn câu thơ rơi lả
Biếc xanh gì cho khỏi đáy trầm luân


Bao ước mơ xinh xắn trứng thạch sùng
Chỉ khoảnh khắc kịp chạm va mặt đất
Nghìn nâng niu cũng một lần vụn nát
Chậc lưỡi làm tên gõ nhịp thời gian


Bão tan rồi, cầu gãy, nước mênh mang
Bờ bồi lở không cành hồng nào ngã
Ngắt cọng cỏ mà nghe đời buồn lạ
Mỏi chân vì những chuyện quá vu vơ


Bế nỗi buồn trao ngày tháng đong đưa
Ngồi trên lá nghe cành khô trở biếc
Trong giấc mơ có nghìn con buớm chết
Triệu cánh tàn lả tả mái hiên hoa


Sau dăm biến cố của cuộc sống, Huy thôi không làm sinh viên của trường ĐH Tài chính kế toán nữa. Huy về quê ở Tiền Giang, dạy học. Dễ đến mười năm không gặp nhau. Thỉnh thoảng đọc trên mạng, biết bạn còn làm thơ. Nhưng tôi vẫn thích những câu thơ ngày 20 bạn viết. Buồn, đẹp, đầy dự cảm về những mất mát và cái chết.


Phố vẫn thay màu
QUỐC SINH


Anh sống trong căn phòng nhỏ
Mảnh gương treo cô độc trên tường

Thay vì mỗi sáng soi mặt vào đó
Anh thích nhìn qua cửa phố mù sương


Lúc ra đi chỉ khép hờ gió lại
Bạn bè đôi khi đế
n bất chợt tìm
Anh thường về cuối ngày không ai đợi
Nghe trên mái chiều đầm ấm một tiếng chim


Những đêm vắng im lìm, con phố nhỏ
Vang tiếng chân tình tự suốt hiên đường
Công viên nằm phía tây, bến cảng nằm phía đông thành phố
Mưa vẫn xuôi về lặng lẽ một phương


Nơi anh sống, những hàng cây, góc phố
Những tường rêu, ô cửa giống hệt nhau
Hình như có điều chi trên lá cỏ
Cho anh nhận ra không gian vẫn thay màu.


Sinh hiền lành, chẳng bao giờ tranh chấp với ai, hơi cô đơn. Giờ uống rượu, làm thơ và dạy học ở Hòn Khói, Khánh Hoà. Lâu lắm rồi không gặp và cũng ít đọc thơ Sinh. Nhưng mỗi năm vẫn đều đặn một lần gọi điện cho bạn xin thơ đăng báo tết. Bạn rủ về Hòn Khói, hứa mãi mà không biết bao giờ thực hiện.


Mèo hoang
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH


Có lẽ thôi xin đừng mơ mộng nữa
Vó ngựa khua bỏng rát bốn phương trời
Ta trắng tay để giờ tay vẫn trắng
Dụ ngôn buồn sao mà thật
, người ơi


Đôi mắt uớt em nhìn thương đến thế
Thôi ta đi, khép lại chút, mèo hoang
Quả sấu rụng, mái ngói già đã chết
Hồn ai bay như xác lá điệu đàng


Tóc mẹ bạc xoá một thời con gái
Tuổi qua tay gió cuốn véo veo rồi
Em đừng khóc, cuộc đời ai cũng thế
Ta lên đường. Ta muốn hét. Nhưng thôi


Từ tạ nhé ngày xưa mười sáu tuổi
theo mưa hun hút cuối khu vườn
Em ở lại, này mèo hoang yêu dấu
Ngậm chút buồn trên ria mép mà thương


Xưa mình thích thơ bạn, thơ bạn giờ triết lý và nhiều tuyên ngôn, không thích.


Đò dọc
MINH TRƯỜNG


Về bến Hạ gặp triền sông gió nắng
Gặp mùa xưa nở tím mấy hoa bần
Nghe thương bóng con đò năm cũ
Em có ngồi giặt nhớ tháng Giêng không


Xuôi ký ức mùa xuân nào xa lắc
Sông đắp lên mình vảy nước chiều
Xa quê cũ, ta giờ thành phố thị
Ai đo l
òng thước nước líu riu


Em xoã tóc là bay vèo thương nhớ
Tháng giêng ơi con sóng cứ cồn cào
Tình cũ, tay giờ xuôi mấy nhánh
Chót mỏm cồn lay lắt bóng hàng cau


Về bến Hạ le re cơn gió chướng
Sông mọc dùm ta nhé vầng trăng
Hoa cau rụng bên này bến lở
Ru em, đành mượn lời tình không


Minh Trường quê Bến Tre. Tất cả những bài thơ của Trường luôn có đồng bằng và mẹ. Thằng bạn học cùng trường, ở cùng phòng, cùng đói kém và cùng đi làm báo. Giờ là phóng viên báo SGGP, thường trú Miền Tây

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2007

Cửa ải


Tác giả và nhà thơ chăn bò Lại Phiền Hà trên ải Vân Quan

Theo từ điển tiếng Việt, cửa ải là nơi giáp giới giữa hai nước, có xây cửa, trạm gác và có quân đội trấn giữ.

Nói chung, để vượt qua cửa ải, người ta phải trải qua những khó khăn. Nên mọi người vẫn xem những dấu mốc trong cuộc đời, trong sự nghiệp, công việc như những cửa ải.

Ta dăm lần đi qua cửa ải. Ở ải Nam Quan, chẳng cảm nhận gì nhiều. Để lên cái ải này, đường bộ đi còn thấy mệt, huống chi ngày xưa Nguyễn Trãi tiễn Nguyễn Phi Khanh. Không biết bố con của Ức Trai có chuyện gì để nói dọc đường mà tiễn nhau xa thế. Ta lên đây, nhìn cái bia Hữu Nghị Quan 0 km của quốc lộ 1A và thầm cáu: Gọi là Hữu Nghị, thế mà những năm bảy tám, bảy chín các chú kéo quân qua đây và biến thị xã Lạng Sơn thành bình địa hoang phế. Nói chung, nên đề cao cảnh giác với cái tình hữu nghị ngàn đời, đánh nhau ngàn đời này!

Ở ải Chi Lăng, cũng lẩn thẩn thắc mắc rằng, nếu gọi cửa ải nằm ở biên giới của hai nước, thì cái cửa ải dưới chân đèo Sài Hồ nằm sâu mấy chục km trong đất Lạng Sơn. Chẳng nhẽ cha ông ta từng lấn đất của Tàu?

Ở ải Vân Quan trên đỉnh Hải Vân, ta gặp một con người đặc biệt. Nghề chính của gã là chăn bò, đam mê lớn nhất của gã là thơ ca, còn thu nhập chính của gã nhờ vào mấy cái nhà vệ sinh tự xây cho những du khách cả tây lẫn ta, và thu phí.

Tên gã là Lại Thanh Hà. Nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi gã là "lại... phiền hà". Nguyễn Minh Sơn có hẳn một bài ký nhân vật về gã, đăng nguyên trang báo Người Lao Động: Lại Phiền Hà trên đỉnh Hải Vân.

Trước đây gã không có nghề nghiệp, làm cu li ở Huế và được đồng nào lại mua rượu tìm đến giới văn sĩ đọc thơ, chửi đời. Các nhà thơ thì nghèo, gã thì càng nghèo và hay xin tiền. Nguyễn Trọng Tạo đặt cho gã cái tên Lại Phiền Hà vì mỗi lần gặp gã, ai cũng thấy phiền hà.

Nguyễn Trọng Tạo bảo gã: chú nên tìm việc gì đó mà làm, chẳng nhẽ làm thuê, uống rượu và đi xin tiền mọi người mãi sao? Bị nói hoài, nhột quá, gã cáu: Biết làm gì bây giờ, ông chỉ được cái nói mồm! Tạo thi sĩ cáu lại: Không biết làm gì thì lên đèo Hải Vân mà chăn bò!

Thế mà Lại Thanh Hà làm thật. Lên đỉnh đèo, chăn bò thuê, rồi gom góp mua được vài con bò. Ít lâu sau, thấy du khách hay dừng đỉnh đèo chụp ảnh và tè bậy, Hà cáu lắm. Đây là chỗ để kẻ chăn bò tao nhã như mình làm thơ, mà chúng nó làm khai um cả lên. Gã lặng lẽ san đất, xây mấy cái phòng vệ sinh và... thu phí. Ai ngờ, thu nhập rất khá. Mấy năm sau, gã trở thành chủ của một gian hàng lưu niệm trên đèo, đưa vợ con từ Bắc vào...

Ngày tôi gặp Lại Thanh Hà, gã đã là chủ của mấy chục ha rừng và mấy khu đất mặt tiền ở Liên Chiểu. Nhưng vẫn giữ cái biệt danh Lại Phiền Hà. Vẫn làm thơ và chăn bò, đó là gã chăn bò có quan hệ xã giao rộng nhất mà tôi từng biết. Bạn bè của gã nhiều nhất là báo, nhà thơ!

Hôm tôi đến, gã đang đi chăn bò, con của gã chạy kêu bố về. Giao cây roi và đàn bò cho đứa con, gã rủ tôi đến bức tường ải Vân Quan, chụp tấm hình làm kỷ niệm.

Từ ngày khánh thành hầm đường bộ Hải Vân, tôi ít có dịp gặp gã nhưng vẫn hay ngước nhìn lên đỉnh đèo mỗi lần đi qua đây. Trên đó có ải Vân Quan, có gió biển thổi từ cửa Nam Ô, có một gã chăn bò làm thơ giàu có.

Với gã, đường lên ải Vân Quan cũng là con đường đưa gã vượt qua cửa ải đói nghèo, khởi đầu bằng thơ và lòng tự trọng. Ải Vân Quan đã trở thành dấu mốc trong đời gã!.

Pó tay!


Em sợ lắm

Trong công viên, cô gái hỏi chàng trai:

Anh ơi sao mắt anh to thế?

Chàng trai trả lời: mắt anh to vì hồi bé anh khóc nhiều.

Cô gái tiếc nuối: Thế sao hồi bé anh không đi tiểu nhiều?

==> ặc ặc (bó tay)

(sưu tầm)

Nửa đêm, nghe điện thoại reo


Từ Toà soạn về, đã quá nửa đêm. Không ngủ được sau mười mấy tiếng căng thẳng. May quá, trong tủ vẫn còn nửa chai rượu! Bắc ghế ra sân ngồi, chưa nóng chỗ thì điện thoại reo.

Thông thường, ít có ai điện thoại máy bàn, trừ người thân. Vì vậy rất lo, liền bốc máy. Đầu dây là giọng vồn vã thăm hỏi Nghe giọng vừa lạ vừa quen, chắc lâu lắm không gặp. Khi biết là ai rồi, ta cũng không giấu nổi vui mừng: Ôi, cố nhân, ra tù bao giờ? "Ra đâu mà ra, án 13 năm, chừng nào cây xà beng trổ bông mới về". Vậy ông điện thoại cho tôi từ đâu? "Từ trại giam chứ đâu! Hỏi vậy cũng hỏi!"

Ở tù mà có điện thoại di động? Có sao không. Thằng đại gia mới ra tù chiều nay, nó có hai cái, tặng lại cho tôi và một thằng bạn tù. Chưa chắc máy của ông xịn bằng máy của tôi đâu nha! Thèm nghe tiếng người quá, nhớ mỗi số máy bàn của ông nên gọi vào!

Ai cho ông đưa điện thoại vào tù? Trời đất, làm báo mà không biết gì hết, biết cách là xong tuốt. Nếu mấy ổng không cho, con kiến cũng không lọt vào đây.

Vậy ngoài điện thoại di động, còn cái gì lọt vào chốn ấy không? Cái gì cũng lọt hết. Nhưng thôi ông đừng hỏi nhiều, tôi còn ở tù lâu mà, tôi không muốn rắc rối!

Ông sống trong tù thế nào? Tôi đi theo mấy đại gia làm tà lọt, rượu tây uống đều đều. Mình có phải tù mồ côi đâu. Tù cha, tù cậu mà!

......

Con kiến không vào nhưng cái gì cũng lọt vào.

Tù cha, tù cậu.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Nửa chai rượu đã hết. Vẫn không ngủ được!

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2007

Phan Rang lên thành phố


Lâu rồi, ta không nhìn Phan Rang như thế này nữa

Từ hôm nay, cái thị xã đầy nắng, gió và cát ấy trở thành Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm.

Thị xã bé như bàn tay, dài và khẳng khiu gầy. Mỗi năm đều đặn hai mùa gió thổi dọc 12 tháng, gió chỉ trở chiều chứ chưa bao giờ lặng.

Nếu gió, cát và gai xương rồng có thể xuất khẩu, ắt Phan Rang đã trở thành xứ sở giàu nhất Việt Nam. Nhưng không ai mua xương rồng và gió cát, nên nó mãi nghèo. Lần lượt những đứa học trò quê đi rồi không về, mang sức lao động đi bán cho những nơi trả giá cao hơn.

Tết về quê, những kẻ chen chúc phố phường trở thành mẫu người thành đạt trong mắt người làng. Và vì thế, những đứa học trò quê thêm khao khát rời quê như các anh chị nó.

Lâu rồi, uống rượu với bạn bè, ta vẫn nhắc cái câu không biết đọc được ở đâu: "Lũ chúng ta từ quê ra đi và trở về nhìn quê bằng con mắt của người đi du lịch". Đôi khi, trở thành Việt kiều trên chính quê nhà mà không nhận ra.

Về quê, gọi là thăm cha mẹ nhưng một tuần hai ba bữa cơm nhà, còn lại là đi bù khú với mấy anh đồng nghiệp cùng quê. Mà những bữa cơm ở nhà, thông thường cũng trở thành những bữa bù khú với bạn bè. Biến nhà mình thành nhà hàng hay quán trọ, y hệt du khách.

Công việc, đời sống và nghề nghiệp biến đổi con người nhiều quá.

Lần giở những bài báo cũ, 15 năm trước, trong vòng ba năm ta viết 20 bài về vùng đất ấy. Toàn những cảm nhận tốt đẹp, những hăm hở khám phá: Những đêm vui ở một làng nghèo, Mỹ Tân mùa câu mực, Sông Dinh giữa hai bờ thương nhớ...

Trong vòng ba năm nay, gần 20 tuyến bài được ta triển khai thực hiện về Phan Rang, toàn những búa rìu: Lấy gạo mốc cứu đói cho dân, Những công trình tiền tỷ biến thành hàng mã, Đường chưa nghiệm thu đã sạt lở... Xen kẽ đấy toàn là những sai trái và những vụ tham nhũng.

Việc phê phán cái xấu, hẳn là cần. Nhưng đôi lúc lùi lại, đã thấy e ngại cho não trạng của mình: từ bao giờ, mình chỉ say sưa phê phán mà không nhạy cảm trước những điều tốt đẹp?

Không chỉ là Phan Rang, không chỉ là trang báo..

Hình như mình đã bớt nhân ái hơn?

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2007

Thời gian của Mẹ, Con và quý Toà


Tấm ảnh này chụp 11 năm trước ở sân Toà án Thành phố. Kết thúc phiên toà, trong cơn mưa, bà mẹ nhìn theo chiếc xe chở tử tù Phạm Minh Chánh, đứa con trai của bà, đã bị giam 11 năm. Hôm nay, người ta tiếp tục tuyên án tử hình anh, như những phiên toà trước.

11 năm, bà mẹ ấy thăm nuôi, chờ đợi con mình trở về. Thăm nuôi từ khi Phạm Minh Chánh còn là một chàng trai ngoài hai mươi đến khi anh đã là người đàn ông trạc tứ tuần. Đã hơn ba lần, bà nghe người ta tuyên án tử hình con mình. Đã hàng trăm lần bà viết đơn và gõ cửa công đường kêu oan cho con.

11 năm trong nhà tù, Phạm Minh Chánh lặp đi lặp lại hàng ngàn lời khai giống y nhau: "Tôi không giết người cướp của". Những lời khai của anh giống nhau, nhưng nó không giống với điều mà cơ quan điều tra muốn. Nên anh tiếp tục ở tù, tiếp tục ra toà. Nếu anh khai điều mà họ muốn, chắc anh không phải ở tù lâu đến vậy, chắc giờ người mẹ ấy chỉ gặp con mình trên bàn thờ.

11 năm, cơ quan điều tra cố chứng minh điều mà họ muốn. Lỡ bắt, lỡ giam rồi.

11 năm, Toà án cố chứng minh sự anh minh, nghiêm khắc và sáng suốt của mình. Mấy phiên toà trước lỡ tuyên tử hình rồi!

11 năm, bà mẹ ấy nhiều lúc tuyệt vọng, nhưng bà tin con không phạm tội . Lòng thương con giúp bà đứng dậy, vì bà là người mẹ.

Cuối cùng thì Phạm Minh Chánh cũng được trả tự do, Toà tuyên phạt anh mức án đúng bằng số ngày tù. Anh bị tuyên án về tội cướp, và mặc dù nạn nhân chết, nhưng anh không bị tuyên phạt tội giết người.

Tôi không tin Chánh phạm tội. Bởi nếu phạm tội, tức là anh cướp của giết người, phải tử hình. Bằng không, anh vô tội. Quan điểm cá nhân của tôi, bản án anh phải nhận chỉ là để hợp thức hóa hơn 11 năm "lỡ giam"; hợp thức hoá sự bất lực của các cơ quan tố tụng (vì không tìm ra thủ phạm); hợp thức hoá sự bất công mà người ta giáng xuống một con người.

11 năm là thời gian bị cướp đoạt của Chánh.

11 năm là thời gian đau khổ, chờ đợi của người mẹ.

11 năm ấy, là gì của Toà, của Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra?

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2007

Đức Hiển cải đạo, trở thành người Hồi Giáo (*)


Đức Hiển (bên phải) chụp ảnh kỷ niệm trước thánh đường sau lễ cải đạo Ảnh: Tiến Đạt


Kính gửi quý đồng nghiệp, quý vợ, quý cơ quan, quý bồ bịch!

Từ hôm nay, Đức Hiển cải sang đạo Hồi.

Với dư luận, để tránh mọi sự ngộ nhận, tôi xin được nói rõ, sự kiện cải đạo này không liên quan đến nghề nghiệp. Hoàn toàn không có chuyện cơ quan cử Đức Hiển sang tác nghiệp tại Trung Đông, sa vào tay một nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan và bị ấn vào tay một cuốn kinh Coran, phải chấp nhận cải đạo để bảo mạng như kịch bản thường gặp. Đây là một sự tự nguyện! Đề nghị các tổ chức bảo vệ nhà báo và dư luận thế giới không nên can thiệp chuyện này!

Với quý vợ, xin được nói rõ, luật Hồi giáo cho phép mỗi người đàn ông được phép có bốn vợ. Vì vậy từ nay bà đừng có lộn xộn ghen tuông nếu không muốn bị đuổi ra khỏi nhà!

Với quý bồ bịch, cũng xin được nói rõ. Vì luật Hồi giáo cho phép lấy bốn vợ nên ta không có nhu cầu (và không đủ sức) để tiếp tục quan hệ bồ bịch với quý vị nữa. Tình ta chấm dứt từ đây. Quý bồ bịch nào có nhu cầu chuyển sang chế độ vợ hai, ba, tư xin nộp đơn trực tuyến hoặc liên hệ với vợ lớn để đăng kí và được hướng dẫn thủ tục!

Với quý bạn, đặc biệt là bạn nhậu, xin lưu ý luật Hồi giáo không cho phép uống rượu. Hiện tại Đức Hiển đang nghiên cứu có thể chuyển qua uống bia hay chăng. Tuy nhiên từ nay đề nghị những bạn chủ xị không gọi các món mồi chế biến từ thịt heo hoặc có liên quan đến con heo (trừ phim ảnh).

Vì đường qua Ả- rập- Xê- út quá xa, mà cơ quan không cho nghỉ, do vậy ta không thể làm lễ cải đạo tại Thánh địa Hồi giáo Mecca. Việc cải đạo được tiến hành tại một thánh đường Hồi giáo tại quốc nội.

Thánh Ala vĩ đại phù hộ cho các người!


* Vì lý do riêng, lễ cải đạo chỉ có sự chứng kiến của một người bạn ngoại đạo là nhà văn Tiến Đạt.

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2007

Nhà báo đến thăm nhà thơ


Trong lịch sử, có rất nhiều người nổi tiếng bị bệnh phong. Nhưng không phải ai bị bệnh phong cũng nổi tiếng.

Hàn Mặc Tử là nhà thơ và bị bệnh phong, nhưng tôi biết có nhiều nhà thơ chẳng có bệnh gì ráo. Chỉ mỗi tội thơ dở ẹc, nói nhiều, sống lâu.

Tôi không thích những nhà thơ ấy, nhưng tôi có thể uống riệu với họ, đơn giản vì họ còn sống để uống riệu!

Lâu rồi, đi Quy Nhơn, tính ghé Hàn thi sĩ nhậu chơi. Ai dè tới trễ gần sáu chục năm, ổng chết mất rồi. Thiệt uổng hết sức!

Bèn chụp cái hình này. Lâu lâu uống riệu lấy ra coi chơi, như đang uống riệu với ổng vậy!

Trồng cây gì, nuôi con gì?


Về Đà Nẵng, nghe Minh Sơn kể mấy ông già hưu trí ở khu Lê Độ kể chuyện phiếm. Nói rằng trong một kỳ họp Hội đồng Nhân dân ở xứ nọ, các đại biểu thảo luận rằng bây giờ nên hướng dẫn cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. Vì đầu ra của nông sản luôn là bài toán hóc búa!

Thế rồi sau năm ngày thảo luận, các đại biểu nhất trí ghi vào nghị quyết rằng: bây chừ, chỉ có đào một con sông băng ngang quốc lộ rồi trồng lên đó một cây cầu, và nuôi con mát-xa, là chắc ăn. Cây cầu để thu phí, con mát -xa thì có tiền suất và tiền boa.

Đó là câu chuyện phiếm, còn cái hình trên là một trạm thu phí dân dã nhất mà tôi từng được thấy. Mỗi người đi bộ thu 200 đồng, có thêm chiếc xe đạp thu 500 đồng. Cái trạm thu phí dân lập này có chủ đầu tư là người dân quê, chủ đầu tư cũng nghèo như khách bộ hành vậy.

Theo nhận định của các bác thành phố đọc nhiều sách thánh hiền thì cái cầu này được đầu tư theo phương thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).

Cầu bắc qua sông Vệ, nối hai xã Hành Tín và Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

Đi xe ôm, bị cảnh sát chặn

Buổi chiều ở Bangkok, ngồi ở khách sạn chẳng biết làm gì nên lang thang.

Mỏi giò, gặp ba chú xe ôm bên đường. Mỗi chú cầm một xấp hình các em chân dài, đeo số, ríu rít tiếp thị. Trả lời các chú rằng ta đây tao nhân mặc khách, không gái gú gì ráo (ai tin thì tin, không tin đừng có comment chửi tui xạo). Các chú níu kéo một hồi, ta gọi đại một chú chở ra hoàng cung.

Ở Hoàng cung

Ngồi lên xe, mới chạy vài chục thước, gặp ngay một chú cảnh sát. Bốt-đờ-xô bó giò, lưng hình chữ V, trông rất oai hùng, chặn lại. Trong bụng nghĩ tội nghiệp chú xe ôm. Về đến đầu làng, công an nó vịn tốn năm chục ngàn rồi con ơi. Tưởng đâu mãi lộ là đặc sản của xứ mình, ai dè xuất khẩu qua tới Thái.


Một chú cảnh sát du lịch ở Bangkok (xấu trai hơn chú trong bài)

Chú xe ôm trình giấy, chú cảnh sát lúi húi ghi số căn cước của chú xe ôm vào sổ xong, quay qua mình: "Ông là người nước ngoài? Vui lòng cho xem Passport!". Xem xong, lại hỏi: "Ông có mang theo danh thiếp của khách sạn?". Dĩ nhiên, lại trình tiếp, lại lúi húi ghi vào sổ. Má ơi, cái mặt con đâu có giống mấy tay khủng bố đâu mà kỹ vậy.



Xong, chú cảnh sát cười toe toét: "Cám ơn, xin lỗi đã làm phiền!". Đến lúc này thì mình thắc mắc: Bộ có gì hay sao mà bác chặn tui lại, hỏi đủ thứ giấy tờ vậy? Chú ấy hết sức nhã nhặn trả lời rằng chú là cảnh sát du lịch. Rằng vì thấy mình không phải là dân bản xứ, lại thấy đám xe ôm bu lấy mình để tiếp thị gái nên việc của chú là ghi lại số hộ chiếu, họ tên, khách sạn của mình và căn cước chú xe ôm.

Nếu có chuyện gì xảy ra với du khách thì chú xe ôm bị gõ đầu là cái chắc!

Ra là vậy. Dù không sính ngoại nhưng rõ ràng cách làm của các chú Thái khá hay. Người đi đường như mình khi gặp cảnh sát sẽ có cảm giác an tâm vì được bảo vệ, chứ không phải cảm giác khó chịu và đối phó vì bị hạch hỏi.

Trong ảnh là các chú xe ôm, trước khi gặp mình để tiếp thị.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2007

Cãi nhau với lịch sử?


Hôm qua vào Wikipedia tiếng Việt. Theo cái Bách Khoa toàn thư mở này thì một phần đời bác Nguyễn Cao Kỳ được tóm tắt như sau:

"...Năm 1967, ông cùng với tướng Nguyễn Văn Thiệu ứng cử và đắc cử Phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa nhiệm kỳ 1967-1971. Tuy nhiên, từ sau năm 1968, ông bị gạt ảnh hưởng ra khỏi các vị trí quan trọng trong chính quyền, dần chuyển sang vị thế đối lập với chính quyền. Đến năm 1971, ông không tham gia bầu cử tổng thống để phản đối cuộc bầu cử độc diễn của tướng Nguyễn Văn Thiệu và hình thành thế đối lập gay gắt..."

Thế nhưng trong lần trả lời phỏng vấn trên, khi tác giả Blog hỏi, bác Kỳ ta lại nói rằng: “Lần ấy, lý do là tôi nhường cho ông Thiệu vì ông ấy thích (cái chức tổng thổng-NV) quá đi”. Bài đăng trên báo Pháp luật TPHCM số Xuân 2006.

Rốt cuộc thì bác Kỳ đã vì không muốn tranh chấp mà nhường, hay là bác ấy bị gạt ra? Thế chẳng nhẽ bác ấy nhường cái mà bác ấy không có?

Theo bổn tiệm, hoặc bác Kỳ nên vào Wikipedia để đính chính thông tin trên, nếu thông tin ấy sai. Hoặc bác Kỳ nên nói lại, nếu đã nói không đúng trong lần trả lời phỏng vấn. Khả năng thứ ba là bác ý cứ giữ ý kiến của mình, còn các nhà viết sử nên xem lại vì tự cho phép mình cái quyền viết sử mà không đếm xỉa đến những người trong cuộc, dù họ còn sống.

Đó dù sao cũng là cái chuyện nhỏ, em thì nghĩ là bác Kỳ bây giờ không thích cự cãi như hồi còn trẻ.

Cái chuyện lớn hơn là: Có bao giờ, những nhân chứng lịch sử không dám nói sự thật ngay cả khi họ còn sống, và được hỏi ý kiến không? Câu này, em không hỏi bác Kỳ. Em hỏi khơi khơi vậy thôi.

Cái hình này chụp ở Sheraton hồi cuối năm 2005. Trong ảnh là bác Pi-lốt Nguyễn Cao Kỳ đang trả lời phỏng vấn của tác giả Blog này (dĩ nhiên, đâu phải bạn bè chiến hữu, cũng đâu ai rảnh rang mà đến uống trà với nhau).

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2007

Ân hận vì lỡ bắt tay

Ông nói đã bắt tay ai thì nhìn vào mắt họ và bắt cho thật chặt, thẳng lưng mà bắt. Bắt tay người trên đừng khúm núm cúi mình, bắt tay kẻ nhỏ cũng đừng ra vẻ ban ơn, hạ cố.

Cái bắt tay, vì thế, không chỉ là thông điệp tình cảm, xã giao, phong cách.


Nó lớn hơn thế nhiều, là nhân cách! .


Vậy nhưng chính ông mấy chục năm nay, cứ mỗi lần nhớ lại là ân hận vì lỡ bắt tay một người!


Người đó chức to hơn ông, to hơn nhiều cấp trên của ông. Lần nọ, hai mươi mấy năm trước người đó vào thăm thành phố và dự một cuộc họp quan trọng. Giữa bá quan, quần thần, giữa một rừng ống kính và ánh đèn flash, người đó bắt tay ông. Nhưng chỉ một giây, ông cảm giác ân hận vì lỡ bắt mà rút bàn tay về không kịp: người ta bắt tay mình với anh mắt và nụ cười vô cảm, bàn tay hờ hững và lạnh lẽo như tay của xác chết! Cái bắt tay ban ơn và hạ cố của người trên dành cho kẻ dưới.


Tính ông nguyên tắc nhưng bình dân. Lính ông kể có lần khi đã là Đại tá, Phó Giám đốc Công an TP, ông đi Huế công tác. Thấy anh tài xế mệt, ông giành ôm vô lăng. Tới quán cơm ở Ninh Hoà, khi mọi người ăn thì ông ra nằm võng. Chủ quán tưởng ông là lái xe nên "bồi dưỡng" ông một ly cà phê và gói thuốc, như cách người ta vẫn "chặt cò" cho những lái xe khác.


Làm lớn, có tiêu chuẩn xe hơi đưa đón, ông vẫn bảo phòng hậu cần bố trí cho mình một chiếc xe 67 cũ kỹ, mang biển số ẩn tế. Sự đời khó ngờ, người ta tố cáo ông tham ô chiếc xe của cơ quan, vì xe công sao biển số trắng. Một "nhà báo lớn" của một tờ báo lớn phía bắc viết bài điều tra phanh phui vụ "tham ô" này. Thế rồi thanh tra làm rõ: giấy tờ xe vẫn ghi chủ sở hữu là Công an Thành phố.


Ông ra quyết định khởi tố tay nhà báo về tội vu khống. Không phải để trả đũa, mà: mình không bảo vệ được danh dự cho mình, làm sao bảo vệ dân? Anh nhà báo trốn như chạch, nhờ can thiệp tới tấp. Có người khuyên ông: ông Tư à, làm Đại tá, Phó giám đốc Công an của thành phố mấy triệu dân, nếu ai đó nói ông tham ô cái nhà vài ngàn cây vàng mới sợ, chớ họ nói ông tham ô cái xe 67 tức là gắn huân chương liêm khiết cho ông. Bỏ đi, ông Tư à!


Thế nhưng sau lần bị khởi tố hụt, anh "nhà báo lớn" đi đâu cũng vỗ ngực xưng tên như một người hùng. Gần đây anh ta còn trả lời phỏng vấn như điển hình của sự dũng cảm, dấn thân, dám tấn công vào những thế lực đen.


Ông tên là Trần Văn Tạo, tức Tư Tạo. Sau khi về hưu, giờ ông làm bóng đá và làm luật sư.


Tấm ảnh này tôi chụp ở Phan Thiết, khi ông đến cơ quan điều tra Công an Bình Thuận làm thủ tục bảo vệ quyền lợi miễn phí cho ông Nguyễn Văn Hương, một hành khách bị đánh chết vì không chịu ăn cơm tù. Tôi nhớ lần đó trên xe, đồng nghiệp Nguyễn Văn Tiến Hùng hỏi ông già vậy, đi cãi miễn phí ở xa có cực lắm không. Ông nói mấy cái vụ này, ra tới Lạng Sơn tao cũng đi.


Ông Luật sư già gân ấy, giờ vẫn chơi thể thao đều đều, lúc thư giãn vẫn ngồi lướt phím piano.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2007

Hạnh phúc

Bạn sẽ không gặp cảnh này ở thành phố, nơi mà những đứa trẻ học xong có ba mẹ đón về. Bạn chỉ có thể tìm nó ở những miền quê xa hoặc trong ký ức của chính bạn. Những buổi tan trường đầu trần chân đất, những quyển tập cầm trên tay vì không có cặp, đứa nào trực nhật còn phải mang cả hộp phấn, giẻ lau!

Con của bạn có thể lười biếng nhấp từng muỗng sữa, muốn dỗ nó ăn hết chén cơm, đôi khi phải ẵm đi vòng vòng cả giờ. Còn những đứa trẻ này tan trường là phải lên nương rẫy trỉa bắp, dọn cỏ, gài chuột, đuổi chim...

Thế nhưng thật sai lầm nếu bạn nhìn những đứa trẻ trong ảnh với cái nhìn thương hại. Hãy xem, hạnh phúc và sự hồn nhiên ngời lên trên ánh mắt và nụ cười của chúng. Nếu nói hạnh phúc là mức độ hài lòng của mỗi người trước cuộc sống, tôi tin tất cả những đứa trẻ này đều rất hạnh phúc!

Tiếc là chúng ta, có những lúc trong cuộc sống, vẫn thường đem khái niệm hạnh phúc của mình áp đặt cho người khác.

Ảnh chụp ở xã Rơ Kơi, huyện Sa Thầy, Kon Tum vào tháng 4-2004. Một ngôi trường làng nằm sát biên giới Việt- Lào, bên khu bảo tồn thiên nhiên Chư Momray.

Bữa ăn trước giờ xử bắn

Tôi đã ba lần đi xem xử bắn, chứng kiến phút cuối của gần một chục tử tội! Nhưng chưa bao giờ chụp ảnh giờ phút hành quyết, ngay cả khi được phép!


Bức ảnh trên là cảnh đoàn xe đưa năm tử tội trong vụ án Năm Cam ra pháp trường Long Bình, quận 9. Tôi chụp lúc 4 giờ sáng ngày xử bắn. Hơn một tiếng sau, năm loạt đạn khô khốc vang lên. Tử tội không có một nét biểu cảm nào.


Tất cả các vụ thi hành án tử hình đều thế, bị án bị bịt mắt, trói chặt đến độ không thể nhúc nhích. Người chứng kiến, vì thế, cũng đỡ bị ám ảnh. Thế nhưng, bữa cơm trước giờ xử bắn thì khác. Ba giờ sáng, tử tội giật mình và hoảng loạn trước tiếng lách cách mở khoá xà lim. Cùm chân được mở, thay vào là một sơi xích giữa hai mắt cá chân để không thể tấn công quản giáo hoặc tháo chạy. Tại phòng thủ tục, họ được lăn tay, kiểm tra lần cuối lý lịch tư pháp và ăn bữa cơm cuối cùng, một dĩa xôi, một dĩa thịt gà không có xương, một cốc rượu (đôi khi, người ta chiều ý tử tội) và một điếu thuốc... Một trái chanh lăn nhanh vào miệng- đề phòng họ cắn lưỡi- và bịt lại...Nhiều người vùng vẫy chống cự, nhiều người không còn một chút can đảm.


Dẫu sao, sau đó họ sẽ không bao giờ còn phải sợ hãi, và họ sẽ không bị dằn vặt bởi tội lỗi nữa. Chết là hết! Bữa ăn cuối cùng, đa số không nuốt trôi vì bị ám ảnh bởi cái chết đang đến gần.


Thế nhưng có một tử tù bỏ ăn không phải vì sợ hãi. Câu chuyện được bạn tôi, Y Phi K'Buor, cán bộ Toà án tỉnh Đăk Lăk kể trên đường từ trường bắn Hoà Thắng trở về .


Chuyện về một vụ thi hành án tử hình ở Ban Mê năm 2000. Bị án là một người đàn ông trạc 40 tuổi, có năm đứa con, đứa nhỏ nhất chừng hai tuổi. Tội ác của anh ta quá lớn, không thể khoan hồng. Ngày anh bị thi hành án, vợ con anh ở một huyện xa không có mặt. Như những tử tù khác, anh được làm đầy đủ thủ tục và ăn bữa cuối cùng. Người tử tù chỉ xin điếu thuốc và ly rượu đế. Viên quản giáo nhìn anh, cám cảnh: "Ăn đi! Kẻo xuống dưới ấy phải làm ma đói! Thôi đừng suy nghĩ nữa, kiếp sau có làm người thì sống cho tốt hơn, nhé!".


Anh ta vẫn không ăn: "Dạ, thịt gà và xôi ngon lắm, nhưng em không ăn đâu, thưa cán bộ!".

Rồi anh ta rơm rớm nước mắt và khóc rống lên:


- Nhờ cán bộ gói xôi và thịt lại, gửi về cho mấy đứa con em... Tội nghiệp, nhà quá nghèo... Từ nhỏ tới lớn chúng nó chưa bao giờ được ăn thịt gà! ...Hu...Huhu


Từ khi cầm bút, tôi chưa bao giờ cho mình cái quyền phán xét đại loại như "bị cáo mất hết tính người".


Và sau lần ấy, cụm từ trên càng không bao giờ xuất hiện trong các bài báo của tôi. Chắc chắn là như vậy!

Bảo tồn hay phá hoại?

Tôi yêu Tây Nguyên!

Đó là vùng đất mới đầu tiên mà tôi đặt chân đến trong đời làm báo của mình. Không là chuyến công tác đơn thuần, với tôi, đó là một cuộc khám phá. Không phải bằng máy bay để có thể cho gót giày chạm màu đỏ bazan sau 45 phút ở trên trời như hàng chục chuyến đi sau này, mà bằng xe đò. Không xuyên ngang những cánh rừng nam Tây Nguyên trên đường 14, mà vòng ra tận Ninh Hoà rồi ngược lên Ban Mê, qua những dốc cao, qua thảo nguyên Ma D'răk với những chàng du mục. Không đi một vài ngày, mà luồn rừng gần một tháng ở khắp ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk bằng đủ thứ phương tiện, cả máy xới, xe bò và lội bộ.


Hơn mười năm nay, tôi đã đến vùng đất ấy không dưới ba mươi lần. Không phải chỉ để khám phá, mà như một cuộc trở về. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được đêm đầu tiên ngồi uống rượu ở ngã ba Đông Dương với K'rin Vương và những cô gái người Giẻ Triêng làng Nông Nội. Cái lần cùng Tiến Hùng (giờ là PV Tuổi Trẻ) hẹn nhau ở một ngã ba rồi chia hai nhánh đi vào rừng, lũ cắt rừng và đêm ấy hai thằng nhai mì tôm ở hai xó khác nhau...Tây Nguyên, vì thế đã thành một phần ký ức. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp trong giấc mơ mình những hình ảnh khác nhau của miền đất ấy. Và dĩ nhiên không thể thiếu hình ảnh những ngôi nhà rông!


Ba năm dài thường trú ở Hà Nội, tôi không về Tây Nguyên. Thỉnh thoảng đọc báo, cảm thấy như mất mát điều gì khi người ta viết rằng những nhà rông Tây Nguyên ngày càng mai một, xuống cấp...


Thế rồi, trong một lần nói chuyện qua điện thoại, một vị quan chức ở một tỉnh Tây Nguyên rủ tôi có dịp lên lại mà xem. Vị này khoe: "Bây giờ, địa phương chú trọng bảo tồn và phát triển bản sắc lắm, nhà rông văn hoá mọc lên nhiều, đẹp lắm. Nhà rông rất được chú trọng!...". Rằng nhà nước không tiếc tiền để phục hồi cái hồn Tây Nguyên...


Tôi hăm hở để rồi vỡ mộng. Những ngôi nhà rông ấy, ngày khởi công không có cúng Giàng, không có những chàng trai da nâu bóng màu đồng hun và những già làng râu tóc trắng ngồi chuốt từng thanh nứa; không có những cô gái làng thoăn thoắt đan tranh.... Nhiều ngôi nhà rông được giao cho một ông nhà thầu người Kinh và một tốp thợ hồ..."Cái hồn Tây Nguyên" được phục dựng chỉ bằng một bản hợp đồng và vài chữ ký chuyển khoản.


Vách nhà rông dán đầy những thông báo hành chính, một vài lệnh truy nã tội phạm. Mái nhà rông lợp bằng tôn lạnh nổi lên trong nắng một cách thô kệch, bậc thang được đúc bằng xi măng Hà Tiên và trên mái có hai con rồng không giống ai, như kiểu lưỡng long chầu nguyệt ta vẫn thấy trên mái đình của người Kinh ở đồng bằng.


Xin đừng đo đếm tình yêu Tây Nguyên bằng số tiền đã bỏ ra làm những nhà rông như thế. Xin đừng rổn rảng báo cáo thành tích bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá.


Nếu còn thương yêu Tây Nguyên, xin làm ơn lùi lại nhìn những nhà rông mái tôn, bậc xi măng và xem trong đó có chút hồn nào của Tây Nguyên không?


Tấm ảnh này tôi chụp hai năm trước. Bây giờ, có thể những ngôi nhà rông như thế đã mọc lên nhiều hơn.


Nhìn cái hồn Tây Nguyên được phục dựng như thế này, bạn có như tôi, cảm thấy không chỉ buồn, mà phẫn nộ?

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2007

Về một bức ảnh cũ

Bức ảnh này chụp sáu năm trước trên một chiếc xà lan chở dầu, trọng tải 800 tấn, trên sông Thị Vải. Trong chuyến khảo sát trước khi lên lộ trình cho loạt điều tra "Tôi làm thuỷ thủ". Hai đêm mất ngủ trên tàu, cả nhóm phóng viên cải trang thành nhân viên tàu chở dầu, nấp trong buồng máy.


Loạt bài tốt. Trong đó không thể không nhắc đến vai trò quan trong của phóng viên Thuỵ Bình, cô gái trong ảnh. Không phải ở chuyện tác nghiệp mà âm thầm thiết kế, vạch lộ trình và bố trí cho các đồng nghiệp đi theo tàu.


Thế nhưng cô gái ấy chia tay với nghề báo. Cuộc đời là vậy, luôn có những khúc quanh! Nàng bây giờ đã là luật sư và lấy chồng là một nhà thơ.


Có thể ngày mai bạn sẽ làm một nghề khác, nhưng điều quan trọng là đồng nghiệp sẽ nhớ về bạn với những kỷ niệm đẹp!

"Việc của tôi là biến mình trở thành... người thừa!"


Tấm ảnh chụp trong lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ quản lý phòng tin do Học viện Báo chí Fojo (Thuỵ Điển) tổ chức hồi cuối năm 2006 tại Hạ Long. Người phụ nữ bên góc phải là bà Kerstin, một trong các giảng viên .


Là Tổng Biên tập của tờ BLT, một tờ báo có uy tín, nhiệm vụ của bà là biến tờ báo thành món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân trong vùng. Bà đã bắt đầu một cuộc chiến đấu thực sự, không phải với các tờ báo đối thủ, mà với sự trì trệ trong bộ máy của mình. Tuyển dụng, sa thải, khuyến khích, hướng dẫn nghiệp vụ...một núi công việc của ngày đầu, đôi lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Kerstin đặt cho mình nhiệm vụ phải tạo ra một bộ máy tốt để đến lúc nào đó bà được thảnh thơi với các ý tưởng, không phải sa đà vào sự vụ. "Tôi cố gắng để sự có mặt của mình tại toà soạn trở nên không cần thiết!", bà nói. Và nay thì điều đó đã trở thành sự thật!


Trong toà soạn của bà có những người lười hay không? Có những người không lười nhưng không bao giờ tạo cho bà cảm giác yên tâm rằng anh ta sẽ hoàn thành đề tài đúng hạn hay không? Nếu điều đó liên tục tái diễn, bà sẽ làm gì?


Nhiều Tổng Biên Tập đã đặt câu hỏi như thế! Bà trả lời:


Tôi đã từng "bó tay" vì ở Thuỵ Điển, bạn rất khó sa thải nhân viên. Nhưng tôi quyết định trả lương cho họ thật cao và trả hẳn hai năm lương! Để làm gì ư? Để yêu cầu họ đừng làm việc, đừng vào cơ quan? Bởi sự có mặt của họ sẽ khiến tâm lý làm việc của cả guồng máy thêm trì trệ.


Đó chỉ là một trong những tình huống khó xử mà bà phải đối đầu.


Nay thì đã ổn, bà có thể đi nước ngoài cả tháng, tham dự các hội thảo, bàn bạc với đối tác hoặc đơn giản là đi du lịch mà vẫn yên tâm về công việc ở nhà. BLT ngày càng bành trướng uy tín và sự ảnh hưởng của nó lên nền báo chí Thuỵ Điển.


Làm được như thế, bởi Tổng Biên tập của BLT biết cách làm cho sự có mặt của mình ở nhiệm sở trở nên không cần thiết!

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2007

Muốn có tiền, hãy quên chuyện kiếm tiền!


Hai anh chàng ôm ghi ta và hát bên bức tường rêu phong của pháo đài cổ

Famosa ở bang Malacca (Malaysia).

Pháo đài được xây dựng trên một ngọn đồi từ thế kỷ thứ 17 để phòng thủ bờ biển nhưng lại có phong cảnh rất nên thơ.

Khách yêu cầu bài gì, họ hát bài ấy!

Khách không yêu cầu cũng vẫn hát!

Không có khách cũng hát, mà hát rất nhiệt tình, đầy cảm hứng.Cứ như thể không hát để kiếm tiền mà hát cho chính mình.

Ta hỏi, họ trả lời nếu cứ chăm chăm vào chuyện kiếm tiền, ắt sẽ không thể hát hay, sẽ chẳng ai nghe giọng hát của họ nữa. Vì thế, hãy quên chuỵên kiếm tiền để hát thật hay, thì mới...được nhiều tiền!

Suy rộng ra, hãy làm giàu bằng cái nghề nào bạn say mê nhất!

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2007

Lễ Kỳ Yên ở Sài Gòn

Đừng tưởng chỉ những làng quê Bắc Bộ, Trung Bộ mới có lễ này! Sài Gòn cũng có!

Mùng chín tháng giêng âm lịch, người dân Tân Bình luôn biết rằng không nên đi vào những con đường quanh xóm dệt Bảy Hiền nếu không muốn bị kẹt xe: Phan Sào Nam, Phạm Phú Thứ, Võ Thành Trang.

Ở đó, đa phần là người Quảng Nam, ngày mùng chín họ cúng cầu an (kỳ yên) cầu mong làm ăn khấm khá, khoẻ mạnh, xóm làng (khu phố) quanh năm yên ấm.

Nhưng cái hình này chụp ngày mùng 10 tháng giêng. Lễ Kỳ Yên ở xóm ta, quận 12.

Sở dĩ không cúng vào mùng chín vì phải nhờ thầy lễ từ Bảy Hiền lên, mùng chín ông ấy cúng ở Bảy Hiền, đành chờ đến mùng 10. Năm nào cũng vậy!

Lịch sử và nhân chứng

Thực ra, ta cũng không muốn làm chứng nhân của lịch sử lắm. Nhưng mà hoàn cảnh nó thế!

Ảnh này chụp ở hòn Phụ Tử, Kiên Giang. Giờ nó sập mất hòn Phụ rồi, chỉ còn hòn Tử.

Mai mốt ai không tin ngày xưa đủ cả ...hai hòn, ta đưa tấm ảnh này ra là tin liền!

Bầu cử


Thông thường, người ta có buồng viết phiếu!


Ở xã Ea Tiêm, Chư Sê, Gia Lai vào tháng 4-2004 cũng vậy!


Nhưng cái buồng viết phiếu trở nên vô dụng, vì nhiều cử tri không biết chữ.


Trong ảnh là cảnh nhiều người vây lấy một người nhờ đọc phiếu và đánh dấu hộ, kỳ bầu cử HĐND năm 2004

Vì muốn nhìn chim to!


Cô gái này đang dùng ống nhòm để xem chim!


Khi ta hỏi tại sao không xem bằng mắt thường, nàng nói xem bằng mắt thường thấy chim nhỏ quá. Nhìn qua ống nhòm cho nó to. Thiệt tình!


Ảnh chụp tại vườn chim Jurong, Singapore

Sông Vàm Cỏ Đông

Cái này chụp năm 2004, chụp từ máy bay trong chuyến công tác từ Sài Gòn đi Cà Mau. Chiếc AN26 cổ lổ sĩ của Nga , vừa đi vừa sợ nó rớt.

15h30 chiều, nắng rất vàng, vừa bay ngang những cánh đồng Bình Chánh đang mùa gặt. Máy bay ở độ cao 2,5km. Rất tiếc là không chuẩn bị sẵn máy ảnh, lấy được máy ra thì nó đã bay đến Tân An.


Mấy hôm sau, mồi cũng ngon, rượu cũng ngon, nhưng thằng Đào Văn uống ít quá!

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2007

Hơi ấm của con gái

Mọi chuyện tưởng thế là xong, ai ngờ, có hôm cả lớp đang im phăng phắc nghe thầy giáo giảng bài thì ở phía dưới vỡ oà lên tiếng khóc của một cô gái. Gần 100 cặp mắt nhìn về phía tao khiến tao chỉ muốn chui xuống đất. Dù thời gian đã qua nhưng tao vẫn nhớ như in hình ảnh đó...


Lúc sáng đi uống cafe với thằng bạn học từ hồi cấp 3. Tự nhiên hai thằng toàn "khoe" với nhau chuyện người iu cũ. Ông bạn này say mê kể về một tình yêu nhớ đời.


Số là trong lớp có một cô pé xinh xắn dễ thương như công nương đi đi bán tương. Nó khẳng định, con zai cả khoá nhìn cô bé với ánh mắt ao ước. Dĩ nhiên, nó cũng không nằm ngoài số đó. Biết lòng vậy nhưng kô làm sao được vì cuộc sống KTX chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền còm bố mẹ gửi từ quê ra.


Một ngày nọ, lớp học tổ chức đi thực tế ở Ninh Hiệp. Cô nàng này lại được nhiều người săn đón chở đi. Khổ thân thằng bạn tôi cứ ngậm ngùi chép miệng.


Rồi cơ hội đến khi cô pé này tiến về phía ông bạn tôi và nói "T. ơi. Cho H đi nhờ về...".

Thằng bạn tôi kể:


"Tao thề với mày là người tao tê cứng, không nói được gì. Thế là nàng bước lên xe. Dọc đường đi từ Ninh Hiệp về đến Lăng Bác tao cứ im lặng như thế. Tự nhiên, cô ấy vòng tay qua ôm người tao và nói "T. yêu H. được không?". Tao lại càng sốc và không nói được gì. Rồi tao chở cô ấy vào Công viên Thủ Lệ. Lần đầu tiên tao biết thế nào là hơi ấm của người con gái. Và dĩ nhiên, những nơi cần "thăm" thì bàn tay của tao đã đi qua"... (Nghe nó kể mà... thèm).


Ngày ngày trôi qua. Ông bạn tôi và cô bé này chìm đắm trong tình yêu.


Cho đến một hôm, anh bạn này nhận ra rằng, mình đã... chán. Một cuộc chia tay thấm đẫm nước mắt đã diễn ra tại Hồ Nghĩa Tân. "Hình như cuộc chia tay nào của tao cũng đều có nước mắt của phụ nữ mày ạ. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ tao chưa có người yêu", thằng bạn tôi nói.


Thằng bạn tôi kể tiếp: Mọi chuyện tưởng thế là xong, ai ngờ, có hôm cả lớp đang im phăng phắc nghe thầy giáo giảng bài thì ở phía dưới vỡ oà lên tiếng khóc của một cô gái. Gần 100 cặp mắt nhìn về phía tao khiến tao chỉ muốn chui xuống đất. Dù thời gian đã qua nhưng tao vẫn nhớ như in hình ảnh đó...


Thằng bạn tôi bảo: Cho dù đã trải qua vài mối tình nữa nhưng vẫn không quên được cô pé này. Đặc biệt là hơi ấm của cô gái trong buổi đầu ở Công viên Thủ Lệ. "Có lẽ, hơi ấm của cô ấy sẽ theo tao suốt cuộc đời này".