Đó là vùng đất mới đầu tiên mà tôi đặt chân đến trong đời làm báo của mình. Không là chuyến công tác đơn thuần, với tôi, đó là một cuộc khám phá. Không phải bằng máy bay để có thể cho gót giày chạm màu đỏ bazan sau 45 phút ở trên trời như hàng chục chuyến đi sau này, mà bằng xe đò. Không xuyên ngang những cánh rừng nam Tây Nguyên trên đường 14, mà vòng ra tận Ninh Hoà rồi ngược lên Ban Mê, qua những dốc cao, qua thảo nguyên Ma D'răk với những chàng du mục. Không đi một vài ngày, mà luồn rừng gần một tháng ở khắp ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk bằng đủ thứ phương tiện, cả máy xới, xe bò và lội bộ.
Hơn mười năm nay, tôi đã đến vùng đất ấy không dưới ba mươi lần. Không phải chỉ để khám phá, mà như một cuộc trở về. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được đêm đầu tiên ngồi uống rượu ở ngã ba Đông Dương với K'rin Vương và những cô gái người Giẻ Triêng làng Nông Nội. Cái lần cùng Tiến Hùng (giờ là PV Tuổi Trẻ) hẹn nhau ở một ngã ba rồi chia hai nhánh đi vào rừng, lũ cắt rừng và đêm ấy hai thằng nhai mì tôm ở hai xó khác nhau...Tây Nguyên, vì thế đã thành một phần ký ức. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp trong giấc mơ mình những hình ảnh khác nhau của miền đất ấy. Và dĩ nhiên không thể thiếu hình ảnh những ngôi nhà rông!
Ba năm dài thường trú ở Hà Nội, tôi không về Tây Nguyên. Thỉnh thoảng đọc báo, cảm thấy như mất mát điều gì khi người ta viết rằng những nhà rông Tây Nguyên ngày càng mai một, xuống cấp...
Thế rồi, trong một lần nói chuyện qua điện thoại, một vị quan chức ở một tỉnh Tây Nguyên rủ tôi có dịp lên lại mà xem. Vị này khoe: "Bây giờ, địa phương chú trọng bảo tồn và phát triển bản sắc lắm, nhà rông văn hoá mọc lên nhiều, đẹp lắm. Nhà rông rất được chú trọng!...". Rằng nhà nước không tiếc tiền để phục hồi cái hồn Tây Nguyên...
Tôi hăm hở để rồi vỡ mộng. Những ngôi nhà rông ấy, ngày khởi công không có cúng Giàng, không có những chàng trai da nâu bóng màu đồng hun và những già làng râu tóc trắng ngồi chuốt từng thanh nứa; không có những cô gái làng thoăn thoắt đan tranh.... Nhiều ngôi nhà rông được giao cho một ông nhà thầu người Kinh và một tốp thợ hồ..."Cái hồn Tây Nguyên" được phục dựng chỉ bằng một bản hợp đồng và vài chữ ký chuyển khoản.
Vách nhà rông dán đầy những thông báo hành chính, một vài lệnh truy nã tội phạm. Mái nhà rông lợp bằng tôn lạnh nổi lên trong nắng một cách thô kệch, bậc thang được đúc bằng xi măng Hà Tiên và trên mái có hai con rồng không giống ai, như kiểu lưỡng long chầu nguyệt ta vẫn thấy trên mái đình của người Kinh ở đồng bằng.
Xin đừng đo đếm tình yêu Tây Nguyên bằng số tiền đã bỏ ra làm những nhà rông như thế. Xin đừng rổn rảng báo cáo thành tích bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá.
Nếu còn thương yêu Tây Nguyên, xin làm ơn lùi lại nhìn những nhà rông mái tôn, bậc xi măng và xem trong đó có chút hồn nào của Tây Nguyên không?
Tấm ảnh này tôi chụp hai năm trước. Bây giờ, có thể những ngôi nhà rông như thế đã mọc lên nhiều hơn.
Nhìn cái hồn Tây Nguyên được phục dựng như thế này, bạn có như tôi, cảm thấy không chỉ buồn, mà phẫn nộ?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét