Thứ Tư, 18 tháng 4, 2007

Cửa ải


Tác giả và nhà thơ chăn bò Lại Phiền Hà trên ải Vân Quan

Theo từ điển tiếng Việt, cửa ải là nơi giáp giới giữa hai nước, có xây cửa, trạm gác và có quân đội trấn giữ.

Nói chung, để vượt qua cửa ải, người ta phải trải qua những khó khăn. Nên mọi người vẫn xem những dấu mốc trong cuộc đời, trong sự nghiệp, công việc như những cửa ải.

Ta dăm lần đi qua cửa ải. Ở ải Nam Quan, chẳng cảm nhận gì nhiều. Để lên cái ải này, đường bộ đi còn thấy mệt, huống chi ngày xưa Nguyễn Trãi tiễn Nguyễn Phi Khanh. Không biết bố con của Ức Trai có chuyện gì để nói dọc đường mà tiễn nhau xa thế. Ta lên đây, nhìn cái bia Hữu Nghị Quan 0 km của quốc lộ 1A và thầm cáu: Gọi là Hữu Nghị, thế mà những năm bảy tám, bảy chín các chú kéo quân qua đây và biến thị xã Lạng Sơn thành bình địa hoang phế. Nói chung, nên đề cao cảnh giác với cái tình hữu nghị ngàn đời, đánh nhau ngàn đời này!

Ở ải Chi Lăng, cũng lẩn thẩn thắc mắc rằng, nếu gọi cửa ải nằm ở biên giới của hai nước, thì cái cửa ải dưới chân đèo Sài Hồ nằm sâu mấy chục km trong đất Lạng Sơn. Chẳng nhẽ cha ông ta từng lấn đất của Tàu?

Ở ải Vân Quan trên đỉnh Hải Vân, ta gặp một con người đặc biệt. Nghề chính của gã là chăn bò, đam mê lớn nhất của gã là thơ ca, còn thu nhập chính của gã nhờ vào mấy cái nhà vệ sinh tự xây cho những du khách cả tây lẫn ta, và thu phí.

Tên gã là Lại Thanh Hà. Nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi gã là "lại... phiền hà". Nguyễn Minh Sơn có hẳn một bài ký nhân vật về gã, đăng nguyên trang báo Người Lao Động: Lại Phiền Hà trên đỉnh Hải Vân.

Trước đây gã không có nghề nghiệp, làm cu li ở Huế và được đồng nào lại mua rượu tìm đến giới văn sĩ đọc thơ, chửi đời. Các nhà thơ thì nghèo, gã thì càng nghèo và hay xin tiền. Nguyễn Trọng Tạo đặt cho gã cái tên Lại Phiền Hà vì mỗi lần gặp gã, ai cũng thấy phiền hà.

Nguyễn Trọng Tạo bảo gã: chú nên tìm việc gì đó mà làm, chẳng nhẽ làm thuê, uống rượu và đi xin tiền mọi người mãi sao? Bị nói hoài, nhột quá, gã cáu: Biết làm gì bây giờ, ông chỉ được cái nói mồm! Tạo thi sĩ cáu lại: Không biết làm gì thì lên đèo Hải Vân mà chăn bò!

Thế mà Lại Thanh Hà làm thật. Lên đỉnh đèo, chăn bò thuê, rồi gom góp mua được vài con bò. Ít lâu sau, thấy du khách hay dừng đỉnh đèo chụp ảnh và tè bậy, Hà cáu lắm. Đây là chỗ để kẻ chăn bò tao nhã như mình làm thơ, mà chúng nó làm khai um cả lên. Gã lặng lẽ san đất, xây mấy cái phòng vệ sinh và... thu phí. Ai ngờ, thu nhập rất khá. Mấy năm sau, gã trở thành chủ của một gian hàng lưu niệm trên đèo, đưa vợ con từ Bắc vào...

Ngày tôi gặp Lại Thanh Hà, gã đã là chủ của mấy chục ha rừng và mấy khu đất mặt tiền ở Liên Chiểu. Nhưng vẫn giữ cái biệt danh Lại Phiền Hà. Vẫn làm thơ và chăn bò, đó là gã chăn bò có quan hệ xã giao rộng nhất mà tôi từng biết. Bạn bè của gã nhiều nhất là báo, nhà thơ!

Hôm tôi đến, gã đang đi chăn bò, con của gã chạy kêu bố về. Giao cây roi và đàn bò cho đứa con, gã rủ tôi đến bức tường ải Vân Quan, chụp tấm hình làm kỷ niệm.

Từ ngày khánh thành hầm đường bộ Hải Vân, tôi ít có dịp gặp gã nhưng vẫn hay ngước nhìn lên đỉnh đèo mỗi lần đi qua đây. Trên đó có ải Vân Quan, có gió biển thổi từ cửa Nam Ô, có một gã chăn bò làm thơ giàu có.

Với gã, đường lên ải Vân Quan cũng là con đường đưa gã vượt qua cửa ải đói nghèo, khởi đầu bằng thơ và lòng tự trọng. Ải Vân Quan đã trở thành dấu mốc trong đời gã!.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét