Thứ Tư, 11 tháng 4, 2007

Ân hận vì lỡ bắt tay

Ông nói đã bắt tay ai thì nhìn vào mắt họ và bắt cho thật chặt, thẳng lưng mà bắt. Bắt tay người trên đừng khúm núm cúi mình, bắt tay kẻ nhỏ cũng đừng ra vẻ ban ơn, hạ cố.

Cái bắt tay, vì thế, không chỉ là thông điệp tình cảm, xã giao, phong cách.


Nó lớn hơn thế nhiều, là nhân cách! .


Vậy nhưng chính ông mấy chục năm nay, cứ mỗi lần nhớ lại là ân hận vì lỡ bắt tay một người!


Người đó chức to hơn ông, to hơn nhiều cấp trên của ông. Lần nọ, hai mươi mấy năm trước người đó vào thăm thành phố và dự một cuộc họp quan trọng. Giữa bá quan, quần thần, giữa một rừng ống kính và ánh đèn flash, người đó bắt tay ông. Nhưng chỉ một giây, ông cảm giác ân hận vì lỡ bắt mà rút bàn tay về không kịp: người ta bắt tay mình với anh mắt và nụ cười vô cảm, bàn tay hờ hững và lạnh lẽo như tay của xác chết! Cái bắt tay ban ơn và hạ cố của người trên dành cho kẻ dưới.


Tính ông nguyên tắc nhưng bình dân. Lính ông kể có lần khi đã là Đại tá, Phó Giám đốc Công an TP, ông đi Huế công tác. Thấy anh tài xế mệt, ông giành ôm vô lăng. Tới quán cơm ở Ninh Hoà, khi mọi người ăn thì ông ra nằm võng. Chủ quán tưởng ông là lái xe nên "bồi dưỡng" ông một ly cà phê và gói thuốc, như cách người ta vẫn "chặt cò" cho những lái xe khác.


Làm lớn, có tiêu chuẩn xe hơi đưa đón, ông vẫn bảo phòng hậu cần bố trí cho mình một chiếc xe 67 cũ kỹ, mang biển số ẩn tế. Sự đời khó ngờ, người ta tố cáo ông tham ô chiếc xe của cơ quan, vì xe công sao biển số trắng. Một "nhà báo lớn" của một tờ báo lớn phía bắc viết bài điều tra phanh phui vụ "tham ô" này. Thế rồi thanh tra làm rõ: giấy tờ xe vẫn ghi chủ sở hữu là Công an Thành phố.


Ông ra quyết định khởi tố tay nhà báo về tội vu khống. Không phải để trả đũa, mà: mình không bảo vệ được danh dự cho mình, làm sao bảo vệ dân? Anh nhà báo trốn như chạch, nhờ can thiệp tới tấp. Có người khuyên ông: ông Tư à, làm Đại tá, Phó giám đốc Công an của thành phố mấy triệu dân, nếu ai đó nói ông tham ô cái nhà vài ngàn cây vàng mới sợ, chớ họ nói ông tham ô cái xe 67 tức là gắn huân chương liêm khiết cho ông. Bỏ đi, ông Tư à!


Thế nhưng sau lần bị khởi tố hụt, anh "nhà báo lớn" đi đâu cũng vỗ ngực xưng tên như một người hùng. Gần đây anh ta còn trả lời phỏng vấn như điển hình của sự dũng cảm, dấn thân, dám tấn công vào những thế lực đen.


Ông tên là Trần Văn Tạo, tức Tư Tạo. Sau khi về hưu, giờ ông làm bóng đá và làm luật sư.


Tấm ảnh này tôi chụp ở Phan Thiết, khi ông đến cơ quan điều tra Công an Bình Thuận làm thủ tục bảo vệ quyền lợi miễn phí cho ông Nguyễn Văn Hương, một hành khách bị đánh chết vì không chịu ăn cơm tù. Tôi nhớ lần đó trên xe, đồng nghiệp Nguyễn Văn Tiến Hùng hỏi ông già vậy, đi cãi miễn phí ở xa có cực lắm không. Ông nói mấy cái vụ này, ra tới Lạng Sơn tao cũng đi.


Ông Luật sư già gân ấy, giờ vẫn chơi thể thao đều đều, lúc thư giãn vẫn ngồi lướt phím piano.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét