Khật khưỡng với Vương Huy lúc 2 giờ sáng ở Phan Thiết. Ảnh: MINH TRƯỜNG
15 năm trước, lũ chúng ta 20 tuổi.
15 năm trước, đứa nào cũng nghĩ mình là vĩ nhân
15 năm trước, đứa nào cũng trong trẻo
Nhưng 15 năm trước, hiểu theo nghĩa của những kẻ chăm chỉ, tụi mình đứa nào cũng bê tha. Phan Bá Thọ, Vương Huy, Đàm Hà Phú, giờ ngồi đếm lại không biết đứa nào uống rượu khá hơn đứa nào. Chỉ có hai thằng ham vui mà ít uống là Tiến Hùng và Minh Trường.
Đức Hiển, Song Phạm, Nguyễn Danh Lam, Ly Hoàng Ly, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Hải Thy, Nguyễn hữu Hồng Minh tại lễ trao giải thơ Bút Mới lần 2 của Báo Tuổi Trẻ, 1996
Tất cả đều điên khùng, trong sáng, dễ thương. Tất cả đều làm thơ, đều thức đến hai giờ sáng và thức dậy lúc hai giờ chiều.
Nhưng rồi có vài thằng bỏ thơ đi làm báo.
Dưới đây là những câu thơ của ngày chúng ta 20 tuổi.
Nhớ và chép lại.
Thơ ngày về
VƯƠNG HUY
Những tàn tro của một thời vong tưởng
Gió xuân thì mãi cuốn đến hôm nay
mẩu quá khứ bay trong mùa lầm lỡ
Làm cơn mưa giăng kín góc tim gầy
Ta trở về men lối cũ hoa bay
Nhặt dấu chân của loài người rơi vãi
Buông dấu chấm xuống trang đời con gái
Em trở thành nỗi nhớ của thơ tôi
Cây đa nào mà chẳng đứng mồ côi
Dù bến nước có trải lòng đón lá
Trên giấy trắng nghìn câu thơ rơi lả
Biếc xanh gì cho khỏi đáy trầm luân
Bao ước mơ xinh xắn trứng thạch sùng
Chỉ khoảnh khắc kịp chạm va mặt đất
Nghìn nâng niu cũng một lần vụn nát
Chậc lưỡi làm tên gõ nhịp thời gian
Bão tan rồi, cầu gãy, nước mênh mang
Bờ bồi lở không cành hồng nào ngã
Ngắt cọng cỏ mà nghe đời buồn lạ
Mỏi chân vì những chuyện quá vu vơ
Bế nỗi buồn trao ngày tháng đong đưa
Ngồi trên lá nghe cành khô trở biếc
Trong giấc mơ có nghìn con buớm chết
Triệu cánh tàn lả tả mái hiên hoa
Sau dăm biến cố của cuộc sống, Huy thôi không làm sinh viên của trường ĐH Tài chính kế toán nữa. Huy về quê ở Tiền Giang, dạy học. Dễ đến mười năm không gặp nhau. Thỉnh thoảng đọc trên mạng, biết bạn còn làm thơ. Nhưng tôi vẫn thích những câu thơ ngày 20 bạn viết. Buồn, đẹp, đầy dự cảm về những mất mát và cái chết.
Phố vẫn thay màu
QUỐC SINH
Anh sống trong căn phòng nhỏ
Mảnh gương treo cô độc trên tường
Thay vì mỗi sáng soi mặt vào đó
Anh thích nhìn qua cửa phố mù sương
Lúc ra đi chỉ khép hờ gió lại
Bạn bè đôi khi đến bất chợt tìm
Anh thường về cuối ngày không ai đợi
Nghe trên mái chiều đầm ấm một tiếng chim
Những đêm vắng im lìm, con phố nhỏ
Vang tiếng chân tình tự suốt hiên đường
Công viên nằm phía tây, bến cảng nằm phía đông thành phố
Mưa vẫn xuôi về lặng lẽ một phương
Nơi anh sống, những hàng cây, góc phố
Những tường rêu, ô cửa giống hệt nhau
Hình như có điều chi trên lá cỏ
Cho anh nhận ra không gian vẫn thay màu.
Sinh hiền lành, chẳng bao giờ tranh chấp với ai, hơi cô đơn. Giờ uống rượu, làm thơ và dạy học ở Hòn Khói, Khánh Hoà. Lâu lắm rồi không gặp và cũng ít đọc thơ Sinh. Nhưng mỗi năm vẫn đều đặn một lần gọi điện cho bạn xin thơ đăng báo tết. Bạn rủ về Hòn Khói, hứa mãi mà không biết bao giờ thực hiện.
Mèo hoang
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH
Có lẽ thôi xin đừng mơ mộng nữa
Vó ngựa khua bỏng rát bốn phương trời
Ta trắng tay để giờ tay vẫn trắng
Dụ ngôn buồn sao mà thật, người ơi
Đôi mắt uớt em nhìn thương đến thế
Thôi ta đi, khép lại chút, mèo hoang
Quả sấu rụng, mái ngói già đã chết
Hồn ai bay như xác lá điệu đàng
Tóc mẹ bạc xoá một thời con gái
Tuổi qua tay gió cuốn véo veo rồi
Em đừng khóc, cuộc đời ai cũng thế
Ta lên đường. Ta muốn hét. Nhưng thôi
Từ tạ nhé ngày xưa mười sáu tuổi
Mơ theo mưa hun hút cuối khu vườn
Em ở lại, này mèo hoang yêu dấu
Ngậm chút buồn trên ria mép mà thương
Xưa mình thích thơ bạn, thơ bạn giờ triết lý và nhiều tuyên ngôn, không thích.
Đò dọc
MINH TRƯỜNG
Về bến Hạ gặp triền sông gió nắng
Gặp mùa xưa nở tím mấy hoa bần
Nghe thương bóng con đò năm cũ
Em có ngồi giặt nhớ tháng Giêng không
Xuôi ký ức mùa xuân nào xa lắc
Sông đắp lên mình vảy nước chiều
Xa quê cũ, ta giờ thành phố thị
Ai đo lòng thước nước líu riu
Em xoã tóc là bay vèo thương nhớ
Tháng giêng ơi con sóng cứ cồn cào
Tình cũ, tay giờ xuôi mấy nhánh
Chót mỏm cồn lay lắt bóng hàng cau
Về bến Hạ le re cơn gió chướng
Sông mọc dùm ta nhé vầng trăng
Hoa cau rụng bên này bến lở
Ru em, đành mượn lời tình không
Minh Trường quê Bến Tre. Tất cả những bài thơ của Trường luôn có đồng bằng và mẹ. Thằng bạn học cùng trường, ở cùng phòng, cùng đói kém và cùng đi làm báo. Giờ là phóng viên báo SGGP, thường trú Miền Tây
0 nhận xét:
Đăng nhận xét